Ngân hàng tăng tốc phát hành trái phiếu để tăng huy động vốn
Mặc dù tăng trưởng tiền gửi mạnh và lãi suất trên thị trường ngân hàng vay mượn lẫn nhau rất thấp, có tình trạng 'thừa tiền', các ngân hàng vẫn tăng tốc tăng vốn trung và dài hạn qua trái phiếu.
Trong quý III/2023, các ngân hàng đã tăng huy động vốn qua kênh trái phiếu mạnh mẽ nhất phải kể đến là Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) phát hành 15.000 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) phát hành 9.200 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương (TCB) phát hành 6.000 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LPBank) phát hành 4.200 tỷ đồng... Tất cả các đợt phát hành của các ngân hàng này đều là loại trái phiếu riêng lẻ.
Thống kê của VNDirect ghi nhận các đợt phát hành lớn của nhóm ngân hàng trong quý III/2023 có kỳ hạn phổ biến là 2-3 năm, với lãi suất từ 6,4% - 7,5%. Đây là mức lãi suất thấp hơn so với trái phiếu riêng lẻ mà nhiều ngân hàng đã phát hành trước đây, và đã được các ngân hàng mua lại. Do đó, VNDirect cho rằng với quy định trong Thông tư 08/2020/TT-NHNN của NHNN về tỷ lệ tối đa vốn huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng phải giảm về mức 30% từ mức 34% có hiệu lực từ ngày 01/10/23 là một trong những nguyên nhân chính khiến cho hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của nhóm ngân hàng diễn ra tích cực trong quý III2023 vừa qua (các ngân hàng phát hành TPDN để tăng phần vốn huy động trung và dài hạn).
Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng hoạt động phát hành sẽ giúp các ngân hàng tái cơ cấu nguồn vốn huy động theo hướng vốn trung và dài hạn cũng sẽ có giá rẻ hơn, so với giá huy động của trái phiếu riêng lẻ đã phát hành trước đây, cũng như so với lãi suất tiết kiệm trên 12 tháng, 24 và 36 tháng mà một số nhà băng đã huy động và nay vẫn chưa rơi vào kỳ đáo hạn để trung hòa với mặt bằng lãi suất mới.
Tổng giá trị trái phiếu riêng lẻ của nhóm ngân hàng phát hành trong quý III/2023 đạt khoảng 47.224 tỷ đồng, chiếm 53,2% tổng giá trị phát hành trong quý III/ 2023, theo thống kê của VNDirect. Con số này có sự "xê xích" nhưng không đáng kể so với thống kê của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VMBA), với dữ liệu ngân hàng là nhóm ngành chiếm phần lớn giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong quý với 48.343 tỷ đồng, tương đương 52,1%. VMBA cũng ghi nhận theo sau ngân hàng là nhóm Bất động sản, phát hành 29.847 tỷ đồng, chiếm 32,1%. Thị trường Bất động sản vẫn đang gặp khó khăn trước bối cảnh tăng trưởng kinh tế còn yếu và niềm tin nhà đầu tư chưa hồi phục.
Cập nhật trong 20 ngày đầu tháng 10 của quý IV/2023, ngân hàng và bất động sản tiếp tục là những nhóm ngành ghi nhận có các đợt phát hành trái phiếu mới.
Cụ thể, theo dữ liệu VBMA tổng hợp từ HNX và SSC, tính đến ngày công bố thông tin 20/10/2023, đã có 10 đợt phát hành riêng lẻ trong tháng 10 với tổng giá trị 8.426 tỷ đồng. Các đợt phát hành này có lãi suất trung bình 9,3%/năm, kỳ hạn trung bình 4 năm. Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành TPDN được ghi nhận là 192.623 tỷ đồng, với 22 đợt phát hành ra công chúng trị giá 20.424 tỷ đồng (chiếm 10,6% tổng giá trị phát hành) và 162 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 172.199 tỷ đồng (chiếm 89,4% tổng số).
Những tên tuổi của các đợt phát hành trái phiếu đáng chú ý trong 20 ngày qua có Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) phát hành tiếp 500 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, kỳ hạn 3 năm, lãi suất 6,3%: Ngân hàng TMCP An Bình (ABB) phát hành 1.000 tỷ đồng cũng trái phiếu riêng lẻ, kỳ hạn 2 năm, lãi suất 6,4%; Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) với 2 đợt phát hành lần lượt 50 tỷ đồng và 500 tỷ đồng, kỳ hạn 7 năm, lãi suất bằng lãi suất tiết kiệm VND 12 tháng của nhóm Big 4 +1,5%/năm, với đợt phát hành huy động lớn còn có điều kiện nếu TCPH không mua lại vào ngày thực hiện mua lại, lãi suất bằng lãi suất TC + 2,5%/ năm ; Ngân hàng TMCP Bắc Á với đợt phát trái phiếu 100 tỷ đồng, kỳ hạn 7 năm, lãi suất bằng lãi suất tiết kiệm VND 12 tháng của nhóm Big 4 + 2,8% và nếu TCPH không mua lại vào ngày thực hiện mua lại, lãi suất bằng lãi suất TC + 3,8%/ năm.
