Ngân hàng đón nắng và gió vào lưới điện quốc gia
Đầu tư tín dụng vào năng lượng điện sạch (gió, nắng) là xu hướng rất mới; tuy nhiên, lựa chọn phân khúc lại là cách tiếp cận khác nhau ở mỗi ngân hàng...
Ít ai hình dung những vùng đất trống trải đầy nắng, gió ở Quảng Trị, Cam Ranh, Ninh Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai… chỉ trong vòng vài năm, đã biến thành những "cánh đồng điện" (tạm gọi là farm điện - NV) bạt ngàn và hàng trăm cột trụ gắn cánh quạt, hòa nguồn năng lượng sạch vào lưới điện quốc gia. Trong khi không ít ngân hàng còn cân nhắc thì một số đơn vị đã mạnh dạn mở "hầu bao" cho các dự án này.
Vào mùa gió phơn, khi những luồng gió từ Tây sang Nam bị chặn lại ở dãy Trường Sơn hùng vĩ, đã giữ mưa ở phía bên Lào và đẩy nắng nóng khô rát sang dải đất miền Trung.
Không có có vùng đất nào bạc bẽo
Lấy ví dụ ở Ninh Thuận, theo các chuyên gia vật lý, địa lý, do khí hậu và địa hình đặc biệt: 3 phía đều bị chắn bởi núi, ngoài biển có vùng nước trồi (lạnh) nên hơi ẩm từ biển và lục địa bên kia Trường Sơn đã ngăn hơi ẩm từ các luồng gió thổi đến. Vì vậy, gió và nắng nóng là đặc trưng khí hậu nổi bật ở Ninh Thuận, dẫn đến chỉ số bức xạ mặt trời kéo dài tới 10 tháng mỗi năm.
Có thể nói, Ninh Thuận gần như là vùng sa mạc của Việt Nam. Sau nhiều thử nghiệm thì sinh kế ở địa phương này ngoài nghề cá, muối là canh tác một số loại cây trồng như táo, nho măng tây.
Đã nhiều đời nay, con người miền Trung gần như yên phận và chấp nhận thực tế thiên nhiên đầy khắc nghiệt. Nhưng chỉ vài năm gần đây, ở Quảng Trị, Cam Ranh (Khánh Hòa), Ninh Thuận…đã xuất hiện hàng loạt dự án điện gió và điện mặt trời với công suất rất lớn.
Bà Chu Thị Việt Hà, Ban Khách hàng doanh nghiệp lớn (Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, xác định điện gió, điện mặt trời là danh mục dự án năng lượng sạch nên thời gian qua, BIDV là đơn vị đứng đầu trong hệ thống về cấp tín dụng cùng các giải pháp tài chính cho các dự án lĩnh vực này.
Cụ thể, tính đến 28/6/2019, BIDV tài trợ cho 7 dự án điện mặt trời với tổng với công suất 313 MW, tổng mức đầu tư 8.200 tỷ; trong đó, giá trị cam kết tài trợ của ngân hàng là 5.400 tỷ đồng.
Đáng chú ý, không chỉ đầu tư vào các dự án lớn (farm), BIDV còn tham gia xem xét cấp tín dụng đối với các dự án điện mặt trời áp mái theo thư mời của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) với giá trị dự kiến tài trợ khoảng 20 triệu USD. Trường hợp BIDV chấp thuận tài trợ sẽ trở thành ngân hàng duy nhất tại Việt Nam tham gia tài trợ cho dãy dự án nêu trên của ADB.
Nhanh chân đón đầu
Tính đến thời điểm hiện tại, BIDV đã cấp tín dụng cho nhiều dự án lớn điện mặt trời và điện gió, biến những khu vực tưởng như hoang hóa trở thành nguồn năng điện hòa vào mạng lưới quốc gia.
