Ngân hàng lạc quan triển vọng kinh doanh 2019
Các nhà băng ngày càng ý thức rõ hơn việc cần đa dạng hóa nguồn thu bằng cách đẩy mạnh hoạt động dịch vụ để bù lại cho tăng trưởng từ hoạt động tín dụng.
Giảm kỳ vọng tăng trưởng tín dụng
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý IV/2019 mới nhất do Vụ Dự báo thống kê (NHNN) tiến hành vào tháng 9/2019, 82,3% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ “cải thiện” trong quý IV/2019 và 87,1% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh tổng thể trong năm 2019 “cải thiện” hơn so với năm 2018, trong đó 28,4 -29,7% TCTD kỳ vọng “cải thiện nhiều”; 91% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị đến cuối năm 2019 tăng trưởng dương so với năm 2018.
Cũng theo điều tra, tình hình xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD từng bước được cải thiện với 27,6% TCTD nhận định tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng của đơn vị mình “giảm” trong quý III/2019 và 28,9% TCTD kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu sẽ “giảm” trong quý IV/2019.
Trên thực tế, 3 ngân hàng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2019 là Vietcombank, TPBank, Sacombank đều có mức tăng trưởng lợi nhuận khả quan. Bên cạnh thu nhập thuần, 3 nhà băng đều có những kết quả tích cực trên nhiều mảng hoạt động: Vietcombank thu hồi nợ ngoại bảng đạt 2.862 tỷ đồng; Sacombank ghi nhận thu dịch vụ đạt 2.131 tỷ đồng - tăng 21,1%, thu kinh doanh ngoại hối đạt 422 tỷ đồng tăng 35%, tỷ lệ nợ xấu tiếp tục giảm xuống từ 2,11% còn 1,96%; TPBank thông báo đã trích lập dự phòng và mua lại toàn bộ 756,6 tỷ đồng danh mục trái phiếu VAMC trước thời hạn, tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,48%...
Tuy nhiên, kết quả điều tra cũng chỉ ra, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng trưởng 4,85% trong quý IV và tăng 13,61% trong năm 2019, đã điều chỉnh giảm 0,72% so với mức bình quân kỳ vọng 14,33% ghi nhận tại kỳ điều tra trước (thấp hơn mức tăng thực tế 13,88% của năm 2018). Như vậy, TCTD liên tục điều chỉnh giảm kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng trong năm 2019 qua các kỳ điều tra từ 15,27% xuống còn 13,61% (tháng 9/2019), gần sát với mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn Ngành năm 2019.
Công bố mới đây của NHNN, tính đến ngày 24/9/2019, tổng dư nợ tín dụng tăng trưởng 8,64%, huy động vốn tăng 9,03% và tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 8,58%. SSI nhận định, thông thường con số tăng trưởng thực tế cả 9 tháng sẽ cao hơn. Như năm 2018, số tăng trưởng tín dụng chốt quý III là 10,33% - cao hơn số công bố ngày 20/9/2018 tới 0,81%, chỉ trong 6 ngày làm việc cuối quý.
Tuy vậy, dù có đẩy mạnh giải ngân trong ba ngày làm việc cuối tháng (tính từ 24/9/2019), dự tính con số tăng trưởng tín dụng 9 tháng 2019 cũng sẽ chỉ quanh 9% - mức tăng trưởng thấp nhất so với cùng kỳ 4 năm gần đây. Tổng giải ngân tín dụng toàn xã hội trong quý III/2019 ước khoảng 120 nghìn tỷ đồng - thấp hơn nhiều so với mức 226 nghìn tỷ đồng trong quý I/2019 và 305 nghìn tỷ đồng trong quý II/2019.
