Ngân hàng ngoại 'hụt hơi' trên đường đua tăng trưởng
Trong khi các ngân hàng nội địa liên tục tăng trưởng mạnh cả về quy mô tín dụng lẫn lợi nhuận, nhóm ngân hàng nước ngoài lại cho thấy một bức tranh tương phản.
Phần lớn ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam ghi nhận kết quả kinh doanh đi xuống trong năm 2024, bất chấp tăng trưởng tín dụng vẫn được duy trì trong xu thế chung của ngành.
Theo báo cáo tài chính năm 2024, hầu hết các ngân hàng ngoại đều chứng kiến lợi nhuận suy giảm so với năm trước. Trong số đó, chỉ duy nhất Shinhan Bank Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng dương, dù đà tăng khá khiêm tốn.
Cụ thể, Shinhan Bank Việt Nam báo lãi trước thuế hơn 5.770 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với năm 2023. Dư nợ cho vay tăng gần 20%, lên gần 127.000 tỷ đồng, song thu nhập lãi thuần chỉ nhích nhẹ 3%.
Các nguồn thu khác như dịch vụ hay kinh doanh ngoại hối đều sụt giảm so với cùng kỳ. Với tổng tài sản gần 195.000 tỷ đồng, ngân hàng Hàn Quốc này đang đạt hiệu suất sinh lời cao hơn một số nhà băng nội có quy mô lớn hơn như SeABank, Eximbank hay OCB.
Trái lại, nhóm ngân hàng còn lại bao gồm HSBC, Woori Bank, Public Bank, Hong Leong và CIMB Việt Nam đều ghi nhận kết quả kinh doanh kém tích cực. Dù dư nợ cho vay vẫn tăng trưởng, lợi nhuận của các nhà băng này lại đi lùi đáng kể.
Tại HSBC Việt Nam, dư nợ cho vay tăng gần 5% trong năm qua nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 4.450 tỷ đồng, giảm gần 32% so với năm trước. Thu nhập cốt lõi từ hoạt động tín dụng giảm hơn 20%, từ 7.965 tỷ xuống còn 6.240 tỷ đồng.
Đáng chú ý, HSBC Việt Nam cũng thu hẹp quy mô hoạt động khi tổng tài sản giảm mạnh 17%, từ hơn 164.000 tỷ còn 136.400 tỷ đồng. Khoản tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác giảm mạnh từ hơn 73.300 tỷ xuống gần 42.000 tỷ đồng. Ở phần nguồn vốn, tiền gửi khách hàng cũng giảm 16%, còn hơn 114.000 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2024, nợ xấu của HSBC tăng mạnh 33%, đạt 514 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu vẫn được duy trì ở mức thấp, 0,74%.
Tương tự HSBC, các ngân hàng còn lại như Woori, Public Bank, Hong Leong và CIMB Việt Nam cũng ghi nhận kết quả kinh doanh không mấy khả quan.
Mặc dù thu nhập từ hoạt động tín dụng tăng nhờ mở rộng thị phần, nhưng tốc độ tăng chi phí lãi phải trả cao hơn khiến thu nhập lãi thuần giảm. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm lợi nhuận so với năm 2023.
Theo báo cáo, Woori Bank giảm lợi nhuận hơn 8%, còn 1.379 tỷ đồng. Public Bank và Hong Leong đều ghi nhận mức giảm sâu khoảng một nửa, lần lượt báo lãi 319 tỷ và 73 tỷ đồng. Trong khi đó, CIMB Việt Nam lỗ gần 187 tỷ đồng trong năm 2024, mức lỗ cao gấp đôi so với năm trước.
Trái chiều bức tranh tăng trưởng
Trong khi các ngân hàng nội địa liên tục ghi nhận mức tăng trưởng mạnh cả về quy mô tín dụng lẫn lợi nhuận, nhóm ngân hàng nước ngoài lại cho thấy một bức tranh tương phản trong năm 2024.
Thời gian qua, theo chia sẻ của các cán bộ tín dụng tại các ngân hàng ngoại như HSBC hay Shinhan Bank, nhóm này đã đẩy mạnh tập trung mạnh vào phân khúc bán lẻ với các sản phẩm như cho vay tiêu dùng, mở thẻ tín dụng, …
Không chỉ giữ vai trò là động lực tăng trưởng trung hạn, mảng bán lẻ ngày càng trở thành một trong các trụ cột chiến lược dài hạn của toàn ngành ngân hàng. Tuy nhiên trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều thách thức, sự hồi phục của mảng thị trường này chưa đạt kỳ vọng, từ đó ảnh hưởng đáng kể đến kết quả kinh doanh của khối ngân hàng nước ngoài.
Cùng lúc, các ngân hàng nội địa đang thể hiện sự cạnh tranh quyết liệt trong cùng phân khúc. Nội dung các đại hội cổ đông thường niên năm 2024 của nhiều ngân hàng trong nước đã thể hiện rõ định hướng này với sự tập trung mạnh mẽ mảng tín dụng bán lẻ.
Nhiều nhà băng nội như HDBank, VPBank hay VIB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 20% đến 30%, trong đó ưu tiên phát triển các sản phẩm tiêu dùng và mở rộng mạng lưới tín dụng bán lẻ.
Bên cạnh sự cạnh tranh đến từ các ngân hàng nội, thị trường dịch vụ tài chính tiêu dùng còn chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của các công ty tài chính và fintech.
Điều này khiến cuộc cạnh tranh không chỉ dừng lại ở quy mô vốn, mà còn phụ thuộc vào chiều sâu chiến lược, khả năng ứng dụng công nghệ và việc xây dựng hệ sinh thái để duy trì và mở rộng tệp khách hàng.
Ngoài ra, trong bối cảnh mảng cho vay bán lẻ tiếp tục đối mặt nhiều thách thức, tỷ trọng cho vay khối doanh nghiệp đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt là doanh nghiệp FDI – nhóm khách hàng truyền thống của các ngân hàng nước ngoài.
Tuy nhiên, các ngân hàng này có thể sẽ gặp trở ngại lớn trong thời gian tới khi phải đối mặt với biến động từ các chính sách thương mại và thuế quan toàn cầu.