Ngăn chặn tiêu thụ thịt chó mèo: Việt Nam không thể là quốc gia đi sau cùng

Tiêu thụ thịt chó, mèo đang là vấn đề không chỉ của riêng Việt Nam mà còn là mối quan tâm toàn cầu.

Ngày càng có nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới ban hành các quy định nghiêm cấm hành vi buôn bán thịt chó, mèo vì gây ảnh hưởng không tích cực đến lợi ích quốc gia và sức khỏe cộng đồng.

Buôn bán trái phép vẫn tiếp diễn

Hoạt động buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp chó và mèo vẫn đang diễn ra hàng ngày. Theo báo cáo của Tổ chức Phúc lợi động vật toàn cầu - FOUR PAWS, quốc lộ 1A là con đường để vận chuyển đa số vật nuôi bị bắt trộm trái phép cung cấp cho nhà hàng.

Trước đó, CSGT Hòa Phước (Đà Nẵng) đã phát hiện số lượng lớn động vật trái phép trên một xe khách tuyến Bắc - Nam. 106 cá thể chó, mèo trong tổng số 156 cá thể đã chết do bị nhồi nhét trong khoang hành lý cùng với đồ đạc của hành khách. Nhà xe chỉ bị phạt 7 triệu đồng.

Ảnh minh họa: PX

Ảnh minh họa: PX

Với quy mô buôn bán “tàn nhẫn” này, khoảng 6 triệu cá thể chó, mèo đã bị giết thịt mỗi năm nhưng những vụ bắt giữ, xử phạt không nhiều.

Buôn bán và vận chuyển chó, mèo trên tuyến đường dài, không được tiêm chủng, không có giấy phép đang là mối đe dọa cho sức khỏe cộng đồng nhưng dường như chưa được quan tâm đúng mức.

Hành vi buôn bán, vận chuyển chó mèo không rõ nguồn gốc, trong điều kiện tồi tệ, các con vật bị đối xử thiếu nhân đạo, bị lôi ra từ lồng nhốt bằng kẹp sắt một cách tàn nhẫn, bị đánh chết bằng gậy, giật điện... trước khi bán cho những người chuyên cung cấp cho các nhà hàng cũng đang là những hình ảnh phản cảm đối với khách du lịch.

Ông Robert Rankin, Giám đốc quốc gia Công ty du lịch và lữ hành Abercrombie and Kent Việt Nam chia sẻ trong buổi đối thoại giữa các bên hữu quan về các tác động của việc buôn bán thịt chó, mèo đối với sức khỏe cộng đồng, phúc lợi động vật và ngành du lịch tại Hà Nội tháng 8/2022, do FOUR PAWS tổ chức: “Khách du lịch không muốn chứng kiến những hành động tàn ác đối với động vật, và đặc biệt là nạn buôn bán thịt chó, mèo".

Đối xử nhân đạo với động vật (phúc lợi động vật) đã được quy định trong Luật Thú y và Luật Chăn nuôi tại Việt Nam.

Luật sư Phạm Ngọc Minh – Công ty Luật TNHH Everest, cho biết: “Việc trộm và giết thịt chó mèo có thể bị xử phạt hành chính đến 5 triệu đồng theo quy định tại Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về việc xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác hoặc xử lý hình sự theo quy định tại Điều 173 của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)”.

Việt Nam không thể là quốc gia đi sau cùng

Thái Lan đã nhận ra những thiệt hại tiềm tàng mà nạn buôn bán thịt chó có thể gây ra không những với sức khỏe cộng đồng, mà còn với hình ảnh quốc gia và du lịch.

Một lệnh hành pháp đã được ban hành để thực thi các luật và quy định hiện hành nhằm ngăn chặn hoạt động buôn bán. Đạo luật Ngăn chặn sự tàn ác và Quản lý phúc lợi động vật (Animal Welfare and Cruelty Prevention Act) được thực thi năm 2014. Hiện tại, ăn thịt chó hoặc mèo, cũng như bất kỳ hình thức buôn bán nào ngoài vật nuôi, sẽ là bất hợp pháp ở xứ sở chùa vàng.

Một số nơi như Philippines hay Đài Loan (Trung Quốc) đã cấm buôn bán và tiêu thụ thịt chó và mèo, khiến việc giết mổ và buôn bán là bất hợp pháp. Những thành phố đông dân của Trung Quốc như Chu Hải, Thâm Quyến, Đại Liên... cũng thông qua lệnh cấm bán thịt chó và mèo.

Gần đây, năm 2023, Indonesia đã cấm buôn bán thịt chó và mèo ở 21 thành phố và khu vực trên cả nước. Lệnh cấm đã cứu 1 triệu cá thể chó, mèo bị giết mổ mỗi năm.

Đặc biệt, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua dự luật đặc biệt, cấm tiêu thụ thịt chó vào đầu năm 2024, mặc dù "Bosintang" - thịt chó hầm, vốn là món ăn truyền thống và phổ biến của người dân xứ kim chi.

Nhận thức của người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ đã có nhiều thay đổi. Họ mong muốn hoạt động buôn bán thịt chó mèo không gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của Việt Nam, đất nước tiến bộ và phát triển.

Tháng 6 vừa qua, FOUR PAWS đã thực hiện tour xuyên Việt "Hành trình yêu thương", sử dụng xe tải có gắn màn hình LED di chuyển và dừng đỗ tại ba thành phố lớn của Việt Nam, nhằm nâng cao nhận thức về những vấn nạn do việc buôn bán thịt chó, mèo gây ra và đã nhận được nhiều sự quan tâm, ủng hộ của cộng đồng.

Tại ba thành phố lớn Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM, nhiều người dân tỏ thái độ phản đối buôn bán thịt chó, mèo, ủng hộ bảo vệ động vật và thúc đẩy phúc lợi động vật.

Anh Minh Hiếu, 27 tuổi, sống tại TPHCM không đồng tình với nạn vận chuyển bất hợp pháp chó, mèo hiện nay. Việc ăn thịt chó là sở thích cá nhân của một số người nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Anh mong có một lệnh chấm dứt buôn bán thịt chó, mèo vĩnh viễn ở Việt Nam.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ngan-chan-tieu-thu-thit-cho-meo-viet-nam-khong-the-la-quoc-gia-di-sau-cung-2309937.html