Ngăn chặn từ nguồn hàng, phạt nặng tiếp tay xe chở quá tải

Để ngăn chặn xe quá tải bùng phát, cần kiểm soát chặt từ nguồn hàng, đồng thời xử phạt nghiêm cả lái, chủ xe, người xếp hàng và cân xe.

Kỳ 1: CSGT cắm chốt, xe cơi nới thành thùng qua như chốn không người

Kỳ 2: Nghịch lý xe quá tải hoành hành, trạm cân tê liệt

Kỳ 3: Thâm nhập “thánh địa” cơi nới thành thùng tiếp tay chở quá tải

Kỳ cuối: Ngăn chặn từ nguồn hàng, phạt nặng tiếp tay xe quá tải

Những hành vi chung chi, tiếp tay xe quá tải cần xử lý hình sự để răn đe.

Mất hàng nghìn tỷ để sửa chữa cầu yếu

Tình trạng xe quá tải bùng phát trở lại dẫn đến rất nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ bị phá nát. Hệ thống cầu, đường xuống cấp theo hiệu ứng dây chuyền.

Lực lượng chức năng Hải Dương đo chiều dài thành thùng xe tải

Lực lượng chức năng Hải Dương đo chiều dài thành thùng xe tải

Thống kê của Tổng cục Đường bộ VN, dọc các quốc lộ huyết mạch đang có hàng trăm cầu kết cấu yếu, bị rung lắc mạnh khi chịu tải.

Trong khi đó, để bảo dưỡng, sửa chữa các cây cầu yếu này dự kiến cần tới 5.000 tỷ đồng. Đó là chưa kể đến hệ thống đường quốc lộ xuống cấp nghiêm trọng, đang chờ sửa chữa định kỳ.

“Rất nhiều tuyến đường chỉ sau thời gian ngắn nâng cấp, làm mới, mặt đường đã bị phá vỡ kết cấu, lún võng, làm đọng nước mỗi khi trời mưa, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ ATGT, Tổng cục Đường bộ VN cho biết.

GS. TS. Bùi Xuân Cậy, Trưởng Bộ môn đường bộ, Trường Đại học GTVT Hà Nội cho hay, xe quá tải bùng phát khiến tuổi thọ của công trình bị giảm. Điều này đồng nghĩa Nhà nước phải chi rất nhiều tiền để sửa chữa, bảo trì.

Cũng theo GS. TS. Bùi Xuân Cậy, để kiểm soát tốt xe quá tải cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng Thanh tra ngành GTVT và CSGT. Việc này cần làm liên tục, kiên trì, không theo phong trào, ra quân rầm rộ rồi lại thôi kiểu “đầu voi, đuôi chuột”.

Nói về trách nhiệm của lực lượng chức năng, ông Cậy cho rằng, Chỉ thị 32 giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm nếu để xảy ra xe quá tải trên địa bàn. Nếu địa phương làm tốt, xe quá tải sẽ giảm.

“Về lâu dài, để kiểm soát xe quá tải cần ứng dụng công nghệ. Trước đây, chúng ta đã có hệ thống cân lưu động đặt trên các tuyến đường.

Tuy nhiên, hệ thống này vẫn có hạn chế là người vi phạm vẫn tiếp xúc với lực lượng chức năng và nguy cơ tiêu cực vẫn xảy ra. Do vậy, nhân rộng các trạm cân tự động và phạt nguội vi phạm sẽ loại bỏ được tình trạng này”, GS. TS. Cậy nói.

Phạt cả lái, chủ xe, người xếp hàng và cân xe

Trao đổi với Báo Giao thông, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, hiện lực lượng thanh tra giao thông rất mỏng, trang thiết bị thiếu.

Thanh tra giao thông có thể làm rất tốt khi được đầu tư tự động hóa hệ thống kiểm soát tải trọng xe trên toàn bộ mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Ngăn chặn chung chi xử phạt xe quá tải cách nào?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn luật gia TP.HCM cho rằng, mức phạt đối lái xe và chủ xe quá tải cần mạnh tay hơn.
“Ngoài việc phạt tiền, cần tăng thời gian tước GPLX, không cho xe vi phạm lưu hành. Đồng thời, tăng cả mức phạt với chủ phương tiện”, ông Hậu nói.
Trước lo ngại, khi mức phạt tăng sẽ nảy sinh hàng loạt vấn đề như chung chi, luật sư Hậu cho rằng, trường hợp chung chi cần xử lý theo hành vi đưa và nhận hối lộ. Tới đây cần bổ sung vào Luật, Nghị định qui định rõ đối với trường hợp chung chi sẽ bị xử lý hình sự như hành vi tham nhũng.

Tất cả các đầu mối hàng hóa đều phải được kiểm soát tải trọng xe. Dữ liệu tải trọng của mỗi xe phải được tự động nhập vào dữ liệu kiểm soát tải trọng xe của ngành giao thông trước khi phương tiện ra đường.

Dữ liệu xe là 40 tấn nhưng khi CSGT phát hiện trên đường có tải trọng 50 tấn thì ngoài phạt lái xe, chủ xe phải phạt cả người xếp hàng lên xe và người cân xe.

