Ngăn chặn xe quá tải tăng 'nóng' trở lại: Phạt nặng thôi chưa đủ

Sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 được cho là một trong những nguyên nhân khiến vấn nạn xe quá tải bùng phát ở nhiều địa phương. Vậy đâu là giải pháp để 'hạ nhiệt' xe quá tải?

Tình trạng xe quá tải bùng phát tại nhiều địa phương trong thời gian qua (Ảnh: Cao Tuân).

Tình trạng xe quá tải bùng phát tại nhiều địa phương trong thời gian qua (Ảnh: Cao Tuân).

Một tháng phát hiện hơn 2.800 trường hợp xe vi phạm tải trọng

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản gửi UBND các địa phương, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và đơn vị trực thuộc đề nghị tăng cường kiểm soát tải trọng xe dịp cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Trong văn bản trên, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các cục quản lý chuyên ngành cần đẩy mạnh kiểm soát tải trọng xe, đặc biệt là việc kiểm soát tải trọng xe tại khu vực đầu nguồn hàng, cảng, bến, nhà ga, kho bãi.

Đối với UBND các địa phương, Bộ GTVT đề nghị chỉ đạo lực lượng chức năng thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện, kích thước thùng xe, đặc biệt là việc kiểm soát tải trọng xe ngay tại các đầu nguồn hàng và phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiểm soát tải trọng xe trên địa bàn.

Bộ GTVT cũng đề nghị Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam phối hợp cùng các cơ quan liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ và vận động hội viên nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về tải trọng, khổ giới hạn của phương tiện và của cầu, đường bộ.

Đây không phải lần đầu tiên tình trạng xe quá tải bùng phát tại nhiều địa phương được nhắc đến trong năm 2021. Trước đó, trong văn bản gửi Bộ GTVT vào đầu tháng 9/2021, Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, lợi dụng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, xe chở hàng quá tải bùng phát, ngang nhiên hoạt động trên nhiều tuyến đường địa phương.

Thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, chỉ trong 2 tháng (tháng 7 và 8/2021), lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 2.800 trường hợp xe vi phạm tải trọng, xử phạt nộp Kho bạc Nhà nước hàng chục tỷ đồng. Điều đáng nói, số trường hợp vi phạm tải trọng này được phát hiện chỉ trong hơn 22.300 trường hợp xe được kiểm tra. Tức là tỷ lệ xe quá tải chiếm tới hơn 10%.

"Xe quá tải đang bùng phát trở lại tại nhiều tỉnh, thành phố, ngang nhiên cơi nới kích thước thành thùng xe để chở hàng, lưu thông công khai trên nhiều tuyến đường" - Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cho biết.

Ông Nguyễn Văn Huyện nhấn mạnh, sau thời điểm giãn cách xã hội, xe quá tải có dấu hiệu gia tăng trở lại. Nếu như trước đây, tỷ lệ xe quá tải được phát hiện, xử lý chỉ chiếm dưới 10%, hiện tỷ lệ này đã tăng trên 10%.

Kiểm tra, xử phạt xe trên đường chỉ giải quyết được phần ngọn vấn đề xe quá tải (Ảnh: Trần Duy).

Kiểm tra, xử phạt xe trên đường chỉ giải quyết được phần ngọn vấn đề xe quá tải (Ảnh: Trần Duy).

Cần giải pháp đồng bộ để giải quyết tận gốc vấn đề

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, nhiều chuyên gia cho rằng, tình trạng xe chở quá tải trọng là vấn đề nhức nhối suốt nhiều năm qua, dù các cơ quan chức năng vẫn liên tục kiểm tra, xử lý. Điều này cho thấy những giải pháp đưa ra hiện nay vẫn chưa đủ, hoặc chưa thật sự phát huy được hiệu quả.

“Xử lý xe quá tải cần một giải pháp toàn diện mới giải quyết được tận gốc rễ. Việc kiểm tra và xử phạt chỉ giải quyết được phần ngọn” – nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên nhấn mạnh.

Theo chuyên gia giao thông này, để công tác kiểm soát tải trọng xe phát huy được hiệu quả thì việc kiểm tra, xử phạt phải gắn với tuyên truyền, thông báo rộng rãi trên phương tiện truyền thông đại chúng để các DN vận tải, chủ hàng, các hãng tàu và cảng sông, cảng biển biết rõ nhằm chủ động phối hợp và có phương án sắp xếp phương án giải phóng hàng hóa cho hợp lý.

