Ngân hàng Sacombank (STB): Thời điểm 'sạch trái phiếu VAMC' cận kề, kỳ vọng tái định giá cổ phiếu

Ngân hàng Sacombank (mã cổ phiếu STB) được kỳ vọng sẽ hoàn tất việc trích lập 100% trái phiếu VAMC muộn nhất trong quý 3/2024. Đồng thời, cổ phiếu STB đang có tiềm năng được 'tái định giá' lớn.

Thời điểm “sạch trái phiếu VAMC” cận kề

Việc xử lý xong toàn bộ nợ trái phiếu VAMC sẽ tạo dư địa lớn cho việc thúc đẩy lợi nhuận của Ngân hàng Sacombank.

Việc xử lý xong toàn bộ nợ trái phiếu VAMC sẽ tạo dư địa lớn cho việc thúc đẩy lợi nhuận của Ngân hàng Sacombank.

Theo cập nhật mới đây của Chứng khoán DSC, tính đến hết quý 2/2024, ước tính Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Ngân hàng Sacombank, mã cổ phiếu STB - sàn HoSE) còn khoảng 623 tỷ đồng trái phiếu VAMC chưa được trích lập và ngân hàng này vẫn đang tập trung trích lập cho các khoản nợ xấu nội bảng trong nửa đầu năm.

Vừa qua, Ngân hàng Sacombank đã đạt được bước ngoặt quan trọng trong việc xử lý nợ xấu khi bán đấu giá thành công Khu công nghiệp Phong Phú, tài sản thế chấp cho khoản nợ xấu trị giá 7.900 tỷ đồng, có nguồn gốc từ việc sáp nhập Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) hồi năm 2015.

Khoản nợ xấu này đã được Ngân hàng Sacombank trích lập đầy đủ và sau khi thu được tiền từ việc bán Khu công nghiệp Phong Phú (huyện Bình Chánh, TP.Hồ Chí Minh), ngân hàng sẽ được hoàn nhập dự phòng hoặc ghi nhận lợi nhuận khác từ đó làm tăng trực tiếp lợi nhuận.

Ngân hàng Sacombank hiện đã thu hồi được 20% tổng giá trị bán đầu giá thành công. Bên đấu giá sẽ thanh toán theo tiến độ hoàn thành hồ sơ pháp lý dự án, dự kiến 40% tổng số tiền sẽ được thanh toán tiếp trong năm 2024 và 40% còn lại sẽ thanh nốt trong năm 2025.

Tiến độ trích lập trái phiếu VAMC của Ngân hàng Sacombank qua các năm. (Nguồn: Ngân hàng Sacombank, Chứng khoán DSC)

Tiến độ trích lập trái phiếu VAMC của Ngân hàng Sacombank qua các năm. (Nguồn: Ngân hàng Sacombank, Chứng khoán DSC)

Dựa trên mức giá đấu thầu của Khu công nghiệp Phong Phú thời điểm gần nhất, Chứng khoán DSC ước tính Ngân hàng Sacombank có thể thu về khoảng 4.760 tỷ đồng từ việc xử lý xong khoản nợ xấu trên.

Chi phí trích lập cho trái phiếu VAMC chiếm phần lớn chi phí trích lập hàng năm của Ngân hàng Sacombank. Mặc dù áp lực trích lập cho trái phiếu đặc biệt này đã hạ nhiệt rất nhiều kể từ sau năm 2022, ngân hàng vẫn chưa thể trích lập dứt điểm hết các khoản trái phiếu này do diễn biến nợ xấu trở nên căng thẳng khi môi trường kinh doanh đối mặt nhiều thách thức trong năm 2023.

Cơ cấu chi phí trích lập dự phòng của Ngân hàng Sacombank qua các năm. (Nguồn: Ngân hàng Sacombank, Chứng khoán DSC)

Cơ cấu chi phí trích lập dự phòng của Ngân hàng Sacombank qua các năm. (Nguồn: Ngân hàng Sacombank, Chứng khoán DSC)

Bản chất khẩu vị rủi ro của Ngân hàng Sacombank tương đối thấp, một phần vì đang trong quá trình tái cấu trúc, với tỷ trọng cho vay các lĩnh vực rủi ro như kinh doanh bất động sản hạn chế (chỉ hơn 1%) và không phân bổ tài sản vào đầu tư chứng khoán kinh doanh.

