Ngân hàng miễn phí cho 90% giao dịch thanh toán điện tử
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện khoảng 90% giao dịch thanh toán điện tử đã được miễn phí. NHNN cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai thực hiện tốt các giải pháp về thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Gần đây, cử tri nhiều tỉnh, thành như: Lai Châu, Hưng Yên, Hà Nam đều kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) miễn phí thường niên khi sử dụng thẻ ngân hàng đối với các đối tượng thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội, nhằm tạo điều kiện cho các đối tượng trên tích cực sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Nhiều chính sách ưu đãi, miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán
Cũng theo cử tri tỉnh Hưng Yên, việc nhận trợ cấp hàng tháng không dùng tiền mặt mà trả qua tài khoản nhằm thúc đẩy chuyển đổi số được đa số nhân dân ủng hộ và thực hiện nghiêm túc.
Tuy nhiên, đối với một số trường hợp nhận trợ cấp như người khuyết tật, người tuổi cao sức yếu… đang gặp nhiều hạn chế, bất cập trong quá trình đi rút tiền tại cây ATM về thanh toán, chi trả cho cuộc sống do số lượng cây ATM ít, thường đặt ở trung tâm.
Vì vậy, cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo hệ thống các ngân hàng đầu tư bổ sung thêm các chi nhánh giao dịch, các ATM rút tiền tự động tạo điều kiện cho người dân; đồng thời, miễn giảm các loại phí đối với người có công và bảo trợ xã hội.
Phản hồi kiến nghị cử tri, NHNN cho biết theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, tổ chức tín dụng được quyền ấn định và phải niêm yết công khai mức lãi suất huy động vốn, mức phí cung ứng dịch vụ trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.
Miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán
Triển khai quy định và các chỉ đạo của NHNN, thời gian qua, hầu hết các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã triển khai nhiều sản phẩm dịch vụ ưu đãi, miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán cho khách hàng, áp dụng chính sách “zero fee”: miễn phí chuyển khoản, phí quản lý tài khoản... Theo đó, khoảng 90% giao dịch thanh toán điện tử đã được miễn phí.
Tuy nhiên, thực hiện chủ trương phát triển thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công, trong đó có hoạt động trợ cấp an sinh xã hội đối với các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội và Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện, trong thời gian qua, NHNN đã có nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu, áp dụng các chính sách ưu đãi, miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán, phí dịch vụ trung gian thanh toán hợp lý, trong đó bao gồm phí dịch vụ quản lý tài khoản thẻ, để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Trong đó, ưu tiên áp dụng đối với các khách hàng thuộc nhóm đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội khi mở, sử dụng tài khoản ngân hàng, thẻ ngân hàng, ví điện tử để nhận trợ cấp an sinh xã hội.
Về chính sách miễn phí dịch vụ đối với các giao dịch chuyển tiền ủng hộ, cứu trợ, NHNN đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai các chính sách ưu đãi về phí dịch vụ thanh toán, trong đó, có chính sách miễn/giảm phí dịch vụ đối với các giao dịch chuyển tiền ủng hộ, cứu trợ.
Cân nhắc lắp đặt thêm các máy ATM, POS
Về đề xuất bổ sung thêm các ATM rút tiền tự động, theo NHNN, trong thời gian qua, nhằm tạo thuận lợi cho người dân thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, NHNN đã xây dựng, triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, trong đó có nội dung khuyến khích các ngân hàng thương mại đầu tư phát triển, sắp xếp hợp lý và gia tăng chức năng, tiện ích trên các thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ (ATM, POS) với các hình thức phù hợp, hiệu quả.
Cùng với đó, ban hành Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 20305, trong đó, khuyến khích các ngân hàng, tổ chức khác đầu tư và mở rộng mạng lưới ATM tới khu vực nông thôn, khó tiếp cận các điểm giao dịch của ngân hàng; nghiên cứu ứng dụng một số loại máy ATM tính năng hiện đại.
Số lượng máy ATM, POS vẫn trong xu hướng tăng
Đến cuối tháng 11/2024, số lượng máy ATM, POS trên toàn thị trường đạt 21.089 ATM và 733.456 POS, tăng tương ứng 0,36% và 42,82% so với cùng kỳ năm 2023, cho thấy các ngân hàng thương mại đã có sự nghiên cứu thị trường để tiếp tục đầu tư, lắp đặt, sắp xếp các thiết bị chấp nhận thanh toán đáp ứng nhu cầu thanh toán của nhân dân.
Các tổ chức tín dụng căn cứ trên cơ sở chi phí, hiệu quả hoạt động, nhu cầu sử dụng của khách hàng... để bố trí, lắp đặt các thiết bị ATM một cách hợp lý.
"NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai thực hiện tốt các giải pháp về thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa phù hợp với hành vi tiêu dùng của người dân ở các vùng này” - NHNN nêu rõ.
Khuyến khích phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt phù hợp với hành vi tiêu dùng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Đẩy mạnh ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên thiết bị di động như: thanh toán qua QR Code, mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán di động (Mobile Payment), thanh toán phi tiếp xúc (Contactless), Ví điện tử…
Về mở rộng mạng lưới chi nhánh giao dịch của các ngân hàng, theo NHNN, toàn hệ thống hiện nay có 125 tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, với khoảng 11.500 chi nhánh, phòng giao dịch; cùng 04 tổ chức tài chính vi mô và 1.176 quỹ tín dụng nhân dân được phân bổ trên khắp 63 tỉnh, thành phố của cả nước, trong đó khối ngân hàng thương mại có số lượng đơn vị mạng lưới hoạt động lớn nhất.
Việc lựa chọn địa bàn để mở rộng mạng lưới hoạt động do các tổ chức tín dụng quyết định phù hợp với tình hình hoạt động và chiến lược kinh doanh của từng tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, NHNN tiếp tục triển khai các giải pháp ưu tiên, khuyến khích việc mở rộng mạng lưới tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khu vực chưa có chi nhánh, phòng giao dịch, tạo điều kiện tối đa cho người dân trong việc tiếp cận dịch vụ ngân hàng./.