Ngân hàng Gen: Mở ra hy vọng đoàn tụ cho nhiều gia đình liệt sĩ

Chiến tranh kết thúc đã gần 50 năm nhưng vẫn còn hàng trăm nghìn hài cốt liệt sĩ chưa quy tập được hoặc chưa xác định danh tính; trong đó có hơn 23.000 hài cốt liệt sĩ còn nằm lại rừng sâu, khe lạnh. Vì thế, việc ngày 23/7 vừa qua, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ra mắt Ngân hàng gen liệt sĩ sau nhiều nỗ lực thu thập được xem là việc làm rất có ý nghĩa, đem lại hy vọng đoàn tụ cho nhiều gia đình, góp một phần xoa dịu những mất mát, hy sinh của các thân nhân liệt sĩ.

Từ nỗi day dứt gần nửa thế kỷ qua

Cách đây hơn nửa năm, ngày 9/1/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia 515 đã chủ trì tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin trong năm 2023 , phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.

 Thủ tướng và lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao Giấy chứng nhận ADN cho đại diện 10 gia đình liệt sĩ, trong đó có 4 gia đình liệt sĩ được kết nối – tìm được thân nhân của mình sau hàng chục năm chờ đợi. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng và lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao Giấy chứng nhận ADN cho đại diện 10 gia đình liệt sĩ, trong đó có 4 gia đình liệt sĩ được kết nối – tìm được thân nhân của mình sau hàng chục năm chờ đợi. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, công tác tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính liệt sĩ còn thiếu thông tin là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo. Năm 2023, công tác tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ đã đạt những kết quả tích cực. Đến nay, toàn quốc đã rà soát được 920.601 hồ sơ, danh sách liệt sĩ (có 797.251 hồ sơ, danh sách liệt sĩ có thông tin nơi an táng ban đầu); tìm kiếm, quy tập được 1328 hài cốt liệt sĩ (trong nước 559 hài cốt liệt sĩ; tại Lào: 247 hài cốt liệt sĩ, tại Camphuchia: 522 hài cốt liệt sĩ).

Nhân dịp kỷ niệm tháng Bảy năm nay, Chủ tịch nước đã tặng quà cho gần 1,4 triệu người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng, với tổng kinh phí gần 420 tỷ đồng. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 77/2024/NĐ-CP quy định điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng từ 2,055 triệu đồng lên 2,789 triệu đồng (tăng 35,7%). Đây là mức tăng cao nhất qua các lần điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng trong nhiều thập kỷ vừa qua.

Tuy nhiên, cho tới nay, theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cả nước hiện vẫn còn hơn 300.000 hài cốt liệt sĩ đã được quy tập về các nghĩa trang, nhưng chưa xác định được danh tính, và khoảng 180.000 hài cốt liệt sĩ vẫn chưa được tìm kiếm, quy tập. Như vậy, hơn nửa thế kỷ sau cuộc chiến tranh, những nỗ lực tìm kiếm và xác minh danh tính các liệt sĩ vẫn đang là một nỗi mòn mỏi không dứt của nhiều gia đình. Hàng triệu con người dũng cảm đã hy sinh vì độc lập dân tộc, nhưng vẫn có hàng trăm nghìn liệt sĩ chưa được tìm thấy và nhận diện.

Trong nhiều thách thức của việc danh tính của hài cốt liệt sĩ, khó khăn trong công tác giám định ADN của hài cốt liệt sĩ là một trong những thách thức lớn nhất. Với những người lính đã hy sinh trong chiến tranh, các điều kiện chôn cất thường không đảm bảo, dẫn đến sự phân hủy nhanh chóng của xương. Điều này khiến cho việc tìm kiếm và xác định danh tính trở nên cấp bách, bởi chỉ trong vài thập kỷ nữa, khả năng này có thể không còn khả thi. Theo các giám định viên tại Khoa Y - Sinh học của Viện Pháp Y quốc gia, cũng nhấn mạnh về khó khăn của việc thiếu cơ sở dữ liệu để so sánh và đối chiếu các mẫu. Cơ sở dữ liệu này quan trọng để giám định viên có thể kiểm soát lỗi kỹ thuật và đảm bảo tính chính xác của kết quả giám định. Thêm vào đó, ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục người có công, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nhấn mạnh về việc chưa có định mức thanh toán cho công việc giám định ADN này, làm cho công tác này càng trở nên khó khăn hơn.