Điều chỉnh chỉ tiêu phù hợp
Thực tế, mỗi ngân hàng đều có chiến lược kinh doanh của riêng mình, được cụ thể hóa bằng mục tiêu kinh doanh, và đo lường bởi hai chỉ tiêu: Chỉ tiêu về tài chính được thể hiện bằng con số (mục tiêu lợi nhuận, tốc độ tăng trưởng tín dụng, dịch vụ...); và mục tiêu chiến lược mang tính lâu dài (như việc tăng thị phần ở mảng doanh nghiệp, bán lẻ, hay cho vay tiêu dùng...).
Nhận định của một chuyên gia tài chính cho rằng, mục tiêu đặt ra phải được thực thi dựa trên bối cảnh kinh doanh. Trước bối cảnh kinh doanh có nhiều sức ép, sẽ khiến cho ngân hàng cần phải điều chỉnh một số chỉ tiêu của mình sao cho phù hợp.
Câu hỏi đặt ra là tốc độ tăng trưởng tín dụng kỳ vọng giảm liệu có ảnh hưởng tới lợi nhuận của ngân hàng? Theo TS. Châu Đình Linh - chuyên gia kinh tế Trường Quản trị và Kinh doanh SSB, thực tế phần thách thức đang nhiều hơn khiến ngân hàng bắt buộc phải điều chỉnh về chiến lược kinh doanh, từ đó điều chỉnh mục tiêu kinh doanh và thực thi để đạt được mục tiêu.
Theo đó, những ngân hàng có cơ cấu nguồn thu tốt khi định hướng chiến lược hướng tới dịch vụ, bán lẻ, hướng tới sự liên kết với bảo hiểm, công ty con, xử lý nợ xấu tốt thì có thể không cần phải điều chỉnh chỉ tiêu ban đầu. Nhưng ngược lại, với những ngân hàng quy mô nhỏ và không có chiến lược kinh doanh rõ ràng, mục tiêu đặt ra không có cơ sở khoa học thì trong quá trình hiện thực hóa mục tiêu gặp phải thách thức bên ngoài sẽ buộc phải có sự điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh và thực thi để đạt được mục tiêu.
Thêm nữa, chuyên gia này cũng chia sẻ thêm, yếu tố vĩ mô, vấn đề chính sách tác động khá lớn tới việc thực hiện chỉ tiêu kinh doanh của các ngân hàng. Như việc NHNN siết chặt đối với vay đầu cơ bất động sản; điều chỉnh tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 45% xuống 40% (từ 1/1/2019) và tỷ lệ này có thể giảm xuống thấp hơn khi NHNN đang xây dựng lộ trình giảm còn 30%; năm nay các nhà băng cũng phải tăng tốc để có thể áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn có hiệu lực từ 1/1/2020... Tất cả sự thay đổi chính sách này đều có ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của nhà băng.
Điểm tích cực có thể thấy, các nhà băng ngày càng ý thức rõ hơn việc cần đa dạng hóa nguồn thu bằng cách đẩy mạnh hoạt động dịch vụ để bù lại cho tăng trưởng từ hoạt động tín dụng.
Ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho hay, nhà băng này sẽ không xin thêm room tín dụng mà tập trung đẩy mạnh bán lẻ để tăng lợi nhuận. Vietcombank đặt tham vọng đạt mức lợi nhuận 2 tỷ USD vào năm 2025, với động lực tăng trưởng chính là bán lẻ và ngân hàng số, trong đó lợi nhuận từ bán lẻ sẽ chiếm 50%.
Lãnh đạo MB cũng chia sẻ, trong chiến lược lâu dài, thu phí dịch vụ của MB vẫn tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao nhờ củng cố các mô hình kinh doanh truyền thống như dịch vụ thanh toán, tài khoản và thẻ… đồng thời tăng cường đầu tư phát triển các mô hình kinh doanh mới như bancassurance, ngân hàng số và ngân hàng giao dịch, nghiệp vụ ngân hàng đầu tư và quản lý tài sản...
Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/ngan-hang-lac-quan-trien-vong-kinh-doanh-2019-93356.html