Ngân hàng muốn đẩy mạnh cho vay tín dụng xanh nhưng....

Dù các ngân hàng đang mạnh mẽ thể hiện cam kết thúc đẩy tín dụng xanh, song dư nợ của mảng này vẫn chỉ mang tính 'tượng trưng'.

Tín dụng xanh được hiểu là hoạt động cho vay để đầu tư, sản xuất, kinh doanh không gây hại và góp phần bảo vệ môi trường. Mặc dù dư nợ tín dụng xanh thời gian qua tại các ngân hàng thương mại có xu hướng tăng theo từng năm nhưng xét về mặt quy mô dư nợ vẫn rất khiêm tốn so với tổng tín dụng của toàn nền kinh tế.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cập nhật đến hết 6 tháng đầu năm nay, dư nợ tín dụng xanh mới đạt gần 680.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong đó, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.

Ngân hàng tích cực cho vay xanh

Tín dụng xanh đang được các ngân hàng xác định là một trong các mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong chiến lược kinh doanh dài hạn.

Đơn cử tại BIDV, tính đến 31-3-2024, dư nợ tín dụng xanh đạt 73.394 tỉ đồng (chiếm 4% tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng này) cho 2.069 phương án kinh doanh của 1.698 khách hàng. Danh mục cho vay của BIDV cho các lĩnh vực xanh và phát triển bền vững đến năm 2025 dự kiến đạt 3 tỉ USD, chiếm khoảng 5% tổng dư nợ của BIDV.

Hay như Vietcombank ghi nhận quy mô dư nợ tín dụng xanh tăng gần 6 lần trong 5 năm vừa qua, từ quy mô 7.890 tỉ đồng cuối năm 2018 lên hơn 46.100 tỉ đồng vào cuối năm 2023, chiếm xấp xỉ 4% tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng này.

Tương tự, VietinBank cũng đã xây dựng và ban hành khung tài chính bền vững của ngân hàng, ra mắt gói tài chính xanh với quy mô trị giá 5.000 tỉ đồng để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững. Qua đó xây dựng và thiết lập hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng xanh...

TS Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng ban Chỉ đạo ESG Agribank khẳng định: Agribank có tới gần 70% dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn nên việc phát triển tín dụng xanh rất quan trọng. Mỗi năm có ít nhất 50.000 tỉ đồng vốn ưu đãi phục vụ nông nghiệp sạch.

Gói tín dụng này dành cho doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại... tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch với lãi suất cho vay giảm từ 0,5%/năm - 1,5%/năm so với lãi suất ưu đãi của lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại Agribank”.

 Cho vay tín dụng xanh tại các ngân hàng thương mại vẫn rất ì ạch. Ảnh minh họa

Cho vay tín dụng xanh tại các ngân hàng thương mại vẫn rất ì ạch. Ảnh minh họa

Mới đây, ngân hàng ACB chính thức công bố “khung tài chính bền vững”. Nó được xem như một hệ thống công cụ để ACB áp dụng trong hoạt động kinh doanh thực tiễn, và phù hợp với mục tiêu phát triển lĩnh vực tài chính xanh tại ngân hàng này như năng lượng tái tạo, vận tải xanh, công trình xanh…

Ngân hàng SHB trong thời gian qua cũng chú trọng cho vay để đầu tư các dự án năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn cho các vùng trọng điểm.

Cần động lực để tín dụng xanh tăng tốc

Ông Ngô Tấn Long - Phó tổng giám đốc ACB khẳng định, đơn vị này sẵn sàng đồng hành với các doanh nghiệp chuyển dịch theo hướng phát triển bền vững. Về lâu dài, ngân hàng sẽ đẩy mạnh nguồn vốn xanh theo chiến lược ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) của ACB.

"Ví dụ đầu năm 2024, ACB chủ động cung cấp gói tín dụng với quy mô là 2.000 tỉ đồng từ vốn của ngân hàng dành cho các doanh nghiệp thuộc danh mục xanh. Tính đến cuối tháng 8 vừa qua, chúng tôi đã giải ngân 86% vốn của gói tín dụng xanh này",ông Long dẫn chứng.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà nhận định, Agribank đã chủ động cam kết và từng bước triển khai ESG, tích cực triển khai các hoạt động xã hội, vì cộng đồng, quản trị rủi ro và thực hiện tài chính toàn diện. Tuy nhiên, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chịu ảnh hưởng nhiều của biến đổi khí hậu, có thể sử dụng nhiều nước, phân bón, thuốc trừ sâu, hóa chất, vùng đất có nguồn gốc phá rừng…

Trong khi đó khung pháp lý về triển khai ESG chưa cụ thể nên việc triển khai ESG của Agribank cũng gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định.

