Ngân hàng nào người dân giảm gửi tiền trong 6 tháng đầu năm?

Mặt bằng lãi suất huy động thấp là một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng tiền gửi giảm tốc trong bối cảnh cầu tín dụng bắt đầu phục hồi.

Theo Tổng cục thống kê, tính đến 24/6, huy động vốn của các tổ chức tín dụng chỉ tăng 1,5% so với cuối năm 2023, ước đạt 13,6 triệu tỷ đồng và riêng Q1/2024, tăng trưởng tiền gửi tiết kiệm chỉ đạt 0,75%.

Mức tăng này chỉ bằng gần 1/4 so với tăng trưởng tín dụng và chậm hơn mức tăng trưởng huy động 3,68% của cùng kỳ năm ngoái.

Mặt bằng lãi suất huy động thấp là một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng tiền gửi giảm tốc trong bối cảnh cầu tín dụng bắt đầu phục hồi.

Điều này cũng dễ thấy khi các ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý 2/2024 với nhiều nhà băng ghi nhận tiền gửi khách hàng tăng trưởng âm.

Đầu tiên phải kể đến chính là “ông lớn” Big4 Vietcombank khi tiền gửi khách hàng giảm 2% so với đầu năm, còn hơn 1,37 triệu tỷ đồng.

Tuy nhiên, ABBank lại là ngân hàng có lượng tiền gửi khách hàng giảm mạnh nhất lên tới 15% về mức 85.515 tỷ đồng. PVcomBank cũng ghi nhận tiền gửi khách hàng tăng trưởng âm 1,44% so đầu năm, xuống mức 175.583 tỷ đồng...

Ngược lại, NCB là một trong những ngân hàng có lượng tiền gửi khách hàng tăng mạnh lên hai chữ số với 11% khi đạt 85.413 tỷ đồng. BaoViet Bank tiền gửi khách hàng tăng 8% lên 56.880 tỷ đồng.

Techcombank, ACB và BIDV cùng có mức tăng trưởng huy động 6% khi lần lượt đạt 481.9 nghìn tỷ đồng, 551,69 nghìn tỷ và 1,8 triệu tỷ đồng.

Hai ông lớn trong nhóm Big4 là VietinBank ghi nhận tiền gửi khách hàng tăng 4% so với đầu năm lên gần 1,47 triệu tỷ đồng, còn Agribank chỉ tăng nhẹ 1% lên hơn 1,83 triệu tỷ đồng...

Trong khi đó, theo Chứng khoán Agribank (Agriseco), tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trên tổng tiền gửi (CASA) đang phục hồi sau khi tạo đáy vào đầu năm 2023.

Sau khi giảm mạnh vào nửa cuối năm 2022 khi thanh khoản hệ thống gặp áp lực từ các vụ việc liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức lớn, tỷ lệ CASA toàn ngành đã dần hồi phục.

Số dư tiền gửi không kỳ hạn đã tăng trưởng 25% trong năm 2023 và tiếp tục tăng 32% trong 2 quý đầu năm 2024, tỷ lệ CASA thời điểm cuối quý 2/2024 đạt 19,4%. Dòng tiền có xu hướng tìm kiếm các cơ hội đầu tư (chứng khoán, vàng, bất động sản, ...) nên tạm gửi tại ngân hàng hưởng lãi suất không kỳ hạn thay vì gửi kỳ hạn dài như trước.

Tỷ lệ CASA cao giúp các ngân hàng cải thiện chi phí vốn để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay hỗ trợ nền kinh tế. Hiện nay MBB và Techcombank vẫn đang là 2 ngân hàng dẫn đầu về tỷ lệ CASA toàn ngành.

Agriseco dự báo mức tăng trưởng tiền gửi khó đạt như năm 2023. Từ kết quả nửa đầu năm và mặt bằng lãi suất hiện tại, Agriseco đánh giá tăng trưởng tiền gửi năm nay sẽ thấp hơn mức tăng 14% của năm 2023.

Mặc dù mặt bằng lãi suất huy động có thể được điều chỉnh tăng để đáp ứng cầu tín dụng nhưng vẫn chưa quá hấp dẫn so với các kênh đầu tư khác. Mặt bằng lãi suất điều hành cũng đang được NHNN định hướng tiếp tục giữ nguyên để hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế.

Minh An

Nguồn Vietnamdaily: https://vietnamdaily.kienthuc.net.vn/tai-chinh-ngan-hang/ngan-hang-nao-nguoi-dan-giam-gui-tien-trong-6-thang-dau-nam-219084.html