Ngân hàng có thể phong tỏa tài khoản nhận nếu khách hàng chuyển tiền nhầm
Tài khoản thanh toán của khách hàng có thể bị phong tỏa nếu phát hiện có nhầm lẫn sai sót, ghi 'có' nhầm, hoặc theo yêu cầu hoàn trả lại tiền của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, chuyển tiền.
Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến dự thảo nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt áp dụng với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, tổ chức, cá nhân có liên quan đến cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ trung gian thanh toán...
Dự thảo quy định tài khoản thanh toán có thể bị phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số tiền trên tài khoản trong trường hợp tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có nhầm lẫn, sai sót ghi “có” nhầm vào tài khoản thanh toán của khách hàng, hoặc theo yêu cầu hoàn trả lại tiền của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, chuyển tiền do nhầm lẫn, sai sót so với lệnh thanh toán của người chuyển tiền. Số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán không vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót.
Hiện nay, theo đại diện của một ngân hàng lớn trên thị trường, nếu chuyển nhầm tiền, tùy theo tài khoản nhận cùng hay khác hệ thống ngân hàng mà có quy trình xử lý khác nhau. Phía ngân hàng phải liên hệ với với người nhận nhầm để xác nhận và thông báo, trước khi có thể thực hiện các bước xử lý tiếp theo.
Số tiền bị phong tỏa không vượt quá số tiền bị nhầm lẫn sai sót. Ảnh: Liên Hương.
Với quy định hiện hành, ngân hàng sẽ không được phép khoanh số tiền tài khoản nhận nhầm nên sẽ không thể trích lại ngay tiền từ tài khoản này trả người chuyển.
Theo đại diện ngân hàng, điều này nhằm tránh trường hợp đã xảy ra trong thực tế là người chuyển và nhận có giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ với nhau, sau đó người chuyển tiền thông báo là chuyển nhầm để hủy lệnh thanh toán. Với dự thảo nghị định mới, ngân hàng có thể được chủ động phong tỏa tài khoản thanh toán khi phát hiện có sai sót.
Dự thảo nghị định cũng quy định tài khoản có thể bị phong tỏa dựa theo thỏa thuận trước bằng văn bản giữa chủ tài khoản thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán; khi có quyết định hoặc yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện và có bằng chứng về việc tài khoản thanh toán gian lận, vi phạm pháp luật.
Đồng thời, tài khoản cũng có thể bị phỏng tỏa khi có yêu cầu của một trong các chủ tài khoản thanh toán chung hoặc khi có tranh chấp giữa các chủ tài khoản thanh toán chung.
Tài khoản thanh toán sẽ được gỡ phong tỏa trong các trường hợp theo thỏa thuận trước bằng văn bản giữa chủ tài khoản thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán; khi có quyết định của cơ quan thẩm quyền theo quy định của pháp luật; hoặc khi có bằng chứng về việc không gian lận hoặc vi phạm pháp luật…