Lý do ngân hàng ồ ạt tăng lãi suất tiết kiệm trước Tết
Đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã chi trả tiền thưởng Tết cho nhân viên. Nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất và đưa ra các gói tiết kiệm để hút dòng tiền nhàn rỗi của người dân.
Lãi suất tăng và thêm nhiều quà tặng
Anh Nguyễn Dũng (Long Biên, Hà Nội) cho biết vừa nhận được thưởng Tết 150 triệu đồng cộng thêm tiền để dành các đợt thưởng quý trong năm được tổng 300 triệu đồng. Gia đình anh Dũng năm nay đã sắp xếp mức chi cho Tết và quyết định dành số tiền trên để gửi tiết kiệm.
"Gần Tết, các ngân hàng thường có lãi suất ưu đãi và có quà tặng nên tôi chọn có mức ưu đãi nhất để gửi", anh Dũng nói.
Theo khảo sát của PV Tiền Phong, những ngày cận Tết, một số ngân hàng vẫn tiếp tục tăng lãi suất. Hiện, mức lãi suất trên 6%/năm đang được nhiều ngân hàng niêm yết cho các kỳ hạn tiền gửi dài nhưng không yêu cầu về số tiền gửi tối thiểu.
Eximbank áp dụng mức lãi suất 6,5-6,8%/năm đối với các kỳ hạn dài từ 15-34 tháng; BVBank áp dụng lãi suất 6% với kỳ hạn 12 tháng, 6,2% với kỳ hạn 15 tháng và 6,3% với kỳ hạn 18-24 tháng; KienLong Bank áp dụng mức lãi suất 6,1% cho kỳ hạn 12-24 tháng, 6,3% đối với kỳ hạn 36 tháng và mức 6,4% cho kỳ hạn 60 tháng.
Một số ngân hàng niêm yết ở mức cao, lên đến 7-9,5%, nhưng để được nhận mức lãi suất này cần đáp ứng những điều kiện đặc biệt.
PVcomBank hiện đang dẫn đầu về lãi suất đặc biệt khi khách hàng gửi tiền tại quầy, với mức lãi suất 9,5% cho kỳ hạn 12-13 tháng. Tuy nhiên, điều kiện để được trả mức lãi suất này là khách hàng phải có số dư tiền gửi tối thiểu 2.000 tỷ đồng.
Tiếp theo là HDBank với lãi suất đặc biệt khá cao, lên đến 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7,7% cho kỳ hạn 12 tháng, điều kiện duy trì số dư tối thiểu 500 tỷ đồng. Ngân hàng này cũng áp dụng mức lãi suất 6% đối với kỳ hạn 18 tháng.
MSB áp dụng lãi suất tiền gửi tại quầy lên tới 8%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7% cho kỳ hạn 12 tháng. Điều kiện áp dụng là sổ tiết kiệm mở mới hoặc sổ tiết kiệm mở từ ngày 1/1/2018 tự động gia hạn có kỳ hạn gửi 12 tháng, 13 tháng và số tiền gửi từ 500 tỷ đồng.
Dong A Bank áp dụng mức lãi suất 7,5%/năm với kỳ hạn 13 tháng trở lên, lãi cuối kỳ với khoản tiền gửi 200 tỷ đồng trở lên .
Cá biệt, Ngân hàng Woori Bank Việt Nam mới tung ra gói lãi suất ưu đãi tiền gửi tích lũy Won Goal lên đến 11%/năm. Đây là mức lãi suất hấp dẫn đối với nhóm các ngân hàng ngoại và ngân hàng nội địa.
Để nhận mức lãi suất trên, khách hàng phải gửi tiền tích lũy kỳ hạn 12 tháng, tối đa không quá 2 triệu đồng/tháng/khách hàng và đáp ứng một số điều kiện. Đây là sản phẩm tiền gửi tích lũy định kỳ thông qua việc cài đặt số tiền gửi mục tiêu ban đầu mở tài khoản.
Năm 2025, dự báo lãi suất huy động 12 tháng các ngân hàng lớn sẽ ở quanh mức 5 - 5,2%
Trong báo cáo vĩ mô mới công bố, Chứng khoán MB (MBS) cho biết, sau khoảng 2 tháng chững lại, lãi suất huy động đã bắt đầu tăng trở lại kể từ tháng 11 nhằm đảm bảo thanh khoản phục vụ cho nhu cầu tín dụng thường có xu hướng tăng về những tháng cuối năm.
Theo MBS, lãi suất đầu vào tiếp tục duy trì xu hướng tăng trong tháng 12 với 12 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm với mức tăng từ 0,1% - 0,3%/năm. Xu hướng tăng này được hỗ trợ bởi mức tăng trưởng tín dụng ấn tượng.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 12 đã tăng 15,08% so với cuối năm 2023 - vượt mục tiêu Ngân hàng Nhà nước đặt ra là 15%.
Bên cạnh đó, nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống đến cuối tháng 9 năm nay đã tăng 4,55% so với cuối năm 2023, gần bằng mức cuối năm 2023 và tăng gấp đôi so với mức 2% của năm 2022. Do đó, điều này là một yếu tố góp phần thúc đẩy các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi nhằm thu hút vốn mới, qua đó giúp đảm bảo thanh khoản.
Theo số liệu cập nhật đến cuối tháng 12 của MBS, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng trung bình của nhóm ngân hàng thương mại đạt mức 5,1% (cao hơn 0,2 điểm % so với đầu năm). Trong khi đó, lãi suất của các ngân hàng thương mại nhà nước vẫn giữ nguyên ở mức 4,7%, thấp hơn 0,26 điểm % so với đầu năm.
MBS cho rằng, dư địa cho chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ bị hạn chế hơn so với dự kiến dưới áp lực của đồng USD mạnh lên và rủi ro về việc Mỹ tiếp tục thực hiện các cuộc điều tra về thao túng tiền tệ. Trong kịch bản đó, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ cần áp dụng một lập trường chính sách tiền tệ thận trọng hơn để kiểm soát sự ổn định của tỷ giá, đồng nghĩa với việc dư địa cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ có thể bị hạn chế.
Do đó, nhóm phân tích không kỳ vọng sẽ có bất kỳ đợt cắt giảm lãi suất chính sách nào trong năm 2025. Cùng với đó, sự phục hồi của hoạt động sản xuất và việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2025 được kỳ vọng sẽ là yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, qua đó sẽ gia tăng áp lực lên lãi suất đầu vào. Tuy vậy, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra chỉ đạo về việc ổn định lãi suất huy động và tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay.
"Dựa vào các yếu tố trên, chúng tôi dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các Ngân hàng thương mại lớn sẽ dao động quanh mức 5-5,2% trong năm 2025", MBS cho hay.