Có thể thấy một điểm khá thú vị là thay cho việc ấn định lãi suất trái phiếu theo kỳ hạn hoặc thả nổi theo thời gian, các đợt phát hành gần đây của ngân hàng (và có cả đơn vị khác), đã nêu rõ biên độ lãi suất cộng thêm nếu TCPH không mua lại trái phiếu vào ngày thực hiện mua lại. Theo đó, trái chủ và TCPH đều có thể "lượng hóa" trước được giá vốn - lãi suất mà mình được hưởng - phải trả, trong trường hợp TCPH không mua lại trái phiếu và trái chủ tiếp tục nắm giữ.
Ngoài ra, có một số đợt phát hành thuộc về VJ, Vinhomes, hay Công ty TNHH Quản lý Đầu tư Thiên An với đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ lần đầu với tổng giá trị phát hành hơn 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn tối đa 5 năm, lãi suất 9,7%/năm.
Các đợt phát hành của quý đáng chú ý gồm: Công ty Cổ phần Vinhomes với phương án phát hành riêng lẻ, được chia thành 3 đợt với tổng giá trị phát hành là 5.000 tỷ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có TSĐB, mệnh giá là 100 triệu VND/trái phiếu, kỳ hạn tối đa 24 tháng kể từ ngày phát hành, lãi suất cố định, thả nổi hoặc kết hợp, tùy theo điều kiện thị trường.
Theo công bố của Vinhomes, 3 đợt phát hành này đã hoàn tất. Các lô trái phiếu này đều có lãi suất 12%/năm, trong đó hai lô có kỳ hạn 24 tháng và một lô có kỳ hạn 18 tháng.
Ngoài ra, ghi nhận trên thị trường trong tuần qua, thông tin thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư và có tác động mạnh là Tập đoàn Vingroup chào bán tối đa 300 triệu USD trái phiếu chuyển đổi, đáo hạn vào năm 2028. Lãi suất trái phiếu trong khoảng 9,5% - 10%/năm và trả lãi theo quý. Đây là loại trái phiếu có quyền chọn nhận cổ phiếu Vinhomes - công ty thành viên thuộc Vingroup, với giá thực hiện quyền chọn từ 51.635 đồng - 53.880 đồng/cổ phiếu.
Đại diện Vingroup cũng đã thông tin cho biết trái phiếu quốc tế do Vingroup phát hành, cho phép nhà đầu tư có thể hoán đổi thành cổ phần Vinhomes do Vingroup sở hữu, trị giá 250 triệu USD đã được phát hành thành công vào tối ngày 25/10. Đây là trái phiếu hoán đổi trên thị trường quốc tế đầu tiên của một doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2023.
Vị đại diện cũng chia sẻ về thông tin tác động đến cổ phiếu VHM và thị trường, cụ thể về sáng ngày 26/10, một số nhà đầu tư quốc tế có thể đã tham gia vào giao dịch Vingroup phát hành trái phiếu hoán đổi đã bán cổ phần Vinhomes để hoàn tất giao dịch đầu tư vào trái phiếu (thực hiện hedging). Do đó nhiều khả năng đây là việc bán kỹ thuật giữa các nhà đầu tư với một số lượng hạn chế, và Vinhomes không phát hành thêm cổ phần mới nên không có pha loãng.
Liên quan đến chi phí và lãi suất hiện nay, theo một chuyên gia, với kỳ hạn phát hành dài từ khoảng 5-7 năm, tổng chi phí từ lãi suất đến chi phí phát hành, chi phí liên quan, trên mặt bằng lãi suất USD hiện từ 5,5%, thì lãi suất phát hành thực tế tính theo nội tệ với trái phiếu quốc tế của doanh nghiệp Việt nói chung có thể ở khoảng 9-11%/ năm. "Đây là mức lãi suất vừa phải so với lãi suất vay vốn trung và dài hạn (5 năm) của các ngân hàng thương mại hiện nay. Nhưng lưu ý là ngay cả các NHTM khi huy động vốn quốc tế, cũng không thể kỳ vọng vốn quá rẻ, mặc dù mới đây một loạt NHTM vẫn được các nhà đánh giá xếp hạng tín nhiệm quốc tế giữ nguyên mức xếp hạng", một chuyên gia cho biết.
Các ngân hàng cũng là nhóm đã mua lại nhiều nhất trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trước hạn trong quý III bao gồm: NH TMCP Phương Đông đã mua lại 5.100 tỷ đồng, NH TMCP Á Châu đã mua lại 5.000 tỷ đồng, NH TMCP Bưu Điện Liên Việt đã mua lại 4.500 tỷ đồng, NH TMCP Phát triển thành phố Hồ Chí Minh đã mua lại 2.500 tỷ đồng, NH TMCP Kỹ Thương Việt Nam đã mua lại 2.100 tỷ đồng, NH TMCP An Bình mua lại 2.100 tỷ đồng…
Theo Diễn đàn doanh nghiệp