Ngân hàng cạnh tranh giải ngân trực tuyến

Công nghệ định danh khách hàng ngày càng hoàn thiện giúp nhiều nhà băng triển khai các dịch vụ tiện ích theo hướng 'may đo' theo nhu cầu nhanh chóng, tiết kiệm và tiện dụng.

Linh hoạt trong giải ngân

Chẳng hạn như Sacombank vừa triển khai dịch vụ giải ngân trực tuyến trên hệ thống ngân hàng điện tử. Theo đó, khách hàng doanh nghiệp vay vốn đã được ngân hàng cấp hạn mức vay và hoàn tất các thủ tục liên quan đến khoản vay sẽ được Sacombank cho phép tạo yêu cầu giải ngân trực tuyến không giới hạn số lần giải ngân trong hạn mức tín dụng đã được cấp.

Theo ngân hàng này, để triển khai tính năng này, từ năm 2022 đến nay ngân hàng đã hoàn tất công nghệ định danh điện tử (eKYC) giúp khách hàng doanh nghiệp mở tài khoản trực tuyến. Từ đầu năm 2024 đến nay, ngân hàng này cũng đã bổ sung thêm bước đối chiếu thông tin giấy tờ tùy thân và sinh trắc học người đại diện doanh nghiệp. Vì thế, dịch vụ giải ngân trực tuyến diễn ra rất thuận lợi.

Tương tự, các NHTM khác vừa qua cũng triển khai nhiều sản phẩm cho vay vốn kết hợp giải ngân trực tuyến. Cụ thể, VietinBank đã triển khai tính năng giải ngân và phát hành bảo lãnh online trên nền tảng VietinBank eFAST. Khách hàng là doanh nghiệp đã được cấp hạn mức vay và bảo lãnh chữ ký số có thể thực hiện giao dịch giải ngân và phát hành bảo lãnh online ngay trên ứng dụng số mà không cần đến phòng giao dịch và không cần bổ sung chứng từ giấy.

“Từ khi triển khai đến nay, dịch vụ giải ngân trực tuyến trên VietinBank eFAST thu hút gần 300.000 khách hàng doanh nghiệp sử dụng. Thời gian để hoàn tất giải ngân online chỉ mất khoảng 30 phút, thay vì mất 3 giờ như giải ngân hồ sơ giấy. Do đó tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí cho cả doanh nghiệp và ngân hàng”, đại diện VietinBank cho biết.

Đối với Techcombank, MB, MSB các dịch vụ vay vốn giải ngân trực tuyến cũng thu hút đông đảo doanh nghiệp, khách hàng sử dụng. Chẳng hạn, tại Techcombank, với sản phẩm BusinessOne Credit Plus, ngân hàng này đã tích hợp tính năng giải ngân trực tuyến cho các gói vay, bao gồm cả vay tín chấp và vay thế chấp kinh doanh. Doanh nghiệp có thể nhận vốn sau 2 tiếng và được miễn phí toàn bộ chi phí chuyển khoản tiền giải ngân.

Trong khi đó, MB nhắm đến nhóm khách hàng DNNVV khi triển khai tính năng giải ngân online trên BIZ MBBank. Tính năng này giúp doanh nghiệp có thể vay trực tuyến đáp ứng nhu cầu vốn lưu động và nhận giải ngân 100% khoản vay trong vòng 30 phút. Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể phát hành thư bảo lãnh online siêu tốc trong 4 giờ…

Theo nhận định của các chuyên gia lĩnh vực ngân hàng, việc các NHTM cạnh tranh phát triển mạnh các sản phẩm, dịch vụ cho vay và giải ngân trực tuyến cho thấy công nghệ xác thực, định danh khách hàng của nhiều TCTD đã khá hoàn thiện giúp ngân hàng quản lý khoản vay trực tuyến chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó, các pháp lý liên quan đến quy trình lập hồ sơ, thẩm định tài sản thế chấp, xác thực thông tin khách hàng thời gian qua được NHNN bổ sung, cập nhật giúp các NHTM có cơ sở số hóa dữ liệu và mạnh dạn áp dụng các dịch vụ giải ngân vốn vay trực tuyến, bao gồm cả các khoản vay có tài sản thế chấp.

Ngày càng nhiều ngân hàng cạnh tranh triển khai các sản phẩm vay vốn giải ngân trực tuyến cho khách hàng

Ngày càng nhiều ngân hàng cạnh tranh triển khai các sản phẩm vay vốn giải ngân trực tuyến cho khách hàng

Hỗ trợ phát triển ngân hàng bán lẻ

Các chuyên gia ngân hàng cho rằng, xu hướng cá nhân hóa dịch vụ tài chính trên cơ sở phân tích và quản lý dữ liệu khách hàng đang được các NHTM rất chú trọng. Qua đó, giúp các ngân hàng phát triển mạnh mảng bán lẻ, đang tập trung khá nhiều nguồn lực cho việc định danh khách hàng, bao gồm cả việc biết khách hàng là ai, khách hàng cần gì, cần vào thời điểm nào…

Điều này gần giống với cách các doanh nghiệp hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) khi phát triển mạng lưới và duy trì chăm sóc, hậu mãi khách hàng. Do đó, việc phát triển các tính năng dịch vụ như giải ngân trực tuyến các khoản vay đang là cách các ngân hàng bổ sung vào sản phẩm, dịch vụ tính cạnh tranh về mặt tiện dụng, thân thiện và đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của khách hàng.

Theo nhận định của lãnh đạo TPBank, việc chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình phục vụ, lấy khách hàng làm trung tâm như cách kinh doanh của ngành hàng FMCG là xu hướng sẽ được nhiều ngân hàng bán lẻ hiện đại chọn lựa. Tại TPBank, đầu tháng 11 vừa qua, ngân hàng này cũng đã nâng cấp tính năng chứng từ số và thay đổi luồng ký duyệt số trên ứng dụng TPBank Biz.

Việc cập nhật các tính năng mới, cho phép khách hàng của ngân hàng giao dịch vay vốn, giải ngân, bảo lãnh online đáp ứng cả các quy định của NHNN và Luật Giao dịch Điện tử 2023, đồng thời giúp ngân hàng quản lý khoản vay, quản lý bảo mật dữ liệu khách hàng rất chặt chẽ, chuyên nghiệp, giảm tránh tối đa các nguy cơ rủi ro liên quan đến sử dụng vốn và thu nợ.

Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh “cuộc đua” chuyển đổi số trong ngành ngân hàng diễn ra nhanh chóng, trong các năm tới việc làm sạch dữ liệu, tích hợp hệ thống và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, học máy sẽ ngày càng phổ biến. Khi đó, xu hướng “may đo” sản phẩm, dịch vụ theo nhu cầu của khách hàng sẽ thu hút ngày càng nhiều TCTD. Bởi bản thân các ngân hàng đều nhận thức rất rõ khả năng cạnh tranh, hấp dẫn khách hàng hiện nay phụ thuộc nhiều vào tính tiện lợi, đúng đối tượng, đúng nhu cầu, đúng thời điểm, đúng điều kiện chứ không đơn giản là quan hệ tín dụng đơn giản theo truyền thống kiểu thói quen, gia đình hay lợi thế gần nhà, gần trụ sở giao dịch.y

Thạch Bình

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/ngan-hang-canh-tranh-giai-ngan-truc-tuyen-158176.html