Ngân hàng lãi lớn, chi lương, thưởng ra sao?
Thống kê cho thấy, không phải ngân hàng dẫn đầu về lợi nhuận đồng nghĩa sẽ trả lương cao nhất cho nhân viên.
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, mặc dù nền kinh tế vẫn chưa thực sự phục hồi, nhưng nhìn chung ngành ngân hàng vẫn có kỳ kinh doanh khá khả quan, phần lớn các thành viên đều ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước.
Nhân viên ngân hàng nào "ấm" nhất?
Trong nửa đầu năm, lợi nhuận ngành ngân hàng đã phục hồi với mức tăng trưởng được các chuyên gia dự báo khoảng 12% so với cuối năm ngoái. Tuy nhiên, tăng trưởng có sự phân hóa khá rõ. Lợi nhuận tăng trưởng tốt nhất chủ yếu là các ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng TMCP tư nhân có quy mô lớn.
Bảng xếp hạng lợi nhuận ngân hàng hiện dẫn đầu là Vietcombank. Theo sau là Techcombank, BIDV, MB, Agribank, VietinBank, ACB…
Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính trong 6 tháng đầu năm của các ngân hàng, nhà băng lãi nhất không có nghĩa sẽ chi trả thu nhập cho nhân viên cao nhất.
Nhân viên của Techcombank đứng đầu về thu nhập bình quân trong 6 tháng đầu năm khi mỗi nhân viên nhận 53 triệu đồng/tháng, tăng 9 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước.
Vietcombank tuy là quán quân lợi nhuận ngành ngân hàng, nhưng chỉ đứng thứ 2 về trả lương cho nhân viên.
Cụ thể, trong nửa đầu năm nay, Vietcombank đã dành tổng cộng 5.438 tỷ đồng để chi lương và phụ cấp cho 23.992 nhân viên. Bình quân mỗi nhân viên có thu nhập 37,98 triệu đồng/tháng, tăng nhẹ 330.000 đồng so với mức bình quân năm 2023.
Các "ông lớn" còn lại trong nhóm Big 4 cũng trả lương cho nhân viên vượt 30 triệu đồng/tháng.
Cụ thể, VietinBank trả 33,95 triệu đồng/tháng, BIDV trả 33,84 triệu đồng/tháng, lần lượt thấp hơn 720.000 đồng/tháng và cao hơn 890.000 đồng/tháng so với năm ngoái.
TPBank, HDBank là 2 nhà băng tư nhân nằm trong số những ngân hàng trả lương cao nhất khi thu nhập bình quân mỗi nhân viên đều ở mức trên 37 triệu đồng/tháng.
Trong đó, thu nhập của nhân viên HDBank tăng hơn 8 triệu đồng/tháng so với năm ngoái. Chi phí lương và phụ cấp cho nhân viên của HDBank tăng 40% trong 6 tháng đầu năm, lên 2.251 tỷ đồng.
Nhóm các ngân hàng dẫn đầu về thu nhập bình quân nhân viên còn có Sacombank, VPBank, MSB và VIB. Mức thu nhập bình quân mỗi tháng của nhân viên các ngân hàng này từ 31-34 triệu đồng/người.
Ở chiều ngược lại, nhân viên của nhiều ngân hàng bị giảm thu nhập trong 6 tháng đầu năm nay, phần lớn là các ngân hàng tư nhân có quy mô vừa và nhỏ, như LPBank giảm 2,91 triệu đồng/tháng, ABBank giảm 2,22 triệu đồng/tháng, Nam A Bank giảm 2,74 triệu đồng/tháng…
Có 2 ngân hàng trả lương cho nhân viên dưới 20 triệu đồng/tháng là Vietbank và ACB. Cụ thể, mỗi nhân viên Vietbank nhận 17,63 triệu đồng, nhưng vẫn cao hơn so với mức thu nhập trung bình trong năm ngoái.
Còn tại ACB, mức lương trả cho nhân viên đứng chót bảng với thu nhập bình quân 14 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, các tính toán nêu trên mới chỉ là phép tính bình quân gia quyền, cào bằng giữa các vị trí trong ngân hàng dựa trên mức chi trên tổng số nhân viên ngân hàng.
Do đó, nhìn vào những con số này sẽ thấy thu nhập của nhân viên ngân hàng cao hơn mặt bằng chung xã hội. Thực tế, mức lương của nhân viên ngân hàng còn phụ thuộc vào vị trí công việc, năng lực, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm của từng nhân viên. Đặc biệt, loại hình và quy mô ngân hàng sẽ có những chính sách và cơ chế riêng tác động đến mức lương.
Ngân hàng tăng tuyển dụng nhân sự
Trên thực tế, lương và thưởng nhân viên ngân hàng nhìn chung đang có sự cải thiện rõ rệt trong những năm vừa qua.
Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân của người lao động ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm trong quý II/2024 là 12,7 triệu đồng/tháng, tăng 11,7%, tương ứng tăng 1,3 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2023 và cao hơn 69% so với mức bình quân chung.
Các chuyên gia đánh giá, nguồn ứng viên ngành ngân hàng hiện còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của công cuộc chuyển đổi số, cả về số lượng lẫn chất lượng. Về chất lượng, rất hiếm các ứng viên có kinh nghiệm để triển khai áp dụng các công nghệ tiên tiến nhất. Về số lượng, ngân hàng có nhu cầu tuyển số lượng lớn và trong thời gian ngắn nhưng lượng ứng viên đạt yêu cầu không đủ đáp ứng. Chính sự mất cân bằng giữa cung với cầu này khiến cuộc cạnh tranh thu hút và giữ chân nhân tài của các ngân hàng diễn ra càng khốc liệt hơn.
Để giành lợi thế trong "cuộc chiến" này, bên cạnh nâng cao chất lượng trong cách thức tuyển dụng và tăng vị thế thương hiệu nhà tuyển dụng, yếu tố rất quan trọng để người lao động yên tâm cống hiến và làm việc chính là đảm bảo cho họ có được cuộc sống lành mạnh, ổn định về mặt thể chất, tinh thần, xã hội và tài chính.
Do đó, một gói lương thưởng và phúc lợi toàn diện (bảo hiểm sức khỏe và tai nạn bổ sung, thêm ngày nghỉ phép, các khoản phụ cấp…) là yếu tố rất quan trọng để người lao động yên tâm cống hiến và làm việc.
Theo nhận định của các chuyên gia, tăng trưởng kinh tế hồi phục trở lại, kéo theo sự phát triển của hoạt động ngân hàng. Lợi nhuận tăng cao, các ngân hàng mạnh tay hơn với khoản chi cho nhân viên. Điều này phần nào cho thấy các ngân hàng tăng cạnh tranh, giữ chân hoặc thu hút nhân sự qua việc tăng thu nhập.
Sau khi trải qua giai đoạn ảm đạm trong những tháng đầu năm, bước sang quý II và quý III, khi kế hoạch kinh doanh đã rõ ràng cùng với sự phục hồi của doanh nghiệp, "guồng quay" của hệ thống ngân hàng sẽ vận động mạnh. Theo đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng, bên cạnh các giải pháp đẩy mạnh hoạt động cho vay, các nhà băng cũng sẽ tuyển dụng nhân sự, đặc biệt trong khối tín dụng nhằm đẩy mạnh hoạt động kinh doanh dịp cuối năm.
Trong báo cáo kết quả điều tra thống kê được Ngân hàng Nhà nước công bố mới đây, các ngân hàng nhận định tình hình lao động, việc làm của ngành tài chính ngân hàng diễn biến tích cực hơn trong quý II/2024 và cả năm 2024.