Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội: Trao sinh kế cho người hoàn lương

Để hỗ trợ những người chấp hành xong án phạt tù khi trở về địa phương, Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội đã triển khai gói tín dụng với lãi suất ưu đãi giúp những người hoàn lương có thêm sinh kế tạo việc làm, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Nguồn vốn thiết thực, nhân văn

Ngày 17/8/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg (Quyết định 22) quy định về chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù (NCHXAPT), cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng lao động là đối tượng này được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm. Quyết định này có hiệu lực từ 10/10/2023.

Sau khi Quyết định 22 được ban hành, Chi nhánh NHCSXH Hà Nội đã phối hợp với Công an TP tham mưu UBND TP ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành và cơ quan liên quan triển khai thực hiện. Cùng với đó, phối hợp với chính quyền địa phương và công an cơ sở rà soát, nắm bắt nhu cầu vay vốn đối với NCHXAPT trên địa bàn và tham mưu UBND TP phân bổ nguồn vốn cho vay đến các quận, huyện, thị xã.

Anh Nguyễn Khắc Hoàng, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì sử dụng vốn vay để phát triển kinh tế gia đình.

Anh Nguyễn Khắc Hoàng, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì sử dụng vốn vay để phát triển kinh tế gia đình.

Tính đến 21/11, sau hơn một tháng triển khai Quyết định số 22, Chi nhánh NHCSXH Hà Nội đã giải ngân cho vay được 700 triệu đồng, cho 10 hộ gia đình NCHXAPT vay vốn tại 5 quận, huyện.

Là người được thụ hưởng chính sách, anh Nguyễn Khắc Hoàng ở xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì cho biết: sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương anh đã được công an, Hội Phụ nữ xã và tổ Tiết kiệm và vay vốn hướng dẫn thủ tục, hồ sơ vay vốn và được NHCSXH huyện giải ngân cho vay 100 triệu đồng. Với nguồn vốn được vay, anh đã đầu tư vào chăn nuôi lợn và trồng cây ăn quả, trồng cây mai cảnh. “Nguồn vốn vay của NHCSXH thực sự rất có ý nghĩa với tôi và gia đình trong thời điểm này. Đây không chỉ là sinh kế của tôi mà còn là niềm động viên, khích lệ, giúp tôi yên tâm, chí thú làm ăn, trở thành một công dân có ích cho gia đình và xã hội” – anh Hoàng chia sẻ.

Với số tiền được vay vốn theo Quyết định số 22 từ NHCSXH, đã giúp anh Hoàng và những người đã có thời gian lầm đường lạc lối hòa nhập với cộng đồng, tự tạo việc làm, tăng thu nhập cho bản thân, trở thành người có ích cho gia đình và cho xã hội. Trong suốt quá trình sử dụng vốn vay, các đối tượng vay vốn vẫn luôn có sự đồng hành của các ban, ngành tại địa phương để nguồn vốn vay luôn phát huy giá trị và hiệu quả. Từ đó lan tỏa ý nghĩa nhân văn sâu sắc của chính sách này

Giám sát, quản lý hiệu quả nguồn vốn vay

Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ là một chính sách cụ thể tạo điều kiện cho NCHXAPT được tiếp cận, vay vốn ưu đãi từ NHCSXH để học nghề, sản xuất kinh doanh, tạo lập cuộc sống. Đồng thời cũng có cơ chế để khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tạo việc làm, sử dụng lao động là NCHXAPT. Chỉ sau thời gian ngắn chính sách đi vào cuộc sống đã phát huy giá trị và ý nghĩa nhân văn.

Theo Giám đốc NHCSXH Hà Nội Phạm Văn Quyết, đây là một chính sách mới, do đó để đưa chính sách vào cuộc sống hiệu quả, đơn vị đã phối hợp với chính quyền, công an các địa phương, ban, ngành, đoàn thể rà soát đối tượng vay đảm bảo minh bạch, đúng quy định của pháp luật. Cùng với đó, thực hiện các quy định, thủ tục cho vay đảm bảo chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi để NCHXAPT và cơ sở sản xuất kinh doanh được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Song song, tổ chức giám sát việc sử dụng nguồn vốn đúng mục đích.

Theo đó, đối tượng vay vốn bao gồm: NCHXAPT đã được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù và người được đặc xá đã được cấp giấy chứng nhận đặc xá; cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng lao động là NCHXAPT.

Về mục đích cho vay đối với đào tạo nghề gồm chi phí cho việc học tập, sinh hoạt của NCHXAPT trong thời gian theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam. Chi phí này bao gồm: tiền học phí; chi phí mua sắm sách vở, phương tiện học tập; chi phí ăn, ở, đi lại. Mức vốn cho vay tối đa mỗi NCHXAPT là 4 triệu đồng một tháng tháng. Cho vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm: đối với NCHXAPT, mức vốn cho vay tối đa là 100 triệu đồng. Đối với Cơ sở sản xuất kinh doanh: mức vốn cho vay tối đa là 2 tỷ đồng trên một dự án và không quá 100 triệu đồng trên một người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh. Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định theo từng thời kỳ.

Phương Nga

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ngan-hang-chinh-sach-xa-hoi-ha-noi-trao-sinh-ke-cho-nguoi-hoan-luong.html