Ngăn chặn xung đột lợi ích và bảo vệ quyền lợi của cộng đồng

Luật pháp về kê khai tài sản tại Vương quốc Anh không chỉ là một phần cần thiết của hệ thống pháp luật, mà còn là công cụ quan trọng để ngăn chặn xung đột lợi ích, thúc đẩy tính minh bạch, tinh thần trách nhiệm trong hoạt động chính trị và quản lý tài chính. Nhờ vào các biện pháp này, quyền lợi của cộng đồng được bảo vệ và tạo lòng tin của người dân vào cơ quan công quyền được củng cố.

Yêu cầu chặt chẽ đối với các nghị sĩ và bộ trưởng

Ở xứ sở sương mù, yêu cầu kê khai tài sản chủ yếu tập trung vào các thành viên Nghị viện và các bộ trưởng thuộc Chính phủ. Theo Quy tắc ứng xử của Nghị viện, các thành viên của cả Hạ viện và Thượng viện được yêu cầu công khai lợi ích tài chính của họ trong Sổ đăng ký lợi ích tài chính Nghị viện, trong đó chứa thông tin chi tiết về lợi ích tài chính của nghị sĩ, bao gồm thu nhập bên ngoài, quyền giám đốc, cổ phần, quà tặng… Mục đích nhằm bảo đảm tính minh bạch và ngăn ngừa xung đột lợi ích trong hoạt động của Nghị viện.

Ủy viên Tiêu chuẩn Nghị viện chịu trách nhiệm giám sát việc thực thi các quy định liên quan đến hành vi và lợi ích tài chính của các nghị sĩ. Nhiệm vụ chính của Ủy viên là điều tra các khiếu nại về hành vi của nghị sĩ, bao gồm cả việc vi phạm các quy định về công khai tài chính. Đây là một viên chức độc lập được Hạ viện bổ nhiệm với nhiệm kỳ 5 năm.

Ngoài ra, Cơ quan Tiêu chuẩn Nghị viện độc lập (IPSA) chịu trách nhiệm giám sát tiền lương, lương hưu và chi phí của các nghị sĩ ở Anh. Mặc dù chủ yếu giải quyết các chi phí và phụ cấp, IPSA cũng cung cấp hướng dẫn về các yêu cầu công khai tài chính cho nghị sĩ.

Trong khi đó, Bộ quy tắc về các bộ trưởng (Ministerial Code) đặt ra tiêu chuẩn ứng xử cho các bộ trưởng thuộc Chính phủ. Tương tự như các yêu cầu đối với nghị sĩ, các bộ trưởng phải tuyên bố bất kỳ lợi ích tài chính nào có thể xung đột với nghĩa vụ công của họ theo Bộ quy tắc, như quyền giám đốc, cổ phần và các lợi ích tài chính khác có thể ảnh hưởng đến việc ra quyết định của họ.

Nguồn: ITN

Nguồn: ITN

Ngoài việc kê khai tài sản cá nhân của các nghị sĩ và bộ trưởng, Vương quốc Anh còn thúc đẩy tính minh bạch trong chi tiêu Chính phủ. Nhiều trang web và cổng thông tin khác nhau cung cấp thông tin về các hợp đồng, trợ cấp và các khoản chi tiêu khác của Chính phủ, cho phép người dân xem xét kỹ lưỡng cách sử dụng quỹ công. Các biện pháp này nhằm mục đích bảo đảm tính minh bạch, liêm chính và trách nhiệm giải trình trong hệ thống Nghị viện bằng cách yêu cầu công khai các lợi ích tài chính và xung đột lợi ích tiềm ẩn giữa các nghị sĩ và các bộ trưởng.

Chẳng hạn, Vương quốc Anh đặc biệt chú trọng vào các biện pháp nhằm tăng cường tính minh bạch trong mua sắm và hợp đồng công. Nước này yêu cầu các công ty đấu thầu hợp đồng của Chính phủ phải tiết lộ thông tin về quyền sở hữu hưởng lợi của họ. Những báo cáo như vậy giúp ngăn ngừa xung đột lợi ích, đồng thời thúc đẩy cạnh tranh công bằng trong quy trình mua sắm của Chính phủ.

Quy định đa dạng và bao phủ nhiều cấp

Ngoài các nghị sĩ và bộ trưởng, một số quan chức chính quyền địa phương ở Anh cũng được yêu cầu kê khai các lợi ích tài chính, bao gồm các ủy viên hội đồng và thành viên của các cơ quan chính quyền địa phương. Các báo cáo kê khai thường được gửi tới cán bộ giám sát của chính quyền địa phương và sẽ được công khai thông tin.

Ngoài ra, các cá nhân được bổ nhiệm vào vị trí tư pháp ở Vương quốc Anh, chẳng hạn như thẩm phán, có thể được yêu cầu kê khai lợi ích tài chính của họ như một phần của quy trình bổ nhiệm. Nó bảo đảm tính minh bạch, cũng như giúp duy trì niềm tin của người dân vào tính liêm chính và công bằng của cơ quan tư pháp.

Mặc dù không liên quan trực tiếp đến việc kê khai tài sản của các cá nhân, các đảng phái chính trị ở Vương quốc Anh cũng phải tuân theo các quy định quản lý việc tiết lộ lợi ích tài chính và nguồn tài trợ của họ. Đó là các yêu cầu báo cáo số tiền quyên góp và chi tiêu vận động tranh cử cho Ủy ban Bầu cử.

Ngoài ra, các chuyên gia làm việc trong ngành dịch vụ tài chính ở Vương quốc Anh phải tuân theo các quy định nghiêm ngặt về công khai và minh bạch tài chính. Các cơ quan quản lý như Cơ quan Quản lý tài chính (FCA) và Cơ quan Luật lệ an toàn (Prudential Regulation Authority- PRA) trực thuộc Ngân hàng Trung ương Vương Quốc Anh yêu cầu các cá nhân và công ty báo cáo lợi ích tài chính của họ, bao gồm cổ phần và các thông tin liên quan khác.

Tương tự, người được ủy quyền của các tổ chức từ thiện ở xứ sở sương mù cũng phải tuân theo các quy định như trên. Ủy ban Từ thiện của Anh và xứ Wales, cũng như các cơ quan quản lý khác, yêu cầu những người được ủy quyền báo cáo mọi lợi ích hoặc mối liên hệ tài chính có thể ảnh hưởng đến việc ra quyết định của họ với tư cách là người được ủy quyền…

Linh Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nghi-vien-the-gioi-viet-nam-va-the-gioi/ngan-chan-xung-dot-loi-ich-va-bao-ve-quyen-loi-cua-cong-dong-i364787/