Ngân hàng 'ghé vai' cùng doanh nghiệp
Thời gian qua, hàng loạt chính sách như miễn lãi, giảm lãi, giãn thời hạn trả nợ… được ngành ngân hàng đưa ra nhằm giúp khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Giúp khách hàng giảm chi phí vay vốn
19 giờ, anh Nguyễn Phúc Trường vẫn cặm cụi làm việc trước máy tính tại trụ sở Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) chi nhánh Hải Dương, bên cạnh là chồng hồ sơ khách hàng. Là nhân viên bộ phận tín dụng, anh Trường đang quản lý hàng chục khách hàng thuộc nhóm doanh nghiệp (DN). Anh cho biết: "Từ đầu tháng 4 đến nay, các khách hàng liên tiếp gửi về các báo cáo tài chính, hồ sơ món vay. Trên cơ sở nội dung mô tả khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của DN, phương án trả nợ, ngân hàng sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể để đưa ra mức hỗ trợ theo quy định".
Từ ngày 1.4 đến nay, Sacombank Hải Dương đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 60 hồ sơ khách hàng với tổng dư nợ gần 30 tỷ đồng; giảm lãi suất từ 0,5-1%/năm đối với các khoản vay với dư nợ khoảng 70 tỷ đồng. Tất cả các món vay mới lãi suất đều giảm từ 0,5-1%/năm so với trước khi có dịch Covid -19.
Tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) chi nhánh Thành Đông, tất cả các khoản vay phục vụ sản xuất, kinh doanh của khách hàng cá nhân và DN (cả khoản vay hiện hữu và vay mới) đều được giảm lãi suất từ 0,8-2%/năm. Trước ngày 1.4, đơn vị đã chủ động phối hợp với khách hàng để giảm lãi suất từ 1-1,5%/năm. Ông Nguyễn Quang Trung, Giám đốc BIDV Thành Đông chia sẻ: "Xác định những khó khăn của DN cũng là khó khăn của ngân hàng nên việc đồng hành cùng khách hàng trong giai đoạn này là vô cùng cần thiết. Đây không chỉ là trách nhiệm của đơn vị mà còn vì sự phát triển của cộng đồng DN nói chung, của ngành ngân hàng nói riêng".
BIDV chi nhánh Thành Đông đã thực hiện cơ cấu lại nợ cho trên 400 tỷ đồng dư nợ. Tất cả các khoản vay đều được giảm lãi suất với các mức khác nhau.
Không chỉ BIDV, Sacombank, hàng loạt ngân hàng khác trên địa bàn tỉnh đều trong trạng thái "căng mình" với mục tiêu cao nhất giai đoạn này là hỗ trợ tối đa cho khách hàng.
Doanh nghiệp... chưa quan tâm
Hàng loạt chính sách hỗ trợ DN được các ngân hàng tích cực triển khai thời gian qua đã phần nào giúp DN giảm khó khăn do dịch bệnh. Nhưng với nhiều DN, các chính sách hỗ trợ chưa hẳn là mối quan tâm lớn nhất lúc này.
Công ty TNHH May Đồng Tâm đang vay trên 16 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank) chi nhánh Hải Dương. Anh Lương Hoàng Nam, Giám đốc công ty cho biết: "Từ 6 giờ sáng đến nửa đêm mỗi ngày, hàng loạt các vấn đề của công ty phải xử lý để tìm cách khôi phục sản xuất, cải thiện kinh doanh. Chính sách hỗ trợ từ ngân hàng là quyền lợi của DN nhưng chúng tôi lại chưa thể cùng ngân hàng tìm cách tháo gỡ".
Trao đổi với giám đốc một DN khác ở huyện Ninh Giang cũng thấy tình trạng tương tự. Từ nhiều tháng qua, liên tiếp những khó khăn ập đến, từ ách tắc nguyên vật liệu đầu vào đến bế tắc sản phẩm đầu ra. "Món nợ ngân hàng cũng rất áp lực nhưng duy trì sự tồn tại cho DN là ưu tiên cao hơn cả. Nhân viên, người lao động đang chờ đợi những nỗ lực từ chủ DN để họ tiếp tục được làm việc, có thu nhập chăm lo gia đình. Vì bị cuốn theo guồng quay đó nên công ty cũng chưa quan tâm thỏa đáng tới những chính sách hỗ trợ từ phía ngân hàng", giám đốc DN này cho biết.
Đây cũng là lời giải cho tình trạng số lượng DN bị ảnh hưởng do dịch bệnh tương đối lớn trong khi số DN được ngân hàng hỗ trợ thời gian qua vẫn chưa nhiều.
Để có điểm tựa khôi phục sản xuất, kinh doanh, các DN cần chủ động phối hợp đề nghị các ngân hàng hỗ trợ. Các ngân hàng cần tiếp tục rà soát, chủ động liên hệ với khách hàng hoạt động trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng lớn do dịch bệnh như vận tải, may mặc, xuất nhập khẩu… để có biện pháp giúp đỡ kịp thời.