Ngân hàng Thế giới dự báo Việt Nam tăng trưởng 7,2% trong 2022, rủi ro ở phía trước

Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 7,2% nhờ nhu cầu quốc nội phục hồi mạnh và hoạt động chế biến, chế tạo theo định hướng xuất khẩu vẫn vững chắc. Nhưng rủi ro còn ở phía trước.

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa có buổi họp công bố Báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương kỳ tháng 10/2022 trong đó dự báo nền kinh tế Việt Nam hồi phục mạnh và GDP sẽ tăng trưởng 7,2% trong năm 2022.

Như vậy, dự báo này thấp hơn mức dự báo 7,5% của chính WB đưa ra hồi đầu tháng 8/2022.

Dự báo được đưa ra trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới chao đảo kể từ cuối tuần trước sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất lần thứ 5 với tổng cộng 5 lần lên tới 300 điểm phần trăm và phát đi tín hiệu cứng rắn hơn trong thời gian tới.

Hàng loạt đồng tiền trên thế giới tụt giảm, trong đó bảng Anh xuống thấp nhất trong 40 năm và sắp về ngang giá với USD. Đồng euro xuống mức thấp nhất 20 năm, yen Nhật thấp nhất 24 năm và won Hàn Quốc thấp nhất 13 năm so với USD.

So với USD, đồng Việt Nam giảm ít nhất trong số các đồng tiền tại châu Á, chỉ xuống giá gần 4% kể từ đầu năm.

Ngân hàng trung ương các nước đồng loạt tăng lãi suất sau quyết định cứng rắn của Fed. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng quyết định tăng lãi suất điều hành thêm 100 điểm cơ bản từ 23/9 (tăng lãi suất chiết khấu và tái cấp vốn thêm 100 điểm lên tương ứng 3,5% và 5%...).

Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục hút ròng tiền VND về trên thị trường mở.

Hàng loạt các ngân hàng thương mại, trong đó có các ngân hàng có nguồn gốc quốc doanh đã tăng lãi suất huy động, 50 cho tới 100 điểm phần trăm. Lãi suất ở nhiều nơi đã lên tới trên 7%/năm.

Việt Nam vẫn tăng trưởng cao nhưng rủi ro ở phía trước. (Ảnh: Hoàng Hà)

Việt Nam vẫn tăng trưởng cao nhưng rủi ro ở phía trước. (Ảnh: Hoàng Hà)

Việc tăng lãi suất huy động có thể kéo lãi suất cho vay tăng theo, qua đó khiến chi phí tài chính của doanh nghiệp cao lên.

Trong khi đó, Maybank hôm 24/9 cho rằng, việc tăng lãi suất sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến sự phục hồi, GDP Việt Nam có thể tăng 8% trong năm 2022. Theo Maybank, NHNN sẽ không điều chỉnh lãi suất trong thời gian còn lại của năm 2022 sau động thái tăng mạnh của tháng này.

Trước khi NHNN tăng lãi suất, nhiều tổ chức đưa ra dự báo tích cực về kinh tế Việt Nam. Hồi giữa tháng 9, IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, từ mức 6% lên 7%. VN-Direct thì nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 từ 7,1% lên 7,7%. Vinacapital nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ 6,5% lên 7,5%.

ADB đưa ra dự báo ở mức 6,7%, trong khi SSI ước tính 7%. Moody’s thậm chí dự báo Việt Nam tăng trưởng 8,5% trong năm 2022.

Nhiều tổ chức đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ở mức cao. (Biểu đồ: M. Hà)

Nhiều tổ chức đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ở mức cao. (Biểu đồ: M. Hà)

Rủi ro ở phía trước

Trong bản báo cáo mới nhất, WB cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi mạnh mẽ, nhưng vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, với tổng sản lượng hiện tại vẫn thấp hơn mức trước đại dịch Covid. Trong ngắn hạn, các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là hài hòa giữa nhu cầu duy trì chính sách hỗ trợ để củng cố sự phục hồi trong bối cảnh môi trường toàn cầu suy yếu với nhu cầu kiềm chế lạm phát và các rủi ro tài chính đang nổi lên.

Về trung và dài hạn, mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu thập trung bình cao của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất và đổi mới bằng cách sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn sản xuất, vốn tự nhiên và con người.