Ngân hàng Gen: “Trả lại tên" cho các liệt sĩ

Từ thách thức, khó khăn trong việc xác định danh tính của hài cốt liệt sĩ, ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, thời gian qua, Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Đề án 150) đã được triển khai, thực hiện với phương pháp giám định ADN và thực chứng. Phương pháp giám định ADN đã triển khai gần 10.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và hơn 3.000 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ. Kết quả, đã so sánh đối khớp được hơn 1.000 danh tính liệt sĩ để báo tin về cho thân nhân liệt sĩ.

 Thủ tướng và lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao quà tặng người có công với cách mạng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng và lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao quà tặng người có công với cách mạng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thực hiện kế hoạch tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin đến năm 2030 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ, trên nền tảng hiện nay các đơn vị đã lưu trữ được số liệu của trên 25 ngàn dữ liệu ADN hài cốt liệt sĩ và thân nhân.

Theo Bộ trưởng, thực hiện kế hoạch tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin đến năm 2030, và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi số quốc gia, và Đề án 06 của Chính phủ, trên nền tảng hiện nay các đơn vị đã lưu trữ được số liệu của trên 25.000 dữ liệu ADN hài cốt liệt sĩ và thân nhân.

Trên cơ sở đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Công an đề xuất Chính phủ xây dựng Ngân hàng Gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, việc ra mắt ngân hàng đặc biệt này tạo điều kiện thuận lợi cho việc xác định danh tính, trả lại tên cho hơn hàng trăm nghìn liệt sĩ, bớt đi sự day dứt cho gia đình thân nhân liệt sĩ. Việc xây dựng "Ngân hàng gen" cho liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ không chỉ mở ra hy vọng cho hơn 300.000 gia đình người có công mà còn là niềm mong mỏi của toàn Đảng và Nhân dân cả nước rằng tương lai không xa, tất cả các liệt sĩ đã nằm xuống, hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc sẽ được quy tập và xác định được danh tính.

“Đây là việc làm rất có ý nghĩa, rất linh thiêng, phải chạy đua với thời gian, càng làm càng nhanh càng tốt, bởi vì thời gian không cho phép chúng ta kéo dài. Song đây cũng là nhiệm vụ nặng nề, gian nan. Chúng ta làm bằng mệnh lệnh của trái tim trong hành trình tìm kiếm, trả lại tên cho các anh hùng liệt sĩ”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh tại Hội nghị tri ân người có công với cách mạng năm 2024 và ra mắt Ngân hàng Gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ ngày 23/7/2024 vừa qua.

Về công tác kỹ thuật xác định danh tính liệt sĩ, Chính phủ đã phân công Bộ Quốc phòng được giao hướng dẫn quy trình, điều kiện tiếp cận mẫu hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin để thực hiện giám định ADN xác định danh tính. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính có nhiệm vụ hoàn thành định mức kỹ thuật, đơn giá cho các khâu tìm kiếm, quy tập, giám định ADN với các hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin và thân nhân. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trong đó có Trung tâm giám định ADN nhận việc hoàn thành dự án đầu tư nâng cao năng lực áp dụng các phương pháp mới giám định ADN bằng nguồn vốn ODA.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, những kết quả đạt được đã mang đậm nghĩa tình, tri ân sâu nặng đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, và người có công với cách mạng.

Đồng thời, phần nào đã xoa dịu những đau thương, mất mát của những người ở lại, thể hiện được trách nhiệm của chúng ta đối với những người đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc.

10 năm qua (2013 - 2023), cả nước đã vận động gần 7.900 tỷ đồng để hỗ trợ hộ gia đình người có công; xây dựng mới 67.700 căn nhà, và sửa chữa gần 45.900 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí hỗ trợ trên 12.700 tỷ đồng. Tặng hơn 110.000 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách, với trên 403 tỷ đồng và hỗ trợ một số trường hợp đặc biệt khó khăn, 2.412 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các tổ chức nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.

Trang Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ngan-hang-gen-mo-ra-hy-vong-doan-tu-cho-nhieu-gia-dinh-liet-si-post304721.html