Ngăn chặn thảm kịch di cư bất hợp pháp

Bất chấp nỗ lực của các nước, những câu chuyện đau lòng về tàu chở người di cư gặp nạn trên hành trình tìm đến 'miền đất hứa' châu Âu vẫn thường xuyên xảy ra thời gian gần đây. Nếu không sớm triển khai các giải pháp quyết liệt, những thảm kịch của người di cư trên biển sẽ còn tiếp tục tái diễn.

Người di cư được chuyển từ tàu thương mại sang tàu cứu hộ ở Địa Trung Hải. (Ảnh AP)

Người di cư được chuyển từ tàu thương mại sang tàu cứu hộ ở Địa Trung Hải. (Ảnh AP)

Đầu tháng 4, Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) và một tàu thương mại của Algeria đã cứu được bốn người trên bè cứu sinh đang trôi dạt ở Địa Trung Hải. Những người được cứu cho biết, đoàn người di cư gần 100 người đã lên thuyền và trải qua hành trình bốn ngày trên biển trước khi gặp nạn. Chỉ bốn người may mắn sống sót trong số gần 100 người bị chết đuối. Ít ngày trước khi thảm kịch nêu trên xảy ra, cảnh sát Tây Ban Nha cho biết, ít nhất 25 người có thể đã thiệt mạng khi thuyền chở khoảng 75 người di cư gặp nạn trong quá trình vượt biển nguy hiểm từ Mauritania đến quần đảo Canary.

Tuyến đường đi qua Đại Tây Dương từ Mauritania đến quần đảo Canary rất nguy hiểm do có nhiều dòng hải lưu lớn, song hàng nghìn người di cư châu Phi vẫn bất chấp tính mạng để vượt biển theo “con đường chết chóc” này để sang châu Âu. Những người sống sót cho biết, họ đã trải qua một hành trình “kinh khủng”, thiếu thức ăn và nước uống trong nhiều ngày. Đây chỉ là hai trong số rất nhiều câu chuyện về những người di cư thiệt mạng trên biển mỗi năm khi chạy trốn đói nghèo và xung đột.

Thời gian qua, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra nhiều giải pháp để ngăn chặn dòng người di cư cũng như những thảm kịch trên biển, song nỗ lực của EU chưa mang lại kết quả như mong muốn. Tác động của đại dịch Covid-19 và các biện pháp hạn chế để ngăn chặn đại dịch lây lan đã khiến cơn bão người di cư đến châu Âu dịu bớt trong năm 2020. Tuy nhiên, sự chuyển biến này không duy trì được lâu. Cơ quan Biên giới châu Âu (Frontex) cho biết, số người vượt biên trái phép vào EU năm 2021 cao hơn 57% so với năm 2020 và xu hướng này tiếp tục tăng trong năm 2022.

Theo Frontex, đáng lo ngại hơn cả là ngày càng nhiều người di cư lựa chọn những tuyến đường biển nguy hiểm để đến châu Âu. Tuyến đường từ Bắc Phi vượt Trung Địa Trung Hải đến Italia và tuyến đường từ Tây hoặc Bắc Phi vượt Đại Tây Dương đến quần đảo Canary của Tây Ban Nha được coi là những “tuyến đường chết chóc”. Tuy nhiên, số người di cư trái phép qua hai tuyến đường nêu trên lại lần lượt tăng 100% và 50% trong tháng 1/2022 so cùng kỳ năm 2021.

Bộ Nội vụ Tây Ban Nha cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, hơn 5.500 người di cư từ châu Phi đã bất chấp nguy hiểm vượt biển để đến các hòn đảo của Tây Ban Nha, tăng gấp đôi so cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, giới chức Italia cho biết, những kẻ buôn người thường nhồi nhét người di cư trên những chiếc thuyền tạm bợ, thô sơ và bỏ mặc họ vượt qua vùng biển có dòng chảy mạnh trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Hơn nữa, để tránh bị phát hiện, tuyến đường chúng sử dụng thường rất nguy hiểm.

Người đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) Filippo Grandi (Ph.Gran-đi) mới đây kêu gọi các nước châu Âu dành sự quan tâm thỏa đáng đối với người di cư đến từ Trung Đông và Bắc Phi. Ông Grandi nhấn mạnh, châu Âu đã chứng minh khả năng tiếp nhận 4 triệu người tị nạn đến từ Ukraine một cách hiệu quả. Vì vậy, châu Âu cũng cần khẩn trương xem xét áp dụng chính sách này đối với những người ở các khu vực khác đang “gõ cửa” trong tuyệt vọng. Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) bày tỏ lo ngại khi người di cư liên tục bị thiệt mạng trên hành trình vượt biển nguy hiểm đến châu Âu, trong khi các nước chưa có hành động kiên quyết để ngăn chặn. IOM nhấn mạnh, các nước cần có hành động cụ thể để giảm bớt thiệt hại về người, thông qua việc chủ động tìm kiếm và giải cứu người di cư.

Bức tranh di cư tại châu Âu đang bị phủ thêm nhiều gam màu u ám bởi những thảm kịch trên biển vẫn tiếp diễn. Tháo ngòi các cuộc xung đột, cải thiện cuộc sống cho người dân tại các nước được coi là giải pháp gốc rễ cho cuộc khủng hoảng này. Tuy nhiên, đây không phải vấn đề một quốc gia hay một khu vực có thể tự giải quyết mà đòi hỏi sự hợp tác và quyết liệt hơn nữa của cộng đồng quốc tế.

Mai Châu

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-the-gioi/ngan-chan-tham-kich-di-cu-bat-hop-phap-692799/