Ngăn chặn tình trạng 'vàng hóa' nền kinh tế
Những ngày cuối năm, giá vàng trong nước liên tục biến động theo chiều hướng tăng. Đáng chú ý, có thời điểm, vàng SJC tăng kỷ lục lên 80,3 triệu đồng/lượng.
Với giá bán khoảng 79,22 triệu đồng/lượng (sáng 28-12), từ đầu tháng 12 đến nay, mỗi lượng vàng miếng SJC tăng khoảng 8 triệu đồng/lượng. Còn từ đầu năm đến nay, giá vàng miếng SJC tăng khoảng 12,6 triệu đồng/lượng.
Theo lý giải của các chuyên gia, giá vàng trong nước tăng phi mã là do thời điểm cuối năm nhu cầu mua vàng phục vụ cưới hỏi, lễ hội, quà tặng tăng lên. Mặt khác, lãi suất liên tục giảm, thị trường chứng khoán nhiều biến động, bất động sản trầm lắng, đầu tư khó khăn nên dòng tiền có xu hướng “chảy” sang kim loại quý. Ngoài ra, giá vàng trong nước còn bị tác động bởi một số yếu tố khác, trong đó có vấn đề nguồn cung SJC khan hiếm do hơn 10 năm qua, Ngân hàng Nhà nước không nhập khẩu vàng...
Trong suốt hai tuần qua, giá vàng thế giới luôn ở trên mốc 2.000 USD/ounce. Giá vàng trong nước tăng theo đà tăng của giá vàng thế giới. Tuy nhiên, điểm bất thường là, trong khi thế giới tăng chậm thì thị trường trong nước tăng “chóng mặt”, dẫn đến có thời điểm vàng trong nước cao hơn thế giới khoảng 18 triệu đồng/lượng. Cùng thuộc vàng 9999 nhưng SJC cao hơn các thương hiệu khác tới 12 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá mua vào, bán ra có lúc lên tới 5 triệu đồng/lượng (ngày 28-12).
Vàng không nằm trong rổ hàng hóa, dịch vụ tính Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), song vàng tăng giá mạnh sẽ tác động đến nền kinh tế. Vàng trong nước tăng giá mạnh, chắc chắn sẽ có hiện tượng đầu cơ, nhập lậu vàng và việc ảnh hưởng đến tỷ giá là điều không thể tránh khỏi. Hệ lụy dễ nhìn thấy nữa là, mỗi khi giá vàng tăng, về mặt tâm lý, vì lo lắng tiền đồng Việt Nam (VND) mất giá, người dân sẽ tìm cách mua bằng được vàng, thay vì gửi tiền vào ngân hàng hoặc mua hàng hóa, dịch vụ để kích thích tăng trưởng kinh tế. Không ít thì nhiều, người dân cũng sẽ quy giá hàng hóa theo giá vàng và có thể giá các loại hàng hóa sẽ tăng theo. Giá vàng tăng, dẫn đến giá trị nhà đất, bất động sản tăng khiến thị trường bất động sản vốn đã trầm lắng càng thêm trầm lắng...
Về những hệ lụy của vàng tăng giá quá cao, trong Công điện số 1426/CĐ-TTg ngày 27-12-2023 gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ trưởng các Bộ: Công an, Công Thương, Tài chính, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông; Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ đạo về các giải pháp quản lý thị trường vàng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu rõ: “Giá vàng trong nước biến động mạnh, tăng nhanh, tác động tiêu cực đến an toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội”.
Người dân “găm vàng” nhiều thì ít tiền lưu thông, kinh tế không phát triển được. Vì vậy, trong Công điện số 1426/CĐ-TTg, người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu: “Dứt khoát không để tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia”. Việc cần làm ngay là, các cơ quan chức năng phải thực hiện nghiêm công điện; khẩn trương có giải pháp hiệu quả để quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao... Đặc biệt cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để sớm phát hiện và triệt phá các nhóm lũng đoạn thị trường vàng, mà Đảng và Nhà nước ta gọi là “nhóm lợi ích”. Nhóm lợi ích này liên minh với nhau để thao túng thị trường, tạo ra cung - cầu “ảo” và những “cơn sốt” vàng nhằm trục lợi bất chính, gây tâm lý bất ổn trong nhân dân và ảnh hưởng xấu đến chính sách điều hành kinh tế của Nhà nước. Bên cạnh đó là rà soát khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý, kinh doanh vàng, kịp thời đề xuất cấp thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định, bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công cụ quản lý nhà nước đối với thị trường vàng.
Hơn 10 năm trước, tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế đã xảy ra khi thị trường vàng tạo sức hút rất lớn đối với nhà đầu tư, người dân. Vàng trở thành nơi “làm ăn” của giới đầu cơ. Tuy nhiên, nhờ những giải pháp kịp thời, hiệu quả, cụ thể là ban hành Nghị định số 24/2012/NĐ-CP (ngày 3-4-2012) về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Chính phủ đã thành công trong điều hành thị trường vàng. Minh chứng là cung - cầu thị trường luôn cân bằng, ổn định.
Hai ngày sau khi Công điện số 1426/CĐ-TTg được ban hành, giá vàng trong nước đã giảm. Như vậy có thể tin tưởng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự chủ động vào cuộc của các cơ quan chức năng, thị trường vàng sẽ được kiểm soát và không gây ra những hệ lụy xấu đối với nền kinh tế. Khi niềm tin vào tiền VND được củng cố, thay vì "găm vàng" tích trữ, người dân sẽ chuyển dòng tiền vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần đưa nền kinh tế phát triển lành mạnh, bền vững.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ngan-chan-tinh-trang-vang-hoa-nen-kinh-te-654585.html