Tệp khách hàng của Ngân hàng Sacombank tập trung vào nhóm cá nhân và doanh nghiệp SME, lần lượt chiếm khoảng 55% và 22% dư nợ tín dụng cũng giúp ngân hàng phân tán rủi ro tốt hơn.

Nhờ đó mà tỷ lệ trích lập dự phòng của ngân hàng này nếu không tính các khoản trái phiếu VAMC thuộc nhóm thấp nhất trong ngành. Do đó, việc giải quyết dứt điểm khoản nợ trái phiếu VAMC sẽ giúp chi phí trích lập của Ngân hàng Sacombank giảm đáng kể, trực tiếp hỗ trợ cho tăng trưởng lợi nhuận cũng như mở ra dư địa để ngân hàng xử lý các khoản nợ nội bảng.

Với tiến độ xử lý hiện nay, Chứng khoán DSC dự báo Ngân hàng Sacombank sẽ hoàn tất việc trích lập 100% trái phiếu VAMC muộn nhất trong quý 3/2024.

Động lực dài hạn đến từ thương vụ đấu giá 32,5% vốn cổ phần

Đối với việc hoàn tất Đề án tái cơ cấu vốn được triển khai từ năm 2016 đến nay, Ngân hàng Sacombank hiện chỉ còn vướng mắc duy nhất về việc xử lý khoản nợ xấu được đảm bảo bằng bằng 32,5% vốn cổ phần của nhóm ông Trầm Bê đang được VAMC nắm giữ.

Lượng cổ phần này của ông Trầm Bê tại Ngân hàng Sacombank được thế chấp tại VAMC để vay 10.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi, nhằm giúp ngân hàng giải quyết khủng hoảng thanh khoản tại thời điểm sát nhập Southern Bank vào năm 2015.

Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu STB của Ngân hàng Sacombank từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu STB của Ngân hàng Sacombank từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Ngân hàng Sacombank đã trình phương án lên Ngân hàng Nhà nước để được chủ động xử lý khoản nợ trên theo hình thức đấu giá từ năm 2023. Các khoản nợ này cũng đã được Ngân hàng Sacombank trích lập đầy đủ, vì vậy việc đấu giá thành công sẽ giúp ngân hàng ghi nhận một khoản lợi nhuận đột biến từ hoàn nhập dự phòng. Từ đó sẽ trực tiếp tác động tích cực đến hệ số an toàn vốn của ngân hàng.

Hiện tỷ lệ an toàn vốn của Ngân hàng Sacombank tương đối khiêm tốn so với xu hướng chung và các ngân hàng cùng quy mô. Tính đến hết tháng 6/2024, tỷ lệ CAR của ngân hàng này là 8,42%, đạt yêu cầu tối thiểu 8% của Ngân hàng Nhà nước nhưng thấp hơn nhiều so với các ngân hàng khác.

Vì vậy việc hệ số vốn dày hơn cùng với bảng cân đối kế toán "khỏe mạnh" hơn sau giai đoạn tái cấu trúc sẽ là động lực giúp Ngân hàng Sacombank được cấp hạn mức (room) tín dụng cao hơn, tạo dư địa cho tăng trưởng thu nhập lãi thuần.

Bên cạnh đó, vốn hóa của Ngân hàng Sacombank mới chỉ bằng một nửa, thậm chí là một phần ba so với các ngân hàng cùng quy mô như Ngân hàng ACB và Ngân hàng Techcombank. Do đó, việc bán vốn thành công cũng sẽ trực tiếp giúp giá cổ phiếu STB được "tái định giá", theo Chứng khoán DSC.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/ngan-hang-sacombank--stb-thoi-diem--sach-trai-phieu-vamc--can-ke--ky-vong-tai-dinh-gia-co-phieu-126990.htm