Ngân hàng tăng trích lập dự phòng rủi ro

Mặc dù không đến mức nghiêm trọng nhưng nỗi lo nợ xấu vẫn ám ảnh không chỉ với hệ thống ngân hàng, mà với cả nền kinh tế.

Bởi vậy, cùng với việc công bố kết quả kinh doanh khả quan năm qua, các ngân hàng cũng thông tin khá cụ thể về số liệu nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong. Ảnh: Nguyễn Quang

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong. Ảnh: Nguyễn Quang

Vẫn là bài toán khó

Theo các chuyên gia, suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động mạnh đến năng lực xuất khẩu của Việt Nam, ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp đang sản xuất - kinh doanh. Thực tế này cũng dẫn đến tình trạng tiêu dùng nội địa giảm tốc, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế, trong đó có ngành ngân hàng. Cùng với những khó khăn trong việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, nợ xấu đang là bài toán khiến nhiều ngân hàng "đau đầu"...

Đại diện một số ngân hàng thương mại thừa nhận, luôn canh cánh nỗi lo nợ xấu trong bối cảnh nền kinh tế chìm trong suy thoái, nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh hoạt động cầm chừng, thậm chí là đóng cửa, không có khả năng trả nợ.

Chẳng hạn như tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 1,2% tổng dư nợ vay vào cuối năm 2023, song, số nợ xấu đã lên tới 5.885 tỷ đồng, tăng 93% so với cuối năm 2022. Cũng vì thế, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng đột biến từ mức 70 tỷ đồng năm 2022 lên 1.804 tỷ đồng năm 2023. Hay như với Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), bộ đệm dự phòng được tăng cường bằng cách đẩy trích lập dự phòng lên 136,4% so với cùng kỳ trong quý IV-2023 (tăng 72,9% so với quý trước).

Theo báo cáo tài chính quý IV-2023 của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), mặc dù tổng thu nhập tăng trưởng mạnh mẽ song lợi nhuận ròng lại giảm tới 67,5% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, tại thời điểm cuối quý IV-2023, tỷ lệ nợ xấu của TPBank là 2,05%, giảm 0,93 điểm phần trăm so với quý trước, nhưng vẫn cao so với mức 0,84% vào cuối năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu thấp hơn so với quý trước có thể do tỷ lệ xóa nợ xấu là 3,6% trong quý IV-2023, cao hơn nhiều so với mức 2,6% trong quý III và 0,18% trong quý II. Việc tăng cường dự phòng trong quý cuối năm 2023 khiến tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) của ngân hàng này đạt 63,7% vào cuối năm 2023, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức 135% vào cuối năm 2022, cho thấy chất lượng tài sản có thể còn suy giảm trong thời gian tới.

Nhiệm vụ trọng tâm của năm 2024

Các chuyên gia của Công ty CP Chứng khoán SSI cho rằng, tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng có thể đi lên trong nửa đầu năm 2024 khi tăng trưởng tín dụng chậm lại và các yếu tố vĩ mô chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt. SSI cũng dự báo, tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2024 sẽ không có nhiều thay đổi so với năm 2023, do cuối năm, các ngân hàng sẽ đẩy mạnh xóa nợ xấu và nền kinh tế phục hồi mạnh hơn.

SSI lưu ý, các khoản nợ có vấn đề (bao gồm nợ nhóm 2, khoản vay tái cơ cấu, trái phiếu doanh nghiệp quá hạn và khoản vay cũ) vẫn cần được giám sát chặt chẽ. Bên cạnh đó, nếu dự thảo sửa đổi Thông tư số 16/2021/TT-NHNN nới lỏng việc hạn chế đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng được thông qua, không loại trừ khả năng một phần rủi ro tín dụng sẽ quay trở lại đối với các ngân hàng tích cực mua lại trái phiếu doanh nghiệp.

Nhiều chuyên gia cũng nhận định, trong khi những tồn tại của năm 2023 chưa khắc phục được, nhìn về năm 2024, yếu tố rủi ro đã hiện diện do tốc độ phục hồi của nhu cầu tín dụng chậm hơn dự kiến và chất lượng tài sản tiếp tục suy giảm. Thời điểm lợi nhuận của sự tăng trưởng có thể phải đợi đến nửa cuối năm 2024.

Nợ xấu tăng, trong khi đó, theo nhận định của PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, dư địa trích lập dự phòng của các ngân hàng sẽ không còn nhiều, khi lợi nhuận năm qua không mấy khả quan. Những ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu lớn trong năm 2023 và nâng chất lượng tài sản lên mức cao có thể sẽ có nhiều dư địa để xử lý hơn và từ đó có được lợi thế tăng trưởng lợi nhuận cao hơn.

Lãnh đạo các ngân hàng đều cho biết, xử lý nợ xấu và đưa tỷ lệ nợ xấu về mức an toàn là mục tiêu quan trọng của ngân hàng trong năm 2024. Đại diện Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cho hay, việc xử lý nợ xấu là bước đi quan trọng trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, nhất là trong bối cảnh nợ xấu có nguy cơ tăng do các doanh nghiệp gặp khó khăn.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, ngay từ đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu, phấn đấu trong năm 2024, đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng (không bao gồm các ngân hàng thương mại yếu kém) về dưới 3%. Yêu cầu này được đặt ra trong bối cảnh nợ xấu toàn hệ thống tín dụng tăng nhanh trong năm 2023 và dự báo sẽ đạt đỉnh trong năm 2024. Thực tế cho thấy, ngay cả với những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu giảm và nợ xấu dưới mức 3%, việc kiểm soát và xử lý nợ xấu cũng được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ngan-hang-tang-trich-lap-du-phong-rui-ro-658546.html