Việc làm, sản xuất của nền kinh tế Mỹ giảm, Fed khó giải 'bài toán' lãi suất

Tháng 2/2025, tình trạng việc làm và ngành sản xuất của Mỹ có xu hướng giảm trong bối cảnh rủi ro về thuế quan khiến Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giải quyết bài toán khó về lãi suất.

Tình trạng việc làm và sản xuất của Mỹ giảm trong khi đang giữ nguyên lãi suất và quan sát các rủi ro lạm phát do thuế quan khiến Fed rơi vào thế khó. (Nguồn: The Federal Reserve System)

Tình trạng việc làm và sản xuất của Mỹ giảm trong khi đang giữ nguyên lãi suất và quan sát các rủi ro lạm phát do thuế quan khiến Fed rơi vào thế khó. (Nguồn: The Federal Reserve System)

Dữ liệu về tuyển dụng và sa thải tháng 2/2025 cho thấy, thị trường lao động của nền kinh tế lớn nhất thế giới có khả năng đang mất đà trên diện rộng.

Điều này được phản ánh qua sự sụt giảm về số lượng cơ hội việc làm, số vụ sa thải gia tăng nhẹ, tỷ lệ người lao động tự nguyện nghỉ việc tương tự giai đoạn thị trường việc làm trì trệ giữa những năm 2010 và sự cân bằng mong manh giữa cung-cầu lao động.

Bà Allison Shrivastava, Nhà kinh tế tại Công ty nghiên cứu thị trường tuyển dụng Indeed Hiring Lab nhận xét, những tín hiệu từ thị trường cho thấy sự thu hẹp thay vì mở rộng.

Sau báo cáo trên, các nhà đầu tư đã tăng đặt cược, Fed sẽ cắt giảm lãi suất 3 lần trong năm nay.

Chỉ số hoạt động sản xuất của Viện Quản lý cung ứng (ISM) đã giảm, nhưng chỉ số đo lường mức giá mà các công ty phải trả lại tăng lên.

Chủ tịch của Inflation Insights Omair Sharif nhận định, lĩnh vực sản xuất đang có những dấu hiệu đầu tiên của tình trạng đình lạm, đồng thời lưu ý, chỉ số giá trong khảo sát đã tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ giữa năm 2022.

Đây có thể là một tình huống phức tạp đối với Fed.

Các nhà hoạch định chính sách cho biết, họ sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách chủ chốt trong khoảng 4,25% - 4,5%, trong khi chờ xem thuế quan và các thay đổi chính sách khác của Tổng thống Donald Trump sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế ra sao.

Tuy vậy, tác động ngắn hạn mà họ lo ngại - tình trạng đình lạm - không thể được giải quyết bằng bất kỳ chính sách tiền tệ nới lỏng nào.

Trong khảo sát mới đây, các nhà kinh tế của Fed ở chi nhánh Atlanta cho biết, các giám đốc tài chính dự kiến thuế quan sẽ đẩy giá của họ lên cao hơn trong năm nay, ảnh hưởng tới việc tuyển dụng và triển vọng tăng trưởng.

Khoảng một nửa số công ty trong khảo sát có nguồn cung từ Trung Quốc, Canada hoặc Mexico. Khảo sát cho biết những công ty này đã trở nên bi quan hơn, dự kiến doanh thu và tăng trưởng thấp hơn, trong khi giá cả và chi phí đơn vị sẽ tăng trưởng cao hơn.

Các loại thuế quan mà ông Trump đã công bố cho đến nay bao gồm các loại thuế đối với kim loại và ô tô nhập khẩu. Những loại thuế với các quốc gia khác dự kiến sẽ được công bố vào ngày 2/4.

Giám đốc khảo sát của Fed chi nhánh Atlanta Daniel Weitz cho rằng, những công ty đang đối mặt với thuế quan mới dường như bị mắc kẹt trong thế "giằng co".

Ban đầu, họ có thể sẽ tăng giá gần như tương ứng với chi phí. Tuy vậy, sau đó họ sẽ đối mặt với biên lợi nhuận liên tục bị thu hẹp. Khi đến mức không thể thu hẹp thêm nữa, họ có thể phải hủy bỏ các dự án.

Đây là những ví dụ cho thấy giai đoạn sắp tới Fed có thể sẽ gặp khó khăn trong việc nắm bắt một nền kinh tế đang diễn ra nhiều xu hướng trái ngược nhau.

(theo Reuters)

Hải Phương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/viec-lam-san-xuat-cua-nen-kinh-te-my-giam-fed-kho-giai-bai-toan-lai-suat-309714.html