Trong đó, có thể kể đến các dự án như: dự án Dầu Tiếng 3 (Tây Ninh), giai đoạn 1, công suất 40 MW; dự án Bầu Ngứ (Ninh Thuận) phát điện tháng 6/2019, công suất 50 MW; dự án Đá Bạc 2 (Bà Rịa Vũng Tàu), công suất 48 MW; dự án Đá Bạc (Bà Rịa – Vũng Tàu), công suất 48 MW; Dự án Sông Giang (Cam Ranh, Khánh Hòa), công suất 49,5 MW; dự án Phong Phú (Bình Thuận) công suất 38 MW; dự án điện mặt trời LIG Quảng Trị, công suất 40 MW...
Cùng đó là 3 dự án điện gió: 2 Dự án Hướng Linh 1 và Hướng Linh 2 (Quảng Trị), tổng công suất 60 MW và dự án Phương Mai 3 (Bình định), công suất 20,7 MW.
Có thể thấy, đầu tư tín dụng vào năng lượng điện sạch (gió, nắng) là xu hướng rất mới; tuy nhiên, lựa chọn phân khúc lại là cách tiếp cận khác nhau ở mỗi ngân hàng.
Bên cạnh các ngân hàng tập trung giải ngân cho các khách hàng lớn (farm) thì một số ngân hàng khác lại chú ý đến các dự án điện áp mái nội đô có công suất phù hợp với năng lực tải của đường dây hiện có.
Lý do ở đây thì nhiều nhưng cơ bản nhất lại liên quan đến một bất cập: khả năng chịu tải của đường dây. Ở Ninh Thuận, trong số các dự án điện gió, không khó để nhận thấy, có cột thì cánh quạt quay, cột thì không. Hỏi chuyện một cán bộ tín dụng ngân hàng cấp vốn cho các dự án này, ông cho biết: do khả năng chịu tải của đường dây tải điện ở một mức độ nhất định nên các dự án chỉ vận hành một cơ số cột nhất định thay vì vận hành đồng loạt tất cả. Tình trạng này cũng tương tự ở các dự án farm mặt trời.
Và đây là lý do để một số doanh nghiệp lựa chọn cung ứng các dự án điện mặt trời áp mái (Solar Tracker) ở khu vực nội đô. Theo tính toán của một kỹ sư điện với người viết, chi phí lắp đặt 1 KWP dân dụng Solar Tracker dao động từ 13 triệu - 24 triệu đồng/KWP, tùy vật tư, nguồn gốc và nhà cung cấp, các dự án này đang được triển khai khá nhiều. KWP (Kilowatt - peak) là công cụ so sánh hiệu suất của việc lắp đặt tấm pin và dự báo lượng điện (năng lượng) mà chúng có thể sản xuất trong điều kiện tối ưu. Hệ thống pin nói trên thường có tuổi thọ 20 - 30 năm, riêng bảo hành với tấm Solar panel các hãng cam kết từ 10 - 25 năm.
Cũng nhờ bám vào hệ thống đường dây tải điện của EVN cho nên các dự án điện áp mái không phải chật vật trong việc cân đối lưu lượng phát tải lên đường dây, bởi hạ tầng có sẵn, công suất ở mức độ vừa phải nên sản xuất bao nhiêu tiêu thụ bấy nhiêu.
Tuy nhiên, một số chuyên gia ngành điện cho rằng, hiện nay tình trạng phát triển điện gió, điện mặt trời có phần tràn lan, công suất đường dây tải điện ở các địa phương không phù hợp với mạng lưới điện quốc gia. Thực tế này dẫn đến hiện tượng khung giờ phát điện nhiều nhất (12 giờ - 15 giờ) nhưng do tải không phù hợp nên bị hạn chế công suất ngay từ đầu nguồn. "Cũng như sân bóng đá chỉ chứa được năm trăm người thì không thể bán vé cho một nghìn người vào xem", vị chuyên gia nói với người viết.
Ngoài ra, qua tham khảo mô hình các farm điện mặt trời ở Ninh Thuận và Quảng Trị, nơi nào có dự án là khoảng không gian và đất đai phía dưới không được sử dụng. Một kỹ sư điện mặt trời cho rằng, với những farm rộng như vậy nên sử dụng các tấm pin có khoảng hở để ánh sáng lọt xuống phía dưới. Nhờ đó, vẫn có thể xây dựng các nông trại rau, màu, tránh lãng phí nguồn tài nguyên đất ngay ở phía dưới.