Ngân hàng Nhà nước phải rà soát, đánh giá một số văn bản đã ban hành

Ngân hàng Nhà nước sẽ phải thực hiện rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các văn bản gồm Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, Thông tư số 03/2023/TT-NHNN, Thông tư số 06/2023/TT-NHNN và các thông tư, văn bản quy định có liên quan.

Thông tư 02 là văn bản quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn trả nợ vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng.

Thông tư 03 là văn bản ngưng hiệu lực một phần nội dung của Thông tư 16/2021/TT-NHNN về ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp. Thông tư 06 là văn bản quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước phải rà soát, đánh giá một số văn bản ngành ngân hàng. Ảnh: T.L

Ngân hàng Nhà nước phải rà soát, đánh giá một số văn bản ngành ngân hàng. Ảnh: T.L

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng triển khai chính sách cơ cấu nợ Rà soát quy định về hạn chế cán bộ ngân hàng quản lý điều hành doanh nghiệp

Các nội dung trên nằm trong Công điện số 990/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2023.

Việc rà soát, đánh giá các văn bản trên để chủ động, kịp thời xem xét, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy định, nhất là các cơ chế, chính sách hết hiệu lực trong năm 2023, nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc phát sinh.

Việc này cũng nhằm bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế, ổn định thị trường tiền tệ, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng theo đúng quyết nghị của Chính phủ, chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ.

Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, hiệu quả, phấn đấu đạt mục tiêu cao nhất có thể đã đề ra, nâng cao chất lượng tín dụng, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế (nhất là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu).

Đồng thời, ngành Ngân hàng cũng cần kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Có chính sách khuyến khích tín dụng vào các dự án khả thi, các doanh nghiệp phục vụ cho các động lực tăng trưởng.

Tiếp tục triển khai hiệu quả các gói tín dụng ưu đãi

Công điện của Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước rà soát kỹ, nghiên cứu thủ tục cho vay thông thoáng và giảm lãi suất cho vay, triển khai quyết liệt, hiệu quả chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản; trong đó phát huy vai trò chủ lực của các ngân hàng thương mại nhà nước và sự tham gia tích cực, sáng tạo của các ngân hàng thương mại cổ phần.

Chí Tín

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ngan-hang-nha-nuoc-phai-ra-soat-danh-gia-mot-so-van-ban-da-ban-hanh-138075.html