Ngân hàng châu Âu ứng phó thế nào trước kế hoạch thuế quan của Mỹ?
Thuế quan của Donald Trump có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng của EU và đẩy lạm phát lên cao, đặt ra tình thế tiến thoái lưỡng nan cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Trong khi thương mại chậm lại và giá cả tăng, một số nhà kinh tế cho rằng việc cắt giảm lãi suất có thể là lựa chọn phù hợp, miễn là kỳ vọng lạm phát vẫn được duy trì.
Tác động tiềm tàng
ECB sẽ phải ứng phó với tình trạng bất ổn kinh tế mới khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump dự kiến sẽ công bố một vòng "thuế quan qua lại" mới vào ngày 2.4, một chủ trương quan trọng trong nỗ lực mới của Tổng thống Donald Trump nhằm thu hẹp thâm hụt thương mại của Mỹ.

Nguồn: Euronews
Trong khi phạm vi và quy mô cụ thể của chính sách thuế mới vẫn chưa rõ ràng, có nhiều đồn đoán rằng, Nhà Trắng có thể áp thuế lên tới 25% đối với hàng hóa châu Âu. Các khoản thuế này sẽ bổ sung vào các khoản thuế hiện có đã áp dụng đối với ô tô và phụ tùng xe hơi, làm tăng chi phí xuất khẩu liên quan đến xe cộ lên tới 50%.
Tác động tiềm tàng của chính sách thuế được dự đoán sẽ rất mạnh mẽ. Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế, năm 2024, Liên minh châu Âu đã xuất khẩu hàng hóa trị giá 382 tỷ euro sang Hoa Kỳ. Trong số này, 46,3 tỷ euro đến từ ngành công nghiệp xe hơi, bao gồm ô tô, xe máy và phụ tùng.
Với việc Hoa Kỳ chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của EU, khối này đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi xung đột thương mại xuyên Đại Tây Dương.
Theo ước tính của Chủ tịch ECB Christine Lagarde, mức thuế quan 25% do Hoa Kỳ áp đặt có thể làm giảm GDP của khu vực đồng euro 0,5 điểm phần trăm và đẩy lạm phát tăng cao với biên độ tương tự trong năm đầu tiên – trong trường hợp EU có biện pháp trả đũa tương tự.
Bỏ qua lạm phát ngắn hạn
Điều này thể hiện một trường hợp điển hình về xung đột chính sách: thuế quan vừa tạo ra cú sốc về nguồn cung (do hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn), vừa là cú sốc về cầu (do làm giảm niềm tin và thu nhập khả dụng).
Các nhà hoạch định chính sách ở Frankfurt đang phải vật lộn với một nghịch lý khó chịu: họ nên hỗ trợ tăng trưởng bằng cách nới lỏng chính sách tiền tệ hay chống lại cú sốc lạm phát mà thuế quan có thể gây ra?
Đối với các nhà kinh tế như Sven Jari Stehn tại Goldman Sachs, câu trả lời phụ thuộc vào xu hướng của kỳ vọng lạm phát.
Ông cho biết trong một lưu ý gần đây: "Ước tính của chúng tôi cho thấy thuế quan của Hoa Kỳ sẽ có tác động tiêu cực đáng kể đến tăng trưởng nhưng tác động khiêm tốn (tạm thời) đến lạm phát". Vì thế, lựa chọn phù hợp là ủng hộ việc cắt giảm lãi suất, miễn là kỳ vọng lạm phát dài hạn vẫn được duy trì. Các mô hình của Goldman cho thấy rằng theo những giả định như vậy, chiến lược tối ưu của ECB sẽ là "xem xét kỹ" mức tăng đột biến của lạm phát và do đó hạ lãi suất.
Goldman Sachs tiếp tục kỳ vọng ECB sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 4, sau đó giảm tiếp xuống 2% vào tháng 6.
Trường hợp lạm phát kéo dài
Nhưng bài toán này sẽ đáng kể nếu lạm phát bùng nổ ban đầu làm thay đổi kỳ vọng của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Nếu các doanh nghiệp và người lao động bắt đầu dự đoán giá cả tăng liên tục và điều chỉnh mức lương cho phù hợp, ECB có thể buộc phải hành động để ngăn chặn lạm phát trở nên dai dẳng.
Nhà kinh tế Sven Jari Stehn cho biết: “Trong trường hợp này, chúng tôi thấy rằng chính sách tối ưu có thể đòi hỏi chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn”.
“ECB không thể lo lắng về tác động tiêu cực của thuế quan lên tăng trưởng trong kịch bản này và cần phải tính đến nguy cơ lạm phát kéo dài một cách dai dẳng”.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng những tác động như vậy sẽ phải rất mạnh mẽ - tức là phải có những tín hiệu rất rõ ràng cho thấy kỳ vọng lạm phát tăng cao trong dài hạn, thì lúc đó ECB mới nên có những thay đổi chính sách mang tính cứng rắn.
Theo Goldman, hiện tại, xu hướng thiết lập tiền lương và kỳ vọng lạm phát vẫn đủ an toàn để ECB cân nhắc nới lỏng.
Ngành dịch vụ Mỹ có thể trở thành mục tiêu
Ruben Segura-Cayuela, nhà kinh tế tại Bank of America, cũng dự đoán những tác động tương tự nhưng với tốc độ thận trọng hơn. "Có lẽ không phải là vô lý khi cho rằng chúng ta có dự đoán mức thuế chung là 20% đối với hàng nhập khẩu của EU, như các quan chức EU tính toán gần đây", ông nói, tham khảo các báo cáo gần đây của báo chí.
Theo ước tính của ông, động thái như vậy có thể khiến GDP của khu vực đồng euro giảm khoảng 0,25 điểm phần trăm trong vòng một năm, với khả năng tổn thất còn lớn hơn nữa nếu EU trả đũa.
Ruben Segura-Cayuela cho rằng trong trường hợp EU trả đũa, tình trạng leo thang thuế quan có thể vượt ra ngoài lĩnh vực thương mại hàng hóa, và khi đó, lĩnh vực dịch vụ của Mỹ có thể trở thành mục tiêu.
"Nếu Mỹ đưa ra mức thuế ban đầu quá cao, cuộc chiến thuế quan có thể mở rộng ra ngoài hàng hóa và bao gồm cả các biện pháp của EU đối với lĩnh vực dịch vụ của Mỹ", ông nói. Theo ông, một động thái như vậy có thể hấp dẫn các nhà hoạch định châu Âu về mặt chiến lược, nếu nó bảo vệ được những bộ phận nhạy cảm hơn của nền kinh tế châu Âu.
Bank of America vẫn tin tưởng mạnh mẽ rằng đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của ECB sẽ diễn ra vào tháng 4, tiếp theo là mức giảm xuống 1,5% lãi suất tiền gửi vào tháng 9, mặc dù không thể loại trừ rủi ro trì hoãn sang tháng 12.
Khi ngày 2.4 đến gần, thị trường sẽ theo dõi chặt chẽ cách ECB điều hướng trong bối cảnh phức tạp này, khi thuế quan làm trầm trọng thêm những thách thức kinh tế vĩ mô.