Ngăn chặn tình trạng nhập lậu lợn qua biên giới Quảng Trị

Do khan hiếm và giá cả tăng cao, các đầu nậu thu gom lợn từ Thái Lan đưa về sát biên giới Lào - Việt Nam qua địa phận tỉnh Quảng Trị, lợi dụng sơ hở của cơ quan chức năng để nhập lậu vào Việt Nam bán kiếm lời. Trước tình hình trên, Đoàn Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm miền Trung (Đoàn 2), Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai nhiều biện pháp đấu tranh, ngăn chặn việc làm phạm pháp này.

Tổ công tác của Đoàn 2 thu giữ lợn nhập lậu qua biên giới Quảng Trị. Ảnh: Trúc Hà

Tổ công tác của Đoàn 2 thu giữ lợn nhập lậu qua biên giới Quảng Trị. Ảnh: Trúc Hà

Trong khi ở nước ta, mặt hàng thịt lợn luôn khan hiếm và giá cả tăng cao thì lợn nuôi công nghiệp trong các khu trang trại của Thái Lan, đưa về Lào có giá thành rẻ hơn và lượng cung luôn dồi dào. Nắm bắt được “cơ hội làm ăn”, các đầu nậu đã thu mua và tìm cách đưa lợn về Việt Nam tiêu thụ để kiếm lời. Theo khảo sát, giá lợn đưa đến huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet, Lào chỉ dao động ở mức 70.000 đồng/kg. Trong khi đó, ở thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, các thương lái thu mua khoảng 90.000 đồng/kg. Tính ra, nếu vận chuyển trót lọt qua biên giới, với mỗi con lợn, đầu nậu lãi gần 2 triệu đồng.

Cũng vì lãi lớn, các đầu nậu tìm mọi cách vận chuyển lợn trái phép qua biên giới. Chủ lợn tìm thuê những người dân địa phương thông thạo địa bàn, lợi dụng mùa khô, nước trên sông Sê Pôn cạn, có thể sử dụng ghe máy, thuyền bơi tay hoặc có đoạn có thể đi bộ qua. Lợn được cho từng con vào lồng chất lên ghe, chỗ cạn có thể lùa cả đàn sang. Bất kể ngày đêm, chỉ cần cơ quan chức năng sơ hở, lợn nhanh chóng được đưa qua biên giới. Mỗi con lợn vận chuyển từ Lào sang địa phận Việt Nam được trả công từ 200-300 ngàn đồng, thế nên không ít người tham gia, dù biết là vi phạm pháp luật.

Sau khi nhập lậu vào Việt Nam, lợn được đưa vào các trang trại chăn nuôi trong địa bàn (thường được xây sát sông biên giới), từ đó hợp thức hóa vận chuyển đến các lò mổ trên khắp cả nước. Việc làm trên ngoài thiệt hại về kinh tế, còn gây bức xúc trong dư luận, bởi lợn nhập lậu không qua kiểm dịch, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh, nhất là khi tình hình dịch tả lợn châu Phi khiến nhiều nơi lao đao. Bên cạnh đó, việc nhập lậu cũng gây mất an ninh trật tự trên địa bàn, bởi vậy, việc ngăn chặn là vô cùng cần thiết, quan trọng.

Trước tình hình phức tạp trên, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP chỉ đạo Đoàn 2 triển khai tối đa lực lượng tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, phối hợp với các đơn vị BĐBP Quảng Trị, các lực lượng chức năng trên địa bàn triển khai các hoạt động ngăn chặn việc nhập lậu cũng như các mặt hàng hóa khác, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Lực lượng trinh sát tổ chức bám nắm địa bàn để thu thập thông tin, từ đó đưa ra các phương án phù hợp, hiệu quả. Việc tuần tra, kiểm soát được thực hiện cả trên sông và trên bờ. Các tổ tuần tra trên sông khi phát hiện, báo cho các đội cơ động phối hợp với các chốt của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, Đội Đặc nhiệm của Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm và Đội Trinh sát đặc nhiệm thuộc Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động, BĐBP Quảng Trị tiến hành bắt giữ.

Theo Thiếu tá Nguyễn Bình Tân, Đội trưởng Đội Phòng, chống buôn lậu, Đoàn 2, khi bị phát hiện, các đối tượng thường bỏ chạy, nhưng cũng không ít trường hợp manh động, chống lại cơ quan chức năng nhằm cướp hàng nhưng không thành vì cán bộ, chiến sĩ được trang bị công cụ hỗ trợ và được hỗ trợ lực lượng từ các tổ khác. Từ ngày 29-3 đến nay, tổ công tác của Đoàn 2 phối hợp với các đơn vị thu giữ gần 200 con lợn nhập lậu với tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng. Để đảm bảo công tác phòng dịch, số lợn bị thu giữ được nhốt tập trung, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo phối hợp với các lực lượng chức năng tiêu hủy theo quy định.

“Thượng tá Nguyễn Thanh Bình, Phó Đoàn trưởng Đoàn 2 cho biết: Có thời điểm, tình trạng nhập lậu lợn đã giảm, do lực lượng Biên phòng quyết liệt trong việc ngăn chặn hoạt động này. Hơn nữa, lợn trước khi nhập lậu vào Việt Nam được các chủ trang trại chăm sóc tốt, ăn uống đầy đủ. Khi lợn vận chuyển về sát biên giới thường bị nhốt trong chuồng trại thô sơ, thức ăn thiếu, thời tiết nắng nóng nên lợn chết nhiều hoặc bị sụt cân, do đó, chủ lợn bị lỗ đáng kể, dù giá lợn chênh lệch cao. Bởi vậy, các chủ đầu nậu hạn chế việc thu mua lợn đưa về Việt Nam. Hiện nay, chúng tôi tăng cường nắm tình hình, phối hợp với các đơn vị khác quyết tâm ngăn chặn tình trạng này”.

Trúc Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ngan-chan-tinh-trang-nhap-lau-lon-qua-bien-gioi-quang-tri-post429769.html