Ngăn chặn tình trạng uống rượu, bia vẫn lái xe

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông (TNGT) và 11% các vụ TNGT có người tử vong tại nước ta là do tham gia giao thông trong tình trạng đã sử dụng rượu, bia. Mặc dù nhiều giải pháp phòng, chống hành vi uống rượu, bia lái xe (URB-LX) đã được triển khai, nhưng tình trạng này vẫn phổ biến khiến tình hình ATGT nói chung chưa được cải thiện rõ rệt. Do vậy, vấn đề đặt ra là cần một nghiên cứu toàn diện về hành vi này nhằm tạo cơ sở khoa học xây dựng các giải pháp, chính sách hiệu quả hơn.

Cảnh sát giao thông kiểm tra các loại xe khách, xe công-ten-nơ trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: PHẠM HẢI

Cảnh sát giao thông kiểm tra các loại xe khách, xe công-ten-nơ trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: PHẠM HẢI

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông (TNGT) và 11% các vụ TNGT có người tử vong tại nước ta là do tham gia giao thông trong tình trạng đã sử dụng rượu, bia. Mặc dù nhiều giải pháp phòng, chống hành vi uống rượu, bia lái xe (URB-LX) đã được triển khai, nhưng tình trạng này vẫn phổ biến khiến tình hình ATGT nói chung chưa được cải thiện rõ rệt. Do vậy, vấn đề đặt ra là cần một nghiên cứu toàn diện về hành vi này nhằm tạo cơ sở khoa học xây dựng các giải pháp, chính sách hiệu quả hơn.

68% người uống rượu, bia vẫn lái xe

Dưới sự hỗ trợ của Hiệp hội Các doanh nghiệp Rượu châu Á - Thái Bình Dương (APIWSA), Hội ATGT Việt Nam đã phối hợp Trung tâm Nghiên cứu Giao thông vận tải (GTVT) Việt Ðức tiến hành nghiên cứu ảnh hưởng của việc lạm dụng đồ uống có cồn đến hành vi điều khiển mô-tô, xe máy tại Việt Nam. Kết quả của nghiên cứu đã cho ra nhiều con số báo động về tình trạng URB-LX tại Việt Nam. Theo đó, quan trắc hành vi tại các nhà hàng, quán nhậu cho thấy, hành vi URB-LX là rất phổ biến, bất chấp các quy định luật pháp hiện hành. Tỷ lệ thực khách tự điều khiển phương tiện giao thông ra về sau khi uống rượu, bia lên đến 68% (xe máy 62%, ô-tô 6%). Trong khi đó, khoảng 40% số người rời quán nhậu có thể nhận rõ bằng mắt dấu hiệu say xỉn (con số thực tế cao hơn rất nhiều), 34% có dáng đi hơi xiêu vẹo, 9% mặt đỏ gay gắt và 5% xiêu vẹo hoàn toàn. Tiếp tục theo dõi các đối tượng này trong quá trình tham gia giao thông tiếp đó, tỷ lệ vi phạm Luật Giao thông đường bộ là rất cao; cụ thể, 36% không bật xi-nhan khi sang đường, 26% đi ngược chiều và 17% không bật đèn xe khi lưu thông vào buổi tối.

Mặt khác, theo thực nghiệm trên thiết bị mô phỏng lái xe máy ở Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Ðức, khi người lái xe máy có nồng độ cồn trong máu (BAC) = 20 (20 mg/100 ml máu), tương đương với việc chỉ uống một cốc bia thì nguy cơ xảy ra TNGT có thể cao gấp ba lần so với trường hợp BAC = 0 (chưa uống gì); khi BAC = 50, nguy cơ xảy ra TNGT cao gấp bảy lần; và cao gấp gần 10 lần với BAC = 80 (khoảng ba cốc bia) và 11 lần khi BAC = 100 (khoảng năm cốc bia trở lên). Trong khi thực tế, một người uống bia, rượu thường uống ít nhất từ ba đến năm cốc mới chịu rời quán, thậm chí, ngay cả khi chiếu theo quy định hiện hành (BAC tối đa cho phép ở mức 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/1 lít khí thở) vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT rất cao. Ðây chính là nguyên nhân khiến tình hình TNGT liên quan đến rượu, bia vẫn diễn biến hết sức phức tạp, nhiều giải pháp đã được triển khai nhằm ngăn chặn tình trạng này nhưng chưa mang lại hiệu quả rõ rệt.