Nhận định về thực trạng quy mô tín dụng xanh còn thấp so với kỳ vọng, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết: Tín dụng xanh tại Việt Nam hiện mới tập trung cho vay những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và chứ chưa chảy mạnh vào nông nghiệp sạch. Bởi lẽ, ngành nông nghiệp luôn dễ chịu tổn thương bởi biến đổi khí hậu.

Ngay cả với năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, việc cấp tín dụng xanh cũng không dễ dàng. Những dự án năng lượng sạch lần đầu triển khai nên cả ngân hàng lẫn chủ đầu tư khó đánh giá về mức độ thiệt hại.

Chẳng hạn, có những dự án xanh theo tính toán ban đầu trên sổ sách, doanh nghiệp cho rằng chỉ cần 5-6 năm là có thể thu hồi vốn. Song thực tế có những dự án đã đi vào hoạt động được 15 -20 năm mới hoàn vốn. Điều này cũng khiến các dự án xanh tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn so với các mô hình đầu tư truyền thống...

Nhìn từ góc độ của ngân hàng, cho dù thời gian gần đây họ luôn định hướng phát triển bền vững và ưu tiên tín dụng xanh, nhưng bản thân họ cũng phải tuân thủ các yếu tố về an toàn vốn, nhằm ngăn chặn nguy cơ bùng nổ nợ xấu. Chưa kể, hiện nay còn có hiện tượng “tẩy xanh" (greenwashing) tức là một số doanh nghiệp phóng đại những nỗ lực về môi trường của họ để tạo thiện cảm với người tiêu dùng nhằm tăng doanh số bán hàng, hoặc được vay vốn với lãi suất thấp từ gói tín dụng xanh. Tình trạng này cũng góp phần làm cho ngân hàng e ngại "mở cửa" cho các dự án vay vốn "xanh".

"Còn về phía doanh nghiệp muốn chuyển đổi từ kinh tế “nâu” sang kinh tế “xanh” chắc chắn sẽ kéo theo chi phí đầu tư rất lớn. Vậy nên chỉ có những doanh nghiệp lớn mới có nhu cầu và đủ nguồn lực để chuyển đổi xanh, còn những doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) thì tôi cho rằng họ chưa tính tới chuyện này đâu. Khi nhóm doanh nghiệp SMEs vốn chiếm tỉ trọng rất lớn trong nền kinh tế mà lại không có nhu cầu vay vốn xanh thì quy mô tín dụng xanh làm sao “lớn” nổi", TS Nguyễn Hữu Huân nêu quan điểm.

"Nguyên nhân lớn hơn góp phần tín dụng xanh chưa thể phát triển như kỳ vọng là bởi hệ thống quy định pháp luật vẫn còn thiếu một số cơ sở pháp lý đối với hoạt động tín dụng xanh, đó là thiếu văn bản hướng dẫn tiêu chí cụ thể về danh mục lĩnh vực xanh. Thực trạng này dẫn đến việc thiếu cơ sở để các ngân hàng xây dựng cơ chế thực hiện các hoạt động xanh và cấp tín dụng", ông Huân nói thêm.

Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Trưởng ban Chỉ đạo ESG Agribank kiến nghị: Thứ nhất, các cơ quan ban ngành sớm xây dựng và ban hành bộ tiêu chí môi trường và các tiêu chí xác định đối với các dự án được cấp tín dụng xanh để các tổ chức tín dụng có cơ sở pháp lý xác định các dự án, hạng mục dự án đáp ứng điều kiện tín dụng xanh.

Thứ hai, cần sớm có các chính sách thúc đẩy phát triển thị trường carbon như xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon. Xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon, triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon… nhằm đẩy nhanh vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon tại Việt Nam.

Thứ ba là cần xây dựng và hình thành hệ thống dữ liệu về tình hình tuân thủ, vi phạm yêu cầu về môi trường của doanh nghiệp, tạo cơ sở cho các tổ chức tín dụng trong việc thẩm định, xác định mức độ rủi ro môi trường khi đánh giá khách hàng vay. Qua đó hạn chế cấp tín dụng cho hoạt động gây hại môi trường.

THÙY LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/ngan-hang-muon-day-manh-cho-vay-tin-dung-xanh-nhung-post809688.html