Giao chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đến từng địa phương

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1-2025 diễn ra chiều 5-2, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương thông tin, Hội nghị Trung ương tháng 1-2025 đã quyết nghị nhiều nội dung quan trọng, trong đó có điều chỉnh mức tăng trưởng kinh tế năm 2025.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cung cấp thông tin tại cuộc họp báo. Ảnh: BH

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cung cấp thông tin tại cuộc họp báo. Ảnh: BH

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho hay, theo Nghị quyết của Quốc hội, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế được giao 6,5-7% phấn đấu từ 7-7,5% trong năm 2025. Tuy nhiên, Trung ương đã có quyết nghị và chỉ đạo sẽ điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2025 phải đạt từ 8% trở lên, bù lại tăng trưởng thấp của những năm trước.

Tăng trưởng kinh tế năm 2025 từ 8% trở lên sẽ tạo nền tảng bước vào giai đoạn mới, phải đạt tăng trưởng liên tục ở mức 2 con số (trên 10%).

Đây là nhiệm vụ nặng nề và thách thức nhưng phù hợp với mục tiêu hướng tới khi kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và 100 năm thành lập nước, cũng như phấn đấu trở thành quốc gia có mức thu nhập cao vào năm 2045.

Để triển khai Nghị quyết của Trung ương với mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2025 từ 8% trở lên, Chính phủ đã chuẩn bị những nội dung cần thiết để trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường sắp tới điều chỉnh một số chỉ tiêu, đặc biệt là một số cân đối liên quan tới đầu tư, ngân sách, lạm phát

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chuẩn bị nghị quyết của Chính phủ để triển khai nhiệm vụ này.

Nội dung chính của nghị quyết sẽ cụ thể hóa nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế 8% mà Trung ương đã quyết nghị. Chính phủ sẽ giao chỉ tiêu tăng trưởng cụ thể đến từng địa phương, cũng như giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành.

Về giải pháp hiện thực hóa mục tiêu mà Chính phủ đã yêu cầu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh đến một số nội dung trọng tâm. Đầu tiên phải có quyết tâm rất cao, nỗ lực hết sức lớn và hành động hết sức quyết liệt. Tất cả các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm thực hiện ở mức cao hơn, thậm chí gấp đôi để đạt được mục tiêu đề ra.

Thể chế được coi là nguồn lực cho phát triển, là khâu đột phá. Vì vậy, việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật là yêu cầu cấp thiết, từ đó tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế đối với các dự án đầu tư, sớm khai thông các nguồn lực lâu nay vẫn chưa đưa được vào nền kinh tế.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cung cấp thông tin. Ảnh: Phương Ngân

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cung cấp thông tin. Ảnh: Phương Ngân

Cũng tại họp báo, thông tin về điều hành chính sách tiền tệ, góp phần đạt mức tăng trưởng GDP 8%, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, mức tăng trưởng 8%, hướng tới 10% của năm 2025 được căn cứ vào các điều kiện thực tiễn.

Nhìn lại năm 2023, tăng trưởng GDP đạt được gần 7%, tín dụng tăng 14,55%. Năm 2024, tăng trưởng GDP là 7,09% thì mức tăng trưởng tín dụng đạt 15,08%. Như vậy, trong hơn 2% tăng trưởng tín dụng có 1% tăng trưởng GDP.

Từ căn cứ trên, mức tăng trưởng tín dụng năm nay đặt ra khoảng 16%. Nếu tăng trưởng chung của nền kinh tế đạt 10% thì tăng trưởng tín dụng sẽ tương ứng từ 18-20%.

“Ngân hàng Nhà nước xác định phải có đủ vốn cho nền kinh tế, phục vụ các nhu cầu đầu tư. Do đó, chính sách tiền tệ được điều hành đạt mục tiêu kiểm soạt lạm phát, hỗ trợ tích cực tăng trưởng kinh tế, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Ngoài ra, việc điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục linh hoạt, chặt chẽ, và phù hợp với chính sách tài khóa, chính sách kinh tế vĩ mô khác”, ông Đào Minh Tú nêu.

Chính sách tiền tệ sẽ bảo đảm thanh khoản cho nền kinh tế. Chính sách lãi suất hợp lý nhằm thu hút vốn huy động. Trong trường hợp cần vốn đầu tư, Ngân hàng Nhà nước sẽ sử dụng công cụ điều hành.

Lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục ổn định, phù hợp lãi suất chung của nền kinh tế và các yêu cầu khác theo hướng giảm dần. Các ngân hàng thương mại tiết kiệm chi phí, ứng dụng công nghệ giảm chi phí, để hỗ trợ lãi suất cho khách hàng, người dân.

Năm 2025, ngành ngân hàng cũng sẽ tiếp tục đổi mới, tạo sự chủ động, thuận lợi cho các ngân hàng thương mại nâng hạn mức tín dụng.

Việc điều hành tỷ giá, thị trường ngoại tệ bảo đảm duy trì ổn định. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp gặp khó khăn do bão số 3 trong năm 2024.

Bảo Hân

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/giao-chi-tieu-tang-truong-kinh-te-den-tung-dia-phuong-692434.html