“Quy định hiện nay mới chỉ xử phạt người xếp hàng quá tải trọng tại mỏ vật liệu, còn tại các nhà máy sản xuất vật liệu mang tính thương mại chưa có chế tài. Ai sẽ là người xử lý khi người ta cân không đúng tải trọng ở trong mỏ?”, ông Hùng nêu vấn đề

Cũng theo ông Hùng, hiện nay chúng ta chưa có thống kê đã xử phạt được bao nhiêu trường hợp xếp hàng lên xe quá tải trọng cho phép.

“Theo Nghị định 100, khi xe vi phạm tải trọng bị xử phạt, cần có thông tin ai là chủ xe, xe đó xuất phát từ đâu. Như vậy, CSGT có thể gửi phiếu phạt đến chủ mỏ, nhà máy. Tuy nhiên, hiện không có ai làm việc này”, ông Hùng nói.

Lắp trạm cân tự động, từ chối kiểm định xe vi phạm quá tải

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ ATGT, Tổng cục Đường bộ VN cho biết, tới đây đơn vị này sẽ đầu tư các trạm cân cố định tự động, tốc độ cao trên các quốc lộ, đường cao tốc và một số đường địa phương trọng yếu.

Từ kinh nghiệm của Đồng Nai, Tổng cục sẽ bắt buộc lắp đặt cân cố định tại các mỏ vật liệu, nơi đầu mối bốc xếp hàng hóa, các cảng thủy nội địa; khu công nghiệp để kiểm soát khối lượng hàng hóa từ đầu nguồn hàng.

Tổng cục Đường bộ VN cũng yêu cầu các đơn vị sử dụng thiết bị để ghi lại hình ảnh xe cơi nới thành thùng. Hình ảnh ghi được sẽ làm căn cứ xác định vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Đây là cơ sở pháp lý “phạt nguội” phương tiện cơi nới thành, thùng chở hàng quá tải.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cũng cho biết, sẽ thành lập các tổ công tác cơ động, kiểm tra ngày, đêm để xử lý xe chở quá tải, nhất là tại các khu vực đầu nguồn hàng, cảng, bến, nhà ga, kho bãi.

“Công nghệ cân tự động tốc độ cao sẽ giảm tác động của con người, công khai minh bạch trong xử lý xe quá tải. Các thiết bị này đều được các cơ quan chức năng giám định, dán tem kiểm định để những hình ảnh, video có đủ cơ sở pháp lý làm căn cứ xử phạt”, ông Huyện cho hay.

Mở ngay cao điểm xử lý xe quá tải

Ngay sau khi Báo Giao thông đăng loạt bài: “Xe cơi nới thành thùng, bùng phát khắp nơi”, chiều qua (26/5), Bộ GTVT đã họp khẩn với các đơn vị liên quan, chỉ đạo nhiều giải pháp kiểm soát xe quá tải.

Đề cập câu hỏi tại sao hiện nay xe quá tải tái diễn nhiều, phải chăng có sự buông lỏng?, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói: “Cần mở đợt cao điểm kiểm soát tải trọng xe ngay trong tháng 6/2022”.

Thứ trưởng cũng giao Thanh tra Bộ GTVT xây dựng kế hoạch cao điểm kiểm soát tải trọng xe, trong đó nêu rõ, phạm vi, đối tượng mà lực lượng Thanh tra thực hiện, còn lại là phối hợp với các lực lượng khác.

“Trên cơ sở kế hoạch phối hợp liên ngành 12593 trước đây, Thanh tra Bộ tham mưu lãnh đạo Bộ ký văn bản gửi Bộ Công an đề nghị hình thành lại kế hoạch phối hợp liên ngành kiểm soát xe quá tải”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ chỉ đạo.

Với hệ thống trạm cân, Thứ trưởng yêu cầu, trước mắt phục hồi lại mô hình trạm cân đã có để hoạt động. Trong đó, tháo gỡ ngay vướng mắc về cơ sở vật chất, nhân lực, thiết bị, kinh phí cho lực lượng kiểm soát tải trọng xe.

“Về lâu dài, cần đầu tư hệ thống cân tự động để kiểm soát xe quá tải bền vững. Các đơn vị liên quan cần hoàn thiện ngay tiêu chuẩn, quy chuẩn, hành lang pháp lý, mô hình và nguồn tài chính đầu tư hệ thống trạm cân để xử “phạt nguội” vi phạm. Phải dùng công nghệ hiện đại hóa công tác kiểm soát tải trọng, không thể dùng mãi sức người”, Thứ trưởng nói.

Đối với cơ quan đăng kiểm, Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu phải kiểm soát chặt xe quá tải, đặc biệt là vấn đề cơ nới kích thước thành thùng. Nếu phát hiện vi phạm cần kỷ luật nghiêm, thậm chí cho ra khỏi ngành.

“Trong đầu tháng 6 thành lập ngay tổ tuần tra lưu động, cần thiết có thể mời cả lực lượng CSGT tham gia. Tổ này sẽ tuần lưu trên các tuyến đường, dùng thiết bị nghiệp vụ ghi hình xe vi phạm quá tải, kích thước thành thùng. Sau đó, tổng hợp lỗi vi phạm và mời chủ xe, lái xe lên làm việc tại các sở GTVT để xử phạt”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu.

Trần Duy

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ngan-chan-tu-nguon-hang-phat-nang-tiep-tay-xe-cho-qua-tai-d553794.html