Quá trình chuyển đổi này đòi hỏi năng lực thể chế cần phải được tăng cường để phê duyệt và thực hiện các cải cách cơ cấu nhằm xây dựng một nền kinh tế có khả năng cạnh tranh và phục hồi cao hơn.

Nền kinh tế Việt Nam hồi phục mạnh mẽ sau đợt phong tỏa do COVID-19 vào Q3-2021, tăng 6,4% trong nửa đầu năm 2022. Sự phục hồi này chủ yếu dựa trên những khởi sắc của ngành xuất khẩu và giải phóng nhu cầu bị dồn nén sau khi các quy định về hạn chế di chuyển do COVID-19 được dỡ bỏ và gần đây là sự quay trở lại dần của khách du lịch nước ngoài.

Lạm phát hiện ở quanh mức 3% (so cùng kỳ) chủ yếu do chi phí vận tải cao hơn.

Dù nền kinh tế đang được phục hồi, khối doanh nghiệp và hộ gia đình vẫn chịu tác động dai dẳng. Một cuộc khảo sát về nhịp độ kinh doanh được WB thực hiện từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2022 cho thấy 92,6% các công ty chính thức đã hoạt động trở lại, nhưng có đến 56% báo cáo cho thấy doanh số bán hàng trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2022 thấp hơn so với trước đại dịch.

Mặc dù tình hình thị trường lao động tiếp tục được cải thiện, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,5% trong quý II/2022 (thấp hơn tỷ lệ trước đại dịch là 71,3%). Bên cạnh đó, gần 20% hộ gia đình cho biết thu nhập của họ trong 7 tháng đầu năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Triển vọng kinh tế vĩ mô. (Nguồn: WB)

Triển vọng kinh tế vĩ mô. (Nguồn: WB)

Theo WB, tỷ lệ nghèo tại Việt Nam dự kiến giảm từ 3,7% trong năm 2021 xuống còn 3,3% vào năm 2022. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với những rủi ro suy thoái ngày càng lớn liên quan đến sự suy giảm kinh tế của các đối tác thương mại chính, lạm phát cao hơn và rủi ro tài chính gia tăng.

Sự bất ổn gia tăng trên phạm vi toàn cầu và gây ra nhiều sự méo mó.

Theo WB, khu vực Đông Á và Thái Bình Dương duy trì tăng trưởng và kiềm chế được lạm phát, nhưng rủi ro phía trước. Kinh tế Trung Quốc bị lỡ đà tăng trưởng do tiếp tục các biện pháp kiềm chế Covid-19.

Phó Chủ tịch WB phụ trách Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Manuela V. Ferro cho rằng, quá trình phục hồi kinh tế đang diễn ra ở hầu hết các quốc gia trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Tuy nhiên, các quốc gia trong khu vực phải chuẩn bị cho tốc độ tăng trưởng trên toàn cầu chững lại, và xử lý những méo mó chính sách trong nước đang gây trở ngại cho phát triển trong dài hạn.

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu chững lại đang dần làm giảm nhu cầu về các mặt hàng xuất khẩu và các sản phẩm chế tạo chế biến xuất khẩu của khu vực. Lạm phát tăng đồng loạt khiến cho lãi suất cũng tăng lên, qua đó làm cho dòng vốn chạy ra ngoài và đồng tiền mất giá tại một số quốc gia Đông Á và Thái Bình Dương. Những diễn biến đó làm tăng gánh nặng trả nợ và thu hẹp dư địa tài khóa, ảnh hưởng xấu đến các quốc gia rơi vào đại dịch với gánh nặng nợ cao.

Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB, Aaditya Mattoo cho rằng, các nhà hoạch định chính sách các nước đang phải đối mặt với lựa chọn khó khăn giữa xử lý lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Tốc độ tăng trưởng của các quốc gia đang phát triển khu vực Đông Á và Thái Bình Dương ngoài Trung Quốc được dự báo sẽ tăng tốc lên 5,3% trong năm 2022 so với 2,6% trong năm 2021.

Mạnh Hà

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ngan-hang-the-gioi-du-bao-viet-nam-tang-truong-7-2-trong-2022-2064345.html