Ngân hàng kêu khó khi công khai lãi suất
Các ngân hàng cho rằng công khai lãi suất cho vay cá nhân thì dễ, còn cho khách hàng doanh nghiệp còn phụ thuộc nhiều yếu tố.
Tại Hội nghị trực tuyến đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024, do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức sáng 20/2, nhiều ngân hàng đã đưa ra kiến nghị về chủ trương công khai lãi suất.
Cụ thể, theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, nhằm đẩy mạnh tín dụng ra nền kinh tế, giúp người dân và doanh nghiệp có nhiều cơ hội tiếp cận với vốn tín dụng hơn, NHNN thực hiện chủ trương công bố công khai lãi suất bình quân của hệ thống tổ chức tín dụng, lãi suất bình quân cho vay của từng tổ chức tín dụng nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người dân lựa chọn ngân hàng có lãi suất thấp để vay.
“Nhiệm vụ tín dụng là rất quan trọng và NHNN chủ trương tập trung quyết liệt ngay từ đầu năm. Các ngân hàng phải công bố lãi suất cho vay để khách hàng biết và lựa chọn. Cái này không có chế tài phạt, nhưng người dân và doanh nghiệp sẽ biết, giám sát”, ông Tú nói.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc công khai mặt bằng lãi suất cho vay cũng như lãi suất huy động là cần thiết nhằm gia tăng sự minh bạch, giúp khách hàng có cơ sở so sánh, lựa chọn. Hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng có sự phân hóa khá rõ nét, tùy đối tượng vay cũng như giá vốn, nợ xấu… của mỗi ngân hàng.
Đối với chủ trương này, hầu hết đại diện các ngân hàng tham dự hội nghị đều tán thành và cho biết đều đồng thuận thực hiện. Tuy nhiên, đại diện các ngân hàng cũng kiến nghị NHNN xem xét việc công khai lãi suất đối với nhóm khách hàng doanh nghiệp.
Lý do mà các ngân hàng đưa ra là đối với khách hàng cá nhân, việc công khai lãi suất rất dễ, nhưng đối với nhóm khách hàng tổ chức, điều này rất khó cho ngành ngân hàng, vì nó phụ thuộc vào tổng thể lợi ích từ phía các tổ chức, nên sẽ có sự khác nhau.
“Vietcombank đã áp dụng lãi suất thấp so với mặt bằng chung của thị trường. Hiện lãi suất đã thấp hơn trước COVID-19, nên lãi suất không phải là nguyên nhân tác động tới việc vay vốn của khách hàng. VCB cũng đã tháo gỡ khó khăn về thủ tục để khách hàng dễ tiếp cận vốn; đẩy mạnh công nghệ, đơn giản hóa, rút ngắn thủ tục cho vay…
Tuy nhiên, đối với việc công khai lãi suất, khách hàng nhóm doanh nghiệp có đặc thù riêng, lãi suất phụ thuộc tổng thể vào lợi ích từ phía các tổ chức, nên mức lãi suất cũng sẽ không giống nhau, dẫn tới rất khó có mức bình quân”, ông Nguyễn Thanh Tùng, TGĐ Vietcombank chia sẻ.
Cũng cho rằng việc công khai lãi suất bình quân cho vay sẽ gây khó cho ngân hàng, ông Hồ Nam Tiến, TGĐ LPBank cho rằng, công bố lãi suất cho vay ngắn hạn thì không vấn đề gì, vì khách hàng quay vòng vốn nhanh, cho vay theo hạn mức thì không khó, nhưng đối với việc cho vay trung dài hạn, việc công bố lãi suất bình quân sẽ khiến cho một số doanh nghiệp có cơ sở để so sánh, dẫn đến có sự phản ứng của khách hàng khi hết ưu đãi.
“Ví dụ có những khách hàng, trong thời gian ưu đãi, dù đã được giảm tới 3%, nhưng khi hết thời gian ưu đãi, lãi suất sẽ tăng lên. Nếu áp dụng công bố lãi suất cho vay bình quân, thì khách hàng sẽ có phản ứng, sẽ lại ép đòi giảm, điều này gây khó cho ngân hàng”, ông Tiến phân tích.
Cũng theo ông Tiến, đối với các gói lãi suất cụ thể, hiện LPBank cũng đã công bố công khai, nên đề nghị chỉ công khai lãi suất cho vay cá nhân, còn lãi suất cho vay doanh nghiệp thì không.
Tương tự, một loạt đại diện các ngân hàng khác cũng đề nghị không công khai lãi suất cho vay bình quân đối với khách hàng doanh nghiệp.
“Với khách hàng doanh nghiệp, chúng tôi cũng tính tới lợi ích tổng thể và mức lãi suất cho vay sẽ phụ thuộc vào mối quan hệ tín dụng giữa ngân hàng với doanh nghiệp, ngoài ra còn liên quan tới tài sản đảm bảo, chiến lược, kế hoạch kinh doanh của khách hàng… để có mức lãi suất phù hợp. Vì thế, việc công khai lãi suất bình quân chung cho vay nhóm doanh nghiệp sẽ khó, chúng tôi kiến nghị sẽ công bố các mức lãi suất cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn riêng, để khách hàng có thể so sánh”, ông Phạm Như Ánh, TGĐ MBB kiến nghị.
Trong khi đó, lãnh đạo một ngân hàng TMCP khác trao đổi ngoài lề thì cho rằng, việc công khai để so sánh lãi suất cho vay trung bình chung sẽ làm nhiều ngân hàng nhỏ bị thiệt thòi, vì ngân hàng nhỏ luôn phải duy trì lãi suất huy động cao hơn để cạnh tranh.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/ngan-hang-keu-kho-khi-cong-khai-lai-suat-i723084/