Ngân hàng tập trung hút khách trên nền tảng số

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), các ngân hàng đang có những đột phá đầu tư lớn về công nghệ ngân hàng lõi để thúc đẩy chuyển đổi số.

Khách hàng trải nghiệm dịch vụ số hóa ngân hàng. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Khách hàng trải nghiệm dịch vụ số hóa ngân hàng. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

"Ngành Ngân hàng đang dẫn đầu xu thế đổi mới sáng tạo, thể hiện qua Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Quá trình chuyển đổi số ngành ngân hàng Việt Nam được thực hiện với 4 công nghệ nổi bật gồm: Công nghệ chuỗi khối (blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI), sinh trắc học và phân tích dữ liệu”, ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết.

Theo thông tin mới nhất của VPBank, VPBank hiện đã có trên 15 triệu khách hàng cá nhân, con số này đang tăng mạnh nhờ ngân hàng liên lục giới thiệu các giải pháp tài chính toàn diện và cá thể hóa cho từng nhóm khách hàng,

Trong đó, “siêu” ứng dụng ngân hàng số VPBank có bình quân 2,5 triệu lượt đăng nhập mỗi ngày, xử lý hơn 2 triệu giao dịch, tương ứng với giá trị khoảng hơn 10 nghìn tỷ đồng. Đây là một trong những ngân hàng tiên phong trên thị trường tích hợp đủ các dịch vụ thanh toán hàng đầu thế giới Tap2pay như: Apple Pay, Google Pay, Samsung Pay, Garmin Pay, VP Pay...

“VPBank là ngân hàng đầu tiên cung cấp dịch vụ thanh toán Garmin Pay tại Việt Nam giúp khách hàng thanh toán mọi lúc với hàng triệu điểm chấp nhận thanh toán, bằng cả hình thức QR, ví điện tử, ứng dụng VPBank NEO”, đại diện VPBank cho biết.

Còn tại SeABank, ngân hàng này đã thành công nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi (Core Banking) T24 Temenos lên phiên bản R22, phiên bản mới nhất tại Việt Nam.

Nhờ đầu tư mạnh cho công nghệ và nâng cao trải nghiệm khách hàng, SeABank hiện ghi nhận hơn 52,6 triệu giao dịch trên nền tảng số, tăng 160% so với cùng kỳ năm ngoái và hơn 70% tài khoản mở mới đăng ký online thông qua eKYC (nhận biết khách hàng bằng phương thức điện tử), nâng tổng lượng khách hàng sử dụng dịch vụ của SeABank đạt gần 4 triệu người dùng.

Phía ABBank vừa ra mắt nền tảng ngân hàng số trên cơ sở đầu tư vào Backbase. Đây là bước tiến mạnh mẽ của ngân hàng trong chiến lược số hóa, giúp đơn giản hóa hoạt động ngân hàng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) cũng như các chủ doanh nghiệp bằng ứng dụng ngân hàng nhanh chóng và an toàn.

Sau 3 tháng chuyển giao dữ liệu từ hệ thống cũ mà không xảy ra bất cứ gián đoạn nào, 100% khách hàng SMEs hiện hữu của ABBank đã giao dịch trên nền tảng mới. Hiện, 88% các khách hàng SMEs có giao dịch thường xuyên với ABBank đang dùng ứng dụng ngân hàng này làm kênh giao dịch chính.

Thời gian qua, SHB cũng không ngừng cải tiến ứng dụng ngân hàng số SHB Mobile/SHB SAHA nhằm mang lại những trải nghiệm thú vị cho khách hàng. Chỉ với 1 phút đăng ký, khách hàng trải nghiệm ngay giao diện hiện đại, thân thiện, thông minh với nhiều tiện ích vượt trội, miễn phí như: Chuyển tiền nhanh 24/7, chuyển tiền bằng số điện thoại, thanh toán hóa đơn (điện, nước, Internet...), đặt vé tàu/xe, gửi tiết kiệm, vay online, mở thẻ tín dụng... 24/7 và mọi lúc mọi nơi.

SHB đã ghi nhận hàng triệu khách hàng sử dụng ứng dụng ngân hàng số. Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) bình quân tới cuối năm 2024 tăng hơn 30% so với cuối năm 2023. Thời gian tới, SHB sẽ tiếp tục xây dựng các tính năng, giải pháp nâng cao trải nghiệm người dùng trên SHB Mobile/SHB SAHA một cách nhanh chóng, thông suốt và mượt mà hơn.

Theo báo cáo Tổng quan ngành Ngân hàng của MB, năm 2025 đánh dấu một giai đoạn mới trong ngành Ngân hàng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế số, chính sách tiền tệ linh hoạt và các chính sách pháp lý hướng tới thúc đẩy tài chính toàn diện.

Sự điều chỉnh này không chỉ nhằm kiểm soát lạm phát mà còn phản ánh tầm nhìn của Chính phủ trong việc ổn định hệ thống tài chính dài hạn. “Việc áp dụng tiêu chuẩn Basel II (bộ quy tắc và chuẩn mực để tăng cường sự ổn định tài chính cho các ngân hàng trên toàn cầu) và triển khai Basel III (chuẩn mực quản trị rủi ro trong hoạt động ngân hàng) vào cuối năm 2025 cho thấy, Việt Nam đang từng bước nâng cao hệ thống quản trị rủi ro để phù hợp với chuẩn mực quốc tế, giúp các tổ chức tín dụng chuẩn hóa hoạt động và tăng cường khả năng chống chịu trước các cú sốc tài chính”, đại diện MB cho biết.

Năm 2025, thanh toán số được dự đoán sẽ trở thành xu hướng chủ đạo khi nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt gia tăng mạnh mẽ. Theo báo cáo của PwC (một trong 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới), Việt Nam có tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực thanh toán điện tử với tỷ lệ tăng trưởng giao dịch hàng năm dự kiến đạt 15,7% cho đến năm 2025...

Minh Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/ngan-hang-tap-trung-hut-khach-tren-nen-tang-so-20250122112051406.htm