Cần có chế tài mạnh

Từ kết quả nêu trên, nhóm nghiên cứu đề xuất việc cần sửa luật theo hướng giảm BAC cho phép, thậm chí có thể giảm về mức bằng không. TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Ðức chia sẻ: Nhiều ý kiến cho rằng khó có thể giảm mức BAC về bằng không vì thực tế có những loại thực phẩm ăn vào hoặc quá trình sinh hóa trong cơ thể có thể tạo ra lượng cồn nhỏ khiến kết quả đo BAC > 0. Ðiều này là đúng và cần cân nhắc kỹ khi sửa luật. Nhưng cũng cần chú ý là theo nghiên cứu và thực nghiệm, việc tăng BAC do thực phẩm cao nhất chỉ có thể đạt khoảng 7-8 mg/100 ml máu, nhỏ hơn rất nhiều so với mức BAC = 20 với khả năng gây TNGT đã cao gấp ba lần.

Thượng tá, PGS, TS Lê Huy Trí, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu ATGT (Học viện Cảnh sát nhân dân) cũng nhấn mạnh việc cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung pháp luật bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ để kéo giảm TNGT liên quan đến URB-LX. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang đánh giá quy định hiện hành của Việt Nam về BAC là không tốt, chưa hoàn thiện. Theo đó, không những mức BAC cho phép vẫn ở mức cao, lại quy định chung cho tất cả các đối tượng mới lái xe hoặc đã có kinh nghiệm, người trẻ tuổi hoặc lớn tuổi,… "Nhiều quốc gia như Niu Di-lân quy định BAC thông thường bằng 50, nhưng với người trẻ tuổi hoặc ít tham gia điều khiển phương tiện thì chỉ số này là 0. Ðây là điều chúng ta cần xem xét, học hỏi khi sửa luật", Thượng tá Trí chia sẻ.

Ngoài ra, một giải pháp trọng tâm khác được nhiều chuyên gia kiến nghị là cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức tự giác của người dân. Phát hiện từ khảo sát phỏng vấn chuyên sâu cho thấy, tình trạng URB-LX một phần xuất phát từ nhận thức sai lầm của nhiều người khi 63% số người được hỏi khẳng định, uống một ít rượu, bia thì khả năng lái xe không bị ảnh hưởng. Thậm chí khi phỏng vấn những nạn nhân bị TNGT do uống rượu, bia, 45% vẫn cho rằng mọi lần khác sau khi uống rượu, bia vẫn đi xe máy về an toàn, việc bị tai nạn có thể chỉ do "số đen". Như vậy, công tác tuyên truyền muốn hiệu quả cần tập trung vào việc sửa chữa những nhận định sai lệch nêu trên. Tuy nhiên, cũng theo kết quả khảo sát một số nạn nhân TNGT do URB-LX, 46% trong số đó vẫn tiếp tục tái diễn sau khi ra viện. Rõ ràng, đến tai nạn cũng không thể làm nhiều người sợ, thay đổi ý thức thì ngoài việc tuyên truyền, giáo dục cũng cần phải có những biện pháp mạnh tay thật sự mới mong giảm được tình trạng URB-LX đang rất phức tạp như hiện nay.

TS Vũ Anh Tuấn kiến nghị: Cần tăng mạnh, áp dụng các mức phạt mang tính răn đe hơn cũng như bổ sung các hình phạt mang tính giáo dưỡng như lao động công ích hay tham gia điều tiết giao thông. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra nồng độ cồn ngẫu nhiên cũng cần tiếp tục được tăng cường và triển khai rộng rãi. Ðồng tình với quan điểm này, Thượng tá Trí cho rằng các hoạt động cưỡng chế vi phạm nồng độ cồn như lập chốt kiểm tra ngẫu nhiên sẽ đem lại hiệu quả cao nếu tuân thủ được các nguyên tắc là dễ nhận biết, công khai tuyên truyền rộng rãi, cưỡng chế nghiêm và duy trì lâu dài. Quan trọng nhất là phải tạo ra nhận thức cho người dân nếu URB-LX, chắc chắn sẽ bị xử lý rất nặng, thậm chí tới mức sau đó họ không bao giờ quên được việc mình đã bị kiểm tra nồng độ cồn như thế nào khi tham gia giao thông.

Nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Ðức cho biết, một số giải pháp về công nghệ và dịch vụ có thể đem lại hiệu quả rất tốt trong cuộc chiến chống tình trạng URB-LX. Thí dụ, tăng cường dịch vụ ta-xi đưa người uống về nhà an toàn; khuyến khích sản xuất và tiêu thụ đồ uống có nồng độ cồn thấp hoặc không cồn; ứng dụng các phần mềm cảnh báo nồng độ cồn trên điện thoại thông minh hoặc ứng dụng khóa liên động trên phương tiện mô-tô, xe máy;…

Chí Công

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/41093102-ngan-chan-tinh-trang-uong-ruou-bia-van-lai-xe.html