Ngân hàng nâng room ngoại để tăng vốn

Bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19, các ngân hàng vẫn dồn dập tăng vốn. Trong đó, nhiều nhà băng kỳ vọng vào việc bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài.

MB vừa nâng vốn điều lệ ghi trong giấy phép lên gần 27.988 tỷ đồng. (Ảnh: Int)

MB vừa nâng vốn điều lệ ghi trong giấy phép lên gần 27.988 tỷ đồng. (Ảnh: Int)

Thông thường, có 5 biện pháp mà các ngân hàng sử dụng để tăng vốn: tăng vốn bằng nguồn lợi nhuận để lại, cổ tức nhà nước để lại, phát hành trái phiếu, bán cổ phiếu cho đối tác chiến lược hoặc nhà đầu tư nước ngoài…

Nhà băng dồn dập tăng vốn

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận tăng vốn cho hàng loạt ngân hàng. Đơn cử như HDBank đã được tăng vốn từ gần 12.708 tỷ đồng lên hơn 16.088 tỷ đồng với phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Gần đây nhất, MB sửa mức vốn điều lệ ghi trong giấy phép là gần 27.988 tỷ đồng; TPBank cũng vừa tăng vốn điều lệ từ 8.565 tỷ đồng lên hơn 10.716 tỷ đồng; ACB hoàn tất tăng vốn từ hơn 16.627 tỷ đồng lên hơn 21.615 tỷ đồng; Techcombank tăng vốn lên hơn 35.049 tỷ đồng; LienVietPostBank cũng được NHNN chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ từ 9.769 tỷ đồng lên 10.746 tỷ đồng...

Nhiều nhà băng trong số này đã chọn giải pháp tăng vốn từ nguồn lợi nhuận để lại thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu. Chẳng hạn, để tăng vốn điều lệ lên 10.746 tỷ đồng, LienVietPostBank đã áp dụng theo hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019.

Không chỉ tăng vốn từ nguồn lợi nhuận để lại thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, gần đây nhiều nhà băng mở room ngoại để tiếp tục tăng vốn.

Đơn cử, giới hạn sở hữu nước ngoài của MB vừa qua đã được điều chỉnh nhẹ lên trên 23% từ ngày 9/11 sau khi ngân hàng hoàn tất chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 15%. LienVietPostBank nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài từ mức 5,5% lên gần 10% cùng với việc niêm yết trên sàn HoSE.

HĐQT Techcombank cũng vừa chấp thuận và phê duyệt việc nâng giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng này lên mức hơn 22,5076% vốn điều lệ, tăng nhẹ so với mức 22,4951% trước đó. Việc này là nhằm giúp người lao động nước ngoài được mua 439.000 cổ phiếu TCB của Techcombank thông qua giao dịch nhận chuyển nhượng cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường.

Đáng chú ý, VietCapital Bank là ngân hàng còn nguyên 30% room cho nhà đầu tư nước ngoài. Mới đây, nhà băng này đã chốt danh sách cổ đông để thực hiện lấy ý kiến bằng văn bản thông qua một số nội dung quan trọng, trong đó xin ý kiến Đại hội đồng cổ đông ủy quyền HĐQT quyết định tỷ lệ sở hữu của cổ đông nước ngoài theo quy định hiện hành thông qua việc đưa chứng khoán chào bán ra công chúng.

Đồng thời, HĐQT VietCapital Bank đã có nghị quyết thông qua phương án phát hành 2.000 – 2.500 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ (không chuyển đổi, không kèm chứng quyền) trong quý I/2021 và kế hoạch phát hành tối đa 1.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng, nhằm tăng vốn cấp 2.

Tài chính - ngân hàng vẫn được xem là lĩnh vực thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng room dành cho nhà đầu tư ngoại lại bị hạn chế, tối đa chỉ 30%. Vì vậy, muốn tìm được đối tác chiến lược, thời gian qua, các ngân hàng phải dùng đến quyền mở, đóng room tại thời điểm thích hợp để có dư địa tìm đối tác đầu tư dài hạn nhằm giúp ngân hàng tăng vốn để mở rộng quy mô và thực hiện mục tiêu phát triển.

Áp lực tăng vốn sẽ kéo dài

Các chuyên gia cho rằng, tăng vốn sẽ còn rất áp lực trong dài hạn với các ngân hàng, nhất là các ngân hàng có vốn nhà nước.

Theo tính toán, giai đoạn từ năm 2020 trở đi, trung bình mỗi năm, tổng tài sản của các ngân hàng có vốn nhà nước tăng khoảng 10-12%. Khi tổng tài sản (bao gồm tín dụng, đầu tư) tăng, vốn chủ sở hữu cũng phải tăng tương ứng để ngân hàng đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR). Ví dụ, tổng tài sản tăng 10-12%, vốn chủ sở hữu cũng phải tăng ít nhất 7-8%. Do đó, tăng vốn là đòi hỏi liên tục với các ngân hàng.

Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần, theo tính toán của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, đâu đó còn 1/3 ngân hàng chịu áp lực tăng vốn cao, nhất là ngân hàng có nợ xấu tăng nhanh. Ngân hàng nào có nợ nhóm 5 tăng cao thì việc bổ sung vốn là vấn đề tiên quyết. Nếu không, hệ số CAR của ngân hàng đó xuống dưới chuẩn và ảnh hưởng đến an toàn hoạt động.

Đánh giá về cơ hội tăng vốn cho các ngân hàng, riêng với nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, vừa qua Bộ Tài chính, Quốc hội đã gỡ khó phần nào việc tăng vốn cho "big 4", song các ngân hàng này vẫn sẽ phải tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để có thể tăng vốn chủ sở hữu giai đoạn tới.

Các chuyên gia kỳ vọng vào hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực ngân hàng sẽ sôi động trở lại trong năm 2021, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và các ngân hàng hoàn tất quá trình tái cơ cấu sẽ giúp ngân hàng đạt mục tiêu tăng vốn.

"Thực tế, nhiều nhà đầu tư đến từ khu vực châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore... đang rất quan tâm đến lĩnh vực tài chính - ngân hàng Việt Nam. Vì vậy, việc gọi vốn ngoại đối với các ngân hàng Việt cũng được dự báo khả quan, nhất là sau thương vụ bán 15% cổ phần của Ngân hàng OCB cho đối tác Nhật là Ngân hàng Aozora, đưa mức vốn điều lệ hiện hữu tăng từ 7.898 tỷ đồng lên 8.767 tỷ đồng", ông Hiếu nói.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng, muốn tăng được vốn như kỳ vọng, các ngân hàng nên khai thác tiềm năng từ các nhà đầu tư trong nước. Và để thu hút được nguồn vốn nội tốt hơn thì vai trò của những đơn vị định hạng tín nhiệm cần phát huy hơn nữa. Trên cơ sở thông tin đầy đủ, chính xác, các nhà đầu tư có thể đánh giá phân tích, đầu tư vốn vào mạnh mẽ hơn.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/ngan-hang-nang-room-ngoai-de-tang-von-1074823.html