Ngăn chặn sản xuất không bảo đảm điều kiện môi trường

Trước nguy cơ ô nhiễm nguồn nước do chế biến dong riềng, Ủy ban nhân dân thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) đã cử nhiều đoàn công tác về các xã trọng điểm tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân ký cam kết tuân thủ kỹ thuật, song vẫn còn tình trạng lén lút xả thải trực tiếp vào các con suối, ảnh hưởng nguồn nước. Vì vậy, chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp kiên quyết ngăn chặn sản xuất không bảo đảm điều kiện môi trường.

Đại diện Ủy ban nhân dân thành phố Điện Biên Phủ kiểm tra cơ sở chế biến miến dong tại xã Nà Tấu.

Đại diện Ủy ban nhân dân thành phố Điện Biên Phủ kiểm tra cơ sở chế biến miến dong tại xã Nà Tấu.

Vùng trọng điểm trồng cây dong riềng của thành phố Điện Biên Phủ, gồm các xã: Nà Tấu, Nà Nhạn, Mường Phăng, Pá Khoang, với tổng diện tích 308,37 ha. Toàn thành phố có 11 cơ sở sản xuất, chế biến tinh bột dong riềng, tập trung tại ba xã: Nà Tấu, Nà Nhạn và Mường Phăng.

Thông tin về vi phạm của một số cơ sở chế biến củ dong riềng trên địa bàn, ông Trần Quý Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Điện Biên Phủ cho biết: Từ ngày 11 đến 16/11, thành phố đã tiếp nhận phản ánh của nhân dân về tình trạng hai con suối dẫn nước về hồ Pá Khoang có mầu đen và sáu ao cá của các hộ dân ở bản Khẩu Cắm, bản Yên (xã Mường Phăng) có tình trạng cá chết nhiều. Nhận định nguyên nhân có thể do chế biến dong riềng nên Ủy ban nhân dân thành phố đã khẩn trương chỉ đạo lập các đoàn công tác kiểm tra thực địa tại những cơ sở có hoạt động chế biến dong riềng ở các xã: Nà Tấu, Nà Nhạn, Mường Phăng, Pá Khoang.

Kiểm tra quanh khu vực hai con suối dẫn về hồ Pá Khoang là Nặm Phăng (Nặm Luông) và Nặm Phung, đoàn kiểm tra ghi nhận tình trạng nước chuyển mầu đen, hôi vào sáng sớm, song kiểm tra tại hai cơ sở chế biến dong riềng gần đó thì cả hai đều trong tình trạng "dừng hoạt động".

Tìm hiểu thêm nguồn nước tại đầu nguồn con suối Nặm Phung thuộc địa bàn xã Pú Nhi (huyện Điện Biên Đông), đoàn kiểm tra phát hiện có một cơ sở ở Pú Nhi cũng hoạt động sản xuất, chế biến dong riềng. "Căn cứ kết quả kiểm tra thực tế và quan sát trực quan, đoàn kiểm tra đưa ra nhận định nguyên nhân khiến nước trong hai con suối chuyển mầu đen là do hai cơ sở ở xã Mường Phăng lén lút chế biến vào ban đêm rồi xả thải ra suối. Một cơ sở tại xã Pú Nhi cũng sản xuất tinh bột dong riềng rồi xả nước chưa qua xử lý vào suối Nậm Phung" - ông Hùng khẳng định.

Riêng với tình trạng cá tại sáu ao của các hộ dân ở hai bản là bản Khẩu Cắm và bản Yên (xã Mường Phăng) bị chết, đoàn kiểm tra làm rõ: Bốn ao cá ở bản Khẩu Cắm bị cạn nước, cá thiếu ô-xy cho nên chết ngạt; còn hai ao tại cánh đồng bản Yên cũng vì thiếu nước cho nên hai ngày (14 và 15/11), chủ ao dẫn nước từ kênh nội đồng vào ao, sau đó cá trong ao bắt đầu chết rải rác.

Điều đáng nói, tại thời điểm cá chết thì nước trong ao có mầu đen, hôi. Nhận định một phần nguyên nhân khiến cá chết là do nguồn nước từ kênh mương bị ô nhiễm vì gần đó có cơ sở sản xuất, chế biến dong riềng của gia đình ông Trịnh Văn Khỏe đã xả thải trực tiếp ra kênh mương.

Theo Ủy ban nhân dân thành phố Điện Biên Phủ, địa phương đã có hàng chục văn bản, hướng dẫn yêu cầu xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường nhưng thực tế triển khai rất khó. Khi chính quyền địa phương thắt chặt kiểm tra, xử lý thì vi phạm về môi trường trong sản xuất dong riềng lắng xuống, song sau đó tình trạng lại… như cũ.

Mới đây, Ủy ban nhân dân thành phố phải sử dụng biện pháp đề nghị Điện lực thành phố ngừng cung cấp điện cho các cơ sở chưa đủ điều kiện; đồng thời giao ủy ban nhân dân các xã phối hợp chặt chẽ với phòng, ban chuyên môn của thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Điện Biên Phủ Nguyễn Quang Hưng khẳng định, thành phố sẽ kiên quyết ngăn chặn hoạt động sản xuất không bảo đảm điều kiện về môi trường; các cá nhân, tổ chức tuân thủ, chấp hành nghiêm thì ngoài hỗ trợ, tạo điều kiện về vốn, kỹ thuật, thành phố còn biểu dương, khen thưởng xứng đáng. Cùng với kiểm tra, địa phương kết hợp tuyên truyền, đề nghị chủ các cơ sở ký cam kết chấp hành nghiêm quy định sản xuất, cam kết xả thải; nếu phát hiện cơ sở nào cố tình vi phạm hoặc tái phạm thì kiên quyết xử lý theo quy định pháp luật.

Về lâu dài, để bảo đảm phát triển kinh tế, thu nhập cho người trồng, người sản xuất, chế biến dong riềng, Ủy ban nhân dân thành phố Điện Biên Phủ đã giao Phòng Kinh tế kêu gọi kết nối nhà đầu tư, doanh nghiệp hợp tác tiêu thụ củ dong riềng cho nông dân.

Mới đây, Phòng Kinh tế thành phố đã phối hợp tổ chức hai hội nghị để kết nối Hợp tác xã Miến dong Lộc Biên với các hộ dân trồng dong trên địa bàn. Hợp tác xã Miến dong Lộc Biên đã cam kết tiêu thụ củ dong riềng với mức giá thấp nhất 2.500 đồng/kg cho các hộ dân; khi giá thị trường tăng cao hơn thì giá thu mua bằng giá thị trường, còn thị trường thấp hơn thì giá thu mua cũng không dưới 2.500 đồng/kg. Với việc ký cam kết này, người trồng dong trên địa bàn thành phố rất đồng thuận, phấn khởi và tin tưởng giải pháp chỉ đạo của chính quyền địa phương trong quản lý trồng, chế biến dong riềng hiệu quả nhưng không xâm hại môi trường.

Bài và ảnh: LÊ LAN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ngan-chan-san-xuat-khong-bao-dam-dieu-kien-moi-truong-post850193.html