Ngân hàng cùng thành phố thông minh 'mở lối' cho dịch vụ số toàn trình

Đây là mong muốn được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng bày tỏ tại Hội thảo 'Hà Nội - thành phố thông minh và hệ sinh thái ngân hàng mở' diễn ra ngày 2/10/2024 do Báo Tiền Phong và Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) tổ chức.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng phát biểu tại hội thảo

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, giữa bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Hà Nội xác định rằng việc xây dựng một đô thị thông minh là điều tất yếu và cấp thiết. Thành phố thông minh không chỉ là giải pháp để giải quyết những thách thức về dân số, môi trường, giao thông và quản lý tài nguyên, mà còn là nền tảng để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, tối ưu hóa quản lý đô thị và phát triển xanh, toàn diện, bao trùm, bền vững.

“Với quan điểm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm trong phát triển; chuyển đổi số không chỉ giúp xây dựng một hệ thống dịch vụ công minh bạch, hiện đại và hiệu quả mà còn góp phần vào quá trình xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, thúc đẩy sự phát triển của Thủ đô và của đất nước, đem đến hạnh phúc cho người dân”, ông Hà Minh Hải khẳng định.

Ông Phùng Công Sưởng, Tổng Biên tập báo Tiền Phong, Trưởng Ban tổ chức Ngày thẻ Việt Nam 2024 cho biết, ban tổ chức đưa câu chuyện Hà Nội xây dựng thành phố thông minh là bởi Hà Nội là trái tim của cả nước, là đầu tàu trên nhiều lĩnh vực. Hà Nội đã tiên phong xây dựng thành phố thông minh từ nhiều năm trước, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị gần đây được thể hiện qua Nghị quyết số 18 ngày 30/12/2022 của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Trong khi đó, ngân hàng mở (Open Banking) là xu hướng nổi bật trong ngành tài chính, ngân hàng mang đến nhiều cơ hội phát triển và cải thiện trải nghiệm khách hàng thông qua sự kết nối giữa ngân hàng và các bên thứ ba. Ban tổ chức nhận thấy, đây là một trong những nội dung quan trọng giúp Hà Nội giải bài toán đô thị thông minh, bởi lãnh đạo thành phố xác định lấy người dân làm trung tâm, hướng đến người dân để tạo dựng được thành phố thông minh bền vững, phát triển, ông Phùng Công Sưởng cho biết.

Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

Cùng chung nhận định này, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng chia sẻ, với chủ đề thành phố thông minh trong hội thảo gần đây được một chuyên gia khẳng định, nói về thành phố thông minh và quan điểm thành phố thông minh phải đạt được 2S: sạch và số. Mối quan hệ mật thiết giữa thành phố thông minh và chuyển đổi số trong hệ thống ngân hàng là vô cùng quan trọng.

Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng đã minh họa rõ ràng mối quan hệ này tại hội thảo khi nêu bật bức tranh phát triển mới của Hà Nội – một thành phố hiện đại và tiên tiến, đang đi đầu trong quá trình chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu trở thành thành phố thông minh. Đồng thời, ông cũng đề cập đến một bức tranh khác của ngành Ngân hàng, đó là hệ sinh thái ngân hàng mở – một khái niệm còn khá mới mẻ.

Dưới sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đang dần chuyển đổi từ mô hình hoạt động truyền thống sang mô hình ngân hàng mở. Sự chuyển đổi này gắn liền với việc kết nối và tích hợp các nền tảng công nghệ, giải pháp thanh toán, chia sẻ dữ liệu, nhằm phát triển một hệ sinh thái số và hệ sinh thái ngân hàng mở, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Tại Việt Nam, một số ngân hàng đã tiên phong trong việc tích hợp dịch vụ với các đối tác cung ứng, mở ra hướng đi mới cho ngành tài chính. Tuy nhiên, để thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của ngân hàng mở, cần phải tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, nâng cấp hạ tầng công nghệ, đồng thời đảm bảo an ninh và bảo mật dữ liệu. Điều này đòi hỏi nâng cao nhận thức của người dân về các dịch vụ tài chính số và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về khách hàng ngân hàng, nhằm tạo nên một hệ sinh thái tài chính bền vững và an toàn.

Do đó, trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia đã nêu ra nhiều vấn đề liên quan đến quản lý đô thị, xử lý các vấn đề công nghệ và hoàn thiện hành lang pháp lý. Việc xây dựng thành phố thông minh không chỉ dừng lại ở yếu tố công nghệ và kỹ thuật, mà còn liên quan chặt chẽ đến thể chế, luật pháp và sự thay đổi trong phương thức quản lý. Đặc biệt, tại thành phố Hà Nội – nơi có quy mô kinh tế và dân cư lớn, các thách thức này cần được xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo sự phát triển toàn diện.

Hương Giang

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/ngan-hang-cung-thanh-pho-thong-minh-mo-loi-cho-dich-vu-so-toan-trinh-156220.html