Ngân hàng khởi kiện tại tòa án nơi khách vay cư trú có đúng không?

*Bạn đọc hỏi: anh Vũ trú tại TP Hội An (Quảng Nam), hỏi: Tôi hiện cư trú tại Hội An. Năm 2022, tôi có vay tiền của Ngân hàng X. trên địa bàn TP Đà Nẵng và thế chấp một mảnh đất tại phường An Hải Bắc (Q.Sơn Trà, TP Đà Nẵng). Đến nay, do tình hình kinh tế khó khăn, tôi chưa thực hiện được nghĩa vụ thanh toán cho Ngân hàng X. nên tôi bị ngân hàng này khởi kiện tại Tòa án nhân dân TP Hội An. Điều này gây cho tôi nhiều bất tiện vì đó là nơi tôi sinh sống, tôi không muốn bị kiện tụng ảnh hưởng đến việc làm ăn của tôi. Tôi nghe nói rằng chỉ có Tòa án nơi có bất động sản mới có quyền giải quyết. Cho tôi hỏi Ngân hàng X. khởi kiện tôi tại Tòa án nhân dân TP Hội An có đúng với quy định pháp luật không?

*Luật sư Phan Thụy Khanh, Phó trưởng Văn phòng Luật sư Phong & Partners,trả lời:

Việc thế chấp nhà đất để vay vốn ngân hàng là vấn đề khá phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng am hiểu các vấn đề liên quan đến thế chấp và giải quyết tranh chấp phát sinh. Thắc mắc nêu trên của anh Vũ là một trường hợp điển hình. Theo thông tin anh Vũ cung cấp, anh có vay vốn của ngân hàng và thế chấp tài sản là bất động sản. Đến nay, anh không thực hiện được nghĩa vụ thanh toán nên Ngân hàng X. khởi kiện anh tại Tòa án nơi anh cư trú là TP Hội An.

Điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ như sau:

“Điều 39. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ

1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:

a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;”

Ngoài ra, trong trường hợp Hợp đồng tín dụng giữa anh Vũ và Ngân hàng X. có thỏa thuận về Tòa án nơi giải quyết tranh chấp thì ngân hàng có quyền gửi đơn khởi kiện tại Tòa án này, điều này được quy định tại điểm g khoản 1 Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015:

“Điều 40. Thẩm quyền của Tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn, người yêu cầu

1. Nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động trong các trường hợp sau đây:

g) Nếu tranh chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi hợp đồng được thực hiện giải quyết;”.

Tuy nhiên, điểm c Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự quy định rằng, trong trường hợp đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết. Điều này khiến nhiều người nghĩ rằng, hễ tranh chấp có liên quan tới bất động sản thì phải là Tòa án nơi có bất động sản giải quyết. Trong trường hợp của anh Vũ, đối tượng tranh chấp là giao dịch thế chấp và vay tiền, cho nên Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp được xác định theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 39 hoặc Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Như vậy, Ngân hàng X. khởi kiện anh Vũ yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng thế chấp và hợp đồng tín dụng tại Tòa án nhân dân TP Hội An là phù hợp với quy định pháp luật.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Văn phòng Luật sư Phong & Partners. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3822678 - 0905.102425

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/ngan-hang-khoi-kien-tai-toa-an-noi-khach-vay-cu-tru-co-dung-khong-post306194.html