Ngân hàng Nhà nước có đủ nguồn lực và quyết tâm bình ổn thị trường vàng
Trước thông tin thất thiệt đang lan truyền về việc Ngân hàng Nhà nước thiếu vàng để bán, nhà điều hành đã chính thức lên tiếng.
Công bố của Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, nhà điều hành có đủ nguồn lực và quyết tâm để bình ổn thị trường, kiểm soát mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ở mức phù hợp.
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, thực hiện chủ trương thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế, Ngân hàng Nhà nước đang triển khai đồng bộ các giải pháp bình ổn thị trường và đã đạt được những kết quả bước đầu.
Trước thông tin thất thiệt về việc Ngân hàng Nhà nước thiếu vàng để bán; tại nhiều điểm bán vàng, có đối tượng thuê người xếp hàng mua gom vàng với mục tiêu đẩy giá, hưởng chênh lệch, gây bất ổn thị trường và thiệt hại cho nền kinh tế…, Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với cơ quan công an để xác minh và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, thao túng thị trường.
Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh: “Đồng thời với việc duy trì cung ứng vàng miếng SJC để đáp ứng các nhu cầu chính đáng và hợp pháp của người dân, cơ quan quản lý cũng sẽ chủ động triển khai các giải pháp để đấu tranh mạnh mẽ với hiện tượng đầu cơ, gom hàng”.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc thanh tra để làm rõ các sai phạm nếu có của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh vàng cũng đang được khẩn trương, quyết liệt triển khai, đặc biệt là ở 2 địa bàn TP. Hà Nội và TP.HCM.
“Có đủ nguồn lực và quyết tâm để bình ổn thị trường, kiểm soát mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ở mức phù hợp. Người dân cần đề cao cảnh giác, tránh bị tác động, lợi dụng bởi các đối tượng có dụng ý xấu”, Ngân hàng Nhà nước khẳng định.
Ghi nhận của Đầu tư Chứng khoán cho thấy, trong 5 ngày các ngân hàng thương mại nhà nước triển khai bán vàng miếng SJC, những khách hàng mua vàng miếng SJC với giá trị từ 400 triệu đồng trở lên (tương đương 5 lượng vàng) phải khai báo nguồn tiền hoặc nguồn tài sản trong giao dịch vàng này đến từ đâu.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại nhà nước cho biết, tại các điểm bán vàng miếng của ngân hàng này, cán bộ ngân hàng không thể phát hiện ngay các giao dịch đáng ngờ để ngăn chặn. Tuy nhiên, ngân hàng đều tổng hợp các dữ liệu từ số căn cước công dân, các giấy tờ tùy thân… của người mua và gửi đến Cục Phòng, chống rửa tiền của Ngân hàng Nhà nước.
Để đảm bảo quyền lợi công bằng với mọi khách hàng đến giao dịch, một số ngân hàng chỉ bán cho mỗi khách hàng tối đa 4-5 lượng vàng. Từ tuần sau, các ngân hàng thương mại nhà nước sẽ mở rộng thêm điểm cung ứng vàng để giãn bớt người tập trung quá đông tại các điểm như hiện nay.
Quy định pháp luật hiện hành về phòng chống rửa tiền.
I. Khoản 1, 2 Điều 25 Luật Phòng chống rửa tiền 2022 quy định:
1. Đối tượng báo cáo có trách nhiệm báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi thực hiện các giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo.
2. Thủ tướng Chính phủ quyết định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.
II. Điều 3 Quyết định 11/2023/QĐ-TTg quy định: “Mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là từ 400.000.000 đồng (bốn trăm triệu đồng) trở lên.”
III. Điều 9 Thông tư 09/2023/TT-NHNN quy định về "Chế độ báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử".