Vốn FDI đổ xô vào Mỹ cao kỷ lục
Sức hút của nền kinh tế Mỹ, căng thẳng địa chính trị, xu hướng dịch chuyển sản xuất... là những yếu tố phía sau kỷ lục này...
Tỷ trọng nhận của Mỹ trong tổng số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên toàn cầu đã tăng lên mức cao kỷ lục, phản ánh đà tăng trưởng kinh tế của nước này mạnh mẽ hơn so với châu Âu và Trung Quốc vào thời điểm bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump.
Số liệu về dự án greenfield - các dự án mà nhà đầu tư xây dựng hoặc mở rộng các cơ sở sản xuất, kinh doanh mới ở nước ngoài - ở Mỹ được đưa ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp hội tụ tại Davos, Thụy Sỹ để tham dự chuỗi sự kiện thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Tại WEF, một chủ đề chắc chắn sẽ được bàn tới nhiều là nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể định hình lại trật tự kinh tế toàn cầu thông qua việc áp thuế quan và chuyển sản xuất về nước (reshoring) như thế nào.
SỨC HÚT CỦA THỊ TRƯỜNG MỸ
Tỷ trọng của các dự án FDI greenfield mới được công bố ở Mỹ trong tổng số toàn cầu trong kỳ 12 tháng tính đến tháng 11/2024 đạt 14,3%, tăng từ mức 11,6% và năm 2023 - theo phân tích của tờ báo Financial Times dựa trên số liệu thu thập được bởi fDi Markets. Đây là công ty dữ liệu thuộc sở hữu của Financial Times, chuyên theo dõi số liệu về các dự án đầu tư xuyên biên giới từ năm 2003.
Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ tại Mỹ và các ưu đãi của Chính phủ nước này - theo các chuyên gia kinh tế. “Mỹ thu hút ngày càng nhiều dự án đầu tư nước ngoài và điều này phản ánh triển vọng nhu cầu mạnh mẽ và tăng trưởng năng suất ở Mỹ mạnh mẽ hơn ở các nơi khác”, nhà kinh tế Innes McFee của công ty nghiên cứu Oxford Economics nhận định.
“Chúng tôi kỳ vọng Mỹ sẽ tiếp tục là một loại lệ”, ông McFee nói, cho rằng mặc dù các chính sách của ông Trump đang dẫn tới sự bấp bênh, nhưng chi tiêu ngân sách tăng sẽ dẫn tới nhu cầu tăng và “tạo thêm lý do để đầu tư vào Mỹ trong ngắn hạn. Các chính sách bảo hộ cũng có thể gây tác dụng tương tự”.
Theo dự kiến vào ngày 23/1, ông Trump sẽ có bài phát biểu trực tuyến tại WEF - một nội dung chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm lớn tại sự kiện diễn ra tại khu nghỉ dưỡng mùa đông trên dãy Alps. Sau khi nhậm chức, ông Trump đã tuyên bố sẽ áp thuế quan 10% lên hàng Trung Quốc và 25% lên hàng Canada và Mexico từ ngày 1/2, đồng thời nói sẽ áp thuế quan lên hàng hóa châu Âu nhưng chưa cho biết chi tiết hơn.
Về số lượng cụ thể, Trung Quốc thu hút hơn 2.100 dự án FDI dạng greenfield mới trong 12 tháng tính đến tháng 11 năm ngoái. Ngược lại, Trung Quốc chỉ thu hút được chưa đầy 400 dự án cùng loại trong cùng khoảng thời gian, gần thấp kỷ lục và chỉ bằng chưa đầy một nửa so với con số hơn 1.000 dự án mỗi năm trong thập kỷ đến giữa những năm 2010.
Số dự án FDI greenfield mới ở Đức giảm mạnh còn 470 dự án trong kỳ 12 tháng tính đến tháng 11/2024, mức thấp nhất trong 18 năm và cũng bằng chưa đầy một nửa của con số 1.100 dự án FDI greenfield trong 1 năm trươc sđó.
Ông Nathan Sheets, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng Citi, cho rằng sự nổi lên của Mỹ trong việc thu hút vốn FDI một phần do tầm quan trọng của nước này với tư cách một trung tâm sáng tạo về trí tuệ nhân tạo (AI), cộng thêm lợi thế chi phí năng lượng thấp hơn và các chính sách khuyến khích đầu tư nằm trong Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) và Đạo luật CHIPS của chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden.
Trong khi đó, tỷ trọng của Trung Quốc trong tổng lượng vốn FDI nhận được trên toàn cầu giảm là do các yếu tố địa chính trị, cụ thể là nỗ lực của phương Tây nhằm “giảm rủi ro” liên quan tới Trung Quốc - theo ông Sheets.
Tỷ trọng của châu Âu thậm chí còn giảm mạnh hơn. Giá năng lượng đã tăng mạnh ở khu vực này sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào đầu năm 2022. “Năng lượng rẻ mới thu hút nhà đầu tư”, ông Sheets nhấn mạnh.
FRIENDSHORING VÀ RESHORING
Tổng giá trị ước tính của các dự án FDI greenfield mới ở Mỹ được công bố trong 12 tháng tính đến tháng 11/2024 tăng thêm hơn 100 tỷ USD, đạt 227 tỷ USD - theo dữ liệu của fDi. Sự gia tăng của dòng vốn đầu tư chảy vào Mỹ được ghi nhận ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực con chip, thiết bị công nghiệp, xây dựng, linh kiện điện tử, năng lượng tái chế và hàng không vũ trụ.
Tăng trưởng kinh tế Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục vượt các nền kinh tế phát triển khác trong năm nay - theo dự báo được IMF công bố vào tuần trước. Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới (WEO) của IMF, kinh tế Mỹ có thể đạt mức tăng 2,7% trong năm nay, so với mức dự báo tăng chỉ 1% dành cho khu vực eurozone.
Ngoài ra, những chuyển biến trong bức tranh địa chính trị toàn cầu, trong đó căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng, cũng đang thúc đẩy sự dịch chuyển của dòng vốn FDI do các công ty đa quốc gia ứng phó với tình hình mới bằng cách phòng hộ rủi ro chuỗi cung ứng.
“Thương mại toàn cầu đã trở nên phân mảnh hơn và việc đảm bảo an toàn chuỗi cung ứng đã trở thành một vấn đề chủ chốt. Điều này có nghĩa là sự gia tăng của xu hướng dịch chuyển sản xuất về các quốc gia thân thiện (friendshoring) đối với những hàng hóa mà một quốc gia không có ý định sản xuất và dịch chuyển về nước (reshoring) đối với những sản phẩm chiến lược như con chip và sản phẩm y tế”, nhà kinh tế trưởng Samy Chaar của công ty Lombard Odier nhận định.
62% số dự án FDI ở Mỹ trong năm ngoái đến từ các nhà đầu tư Tây Âu, tăng từ mức bình quân 58% trong 10 năm tính đến 2019 - năm trước khi xảy ra đại dịch.
Trái ngược với sự gia tăng của dòng vốn FDI chảy vào Mỹ, số dự án FDI mà doanh nghiệp Mỹ đầu tư ra nước ngoài giảm còn 2.600 dự án trong 12 tháng tính đến tháng 11/2024, mức thấp nhất trong 2 thập kỷ không bao gồm trong đại dịch. Theo giới chuyên gia, các chính sách công nghiệp của chính quyền Biden đã khuyến khích doanh nghiệp Mỹ giữ hoạt động sản xuất trong nước.
Những bấp bênh xung quanh chính sách thương mại và thuế quan của ông Trump đã phủ bóng lên kế hoạch của các công ty lớn kể từ sau cuộc bầu cử tháng 11, nhưng giới chuyên gia không cho rằng chương trình nghị sự của vị Tổng thống Cộng hòa này sẽ cản trở các dự án đầu tư vào Mỹ trong thời gian tới.
“Việc ông Trump tái đắc cử không làm thay đổi các ưu đãi đầu tư và bức tranh kinh tế Mỹ. Từ góc độ này, sức hấp dẫn của Mỹ đối với vốn đầu tư toàn cầu sẽ tiếp tục gia tăng”, ông Richard Bolwijn - trưởng nghiên cứu đầu tư tại Hội nghị Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển (Unctad) - nhận định.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/von-fdi-do-xo-vao-my-cao-ky-luc.htm