Bên cạnh đó, ông Bùi Danh Liên cho rằng, cơ quan chức năng cũng cần thay đổi đối tượng xử phạt, thêm trách nhiệm pháp lý của chủ hàng, chủ xe và các đối tượng có liên quan cũng như đổi phương thức kiểm tra tải trọng xe, tập trung kiểm tra tại các điểm xuất phát hàng, hạn chế việc kiểm tra tải trọng trên đường dễ phát sinh tiêu cực. Đặc biệt việc kiểm tra tải trọng xe phải triển khai đồng bộ trên phạm vi cả nước, kiểm tra liên tục và lâu dài để bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật.

“Nếu chúng ta có thể thực hiện đồng bộ các giải pháp này, công tác kiểm soát tải trọng xe sẽ phát huy được hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, nhằm xử lý tận gốc vấn đề thì việc tăng cường công tác tuyên truyền để các lái xe, chủ DN vận tải tự giác chấp hành chở đúng tải trọng vẫn là cách làm bền vững và hiệu quả nhất” – ông Bùi Danh Liên nhận định.

Chế tài xử phạt nặng vẫn chưa đủ để ngăn tình trạng xe quá tải (Ảnh: Lê Thanh).

Chế tài xử phạt nặng vẫn chưa đủ để ngăn tình trạng xe quá tải (Ảnh: Lê Thanh).

Phạt nặng là chưa đủ

Trong khi đó, luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá, các mức xử phạt đối với trường hợp vi phạm tải trọng xe hiện nay không nhẹ. “Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định rất rõ về mức xử phạt người điều khiển phương tiện chở quá tải trọng. Theo đó, mức xử phạt nặng nhất có thể lên tới hàng chục triệu đồng" – luật sư Bùi Đình Ứng cho biết.

Cũng theo chuyên gia pháp lý này, với hành vi chở quá tải trọng xe, không chỉ người điều khiển phương tiện bị xử phạt mà cả chủ xe cũng sẽ bị xử phạt theo, và mức xử phạt với chủ xe bao giờ cũng cao hơn lái xe rất nhiều.

“Đơn cử như trường hợp xe xi téc chở chất lỏng quá tải trên 150%, lái xe sẽ bị xử phạt từ 18.000.000 - 20.000.000 đồng, chủ xe sẽ bị xử phạt từ 36.000.000 - 40.000.000 đồng. Các mức xử phạt trên đi kèm với hình thức tước giấy phép lái xe tùy theo mức độ vi phạm. Rõ ràng đây là mức xử phạt không hề nhẹ” – luật sư Bùi Đình Ứng nói và nhận định, việc mức xử phạt nặng vẫn không ngăn được tình trạng xe quá tải bùng phát chứng tỏ chế tài xử phạt vẫn là chưa đủ.

“Dù thừa biết chở quá tải xe bị phạt nặng nhưng nhiều chủ xe và lái xe vẫn bất chấp để vi phạm, chứng tỏ chở quá tải mang lại cho họ quá nhiều lợi ích. Thậm chí có bị phạt nhưng họ vẫn có lời” – luật sư Bùi Đình Ứng phân tích.

Từ phân tích trên, luật sư này cho rằng, việc xử phạt xe trên đường rõ ràng không mang lại nhiều tác dụng để ngăn chặn vấn nạn xe quá tải. Bởi chỉ cần chạy trót lọt vài chuyến quá tải sau đó bị bắt phạt mà vẫn có lời thì nhiều chủ xe, tài xế sẵn sàng vi phạm.

“Thay vì xử phạt trên đường, lực lượng chức năng cần tập trung kiểm soát tải trọng xe ở 2 đầu đi và đến của hàng hóa. Cách làm này sẽ đảm bảo không có một chuyến xe quá tải nào có thể trót lọt. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan, đơn vị, đặc biệt là chính quyền và lực lượng chức năng các địa phương” – luật sư Bùi Đình Ứng khẳng định.

Nguyễn Quý

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/xe-qua-tai-nong-tro-lai-dau-la-giai-phap-442165.html