Ngân hàng thừa tiền: Chọn ngành nào bơm vốn để 'kéo' 100 triệu dân đi lên?

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, vốn dư thừa lúc này là cơ hội để 'bàn chuyện dài hạn', tính toán xem ngành nào, lĩnh vực nào có thể 'kéo 100 triệu dân đi lên' trong thời gian tới.

Rất nhiều ngành cần nguồn tín dụng giá rẻ để đầu tư chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Rất nhiều ngành cần nguồn tín dụng giá rẻ để đầu tư chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Đưa ra cái nhìn lạc quan tại buổi họp về giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế diễn ra hôm nay (7/9), TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, chúng ta vẫn có lợi thế là nền tảng kinh tế vĩ mô khá ổn định.

“Đây là vấn đề rất quý và chúng ta phải vui vì điều này", TS. Nghĩa bình luận.

Trong bối cảnh tín dụng tăng chậm, vốn ứ thừa tại các nhà băng, chuyên gia này cho rằng, đã đến lúc phải "bàn chuyện dài hạn", tính toán xem ngành nào, lĩnh vực nào có thể "kéo 100 triệu dân đi lên" trong thời gian tới để có các giải pháp phù hợp, hiệu quả. Chuyên gia này cũng nêu các kiến nghị liên quan đến việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp để tái cấu trúc nền kinh tế; hỗ trợ ngành dệt may chuyển đổi công nghệ mới, chuyển đổi xanh; hỗ trợ sản xuất nông nghiệp…

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, bối cảnh hiện tại là thời điểm thích hợp để ngân hàng chấp nhận giảm biên độ lợi nhuận, đầu tư dài hơi cho các ngành sản xuất.

Theo đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam, các doanh nghiệp ngành này khó khăn không chỉ do thiếu vốn mà chủ yếu do thiếu đơn hàng và đơn giá thấp. Doanh nghiệp không có cơ hội sản xuất - kinh doanh khả dĩ thì không vay tiền để làm gì dù lãi suất có thấp.Trước mắt, nhu cầu của thị trường hàng dệt may chưa thể một sớm một chiều tăng lên được. Tuy nhiên, nhìn về lâu dài, có rất nhiều cơ hội kinh doanh và nhu cầu vốn rất lớn, nhất là trong "chuyển đổi xanh".

Đại diện hiệp hội đề xuất, Nhà nước và ngân hàng nên có chính sách hỗ trợ về đất đai, vốn cho doanh nghiệp dệt may đầu tư chuyển đổi công nghệ, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong tương lai.

Tương tự, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cũng đề nghị hướng dòng vốn tín dụng vào chuyển đổi xanh, các ngành hàng có triển vọng tốt như nông lâm, thủy sản, các ngành hàng xuất khẩu…

Đại diện Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cũng kiến nghị tín dụng nên "đặt niềm tin dài hạn vào những ngành có khả năng chuyển đổi để nắm bắt các cơ hội trong tương lai".

Để thúc đẩy tín dụng tăng trưởng, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, nền kinh tế đang trong trạng thái không bình thường. Đối với việc điều hành tín dụng trong trạng thái bất thường phải có những giải pháp khác thường. Đây cũng là cơ hội để các ngân hàng can đảm lên, tiếp cận doanh nghiệp bằng xu hướng, tiềm năng tương lại… Ví dụ hỗ trợ tín dụng doanh nghiệp phát triển kinh tế số, chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo. "Điều hành tín dụng nên có cách nhìn dài hạn, hướng về tương lai", TS. Thiên đề xuất.

Ông Thiên cũng cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, nên tính toán tiếp tục đẩy mạnh các chính sách tài khóa ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế đảm bảo "đủ mức, đủ độ"…

"Đây là câu chuyện rất khó về cơ chế. Nhưng khó mới cần phải làm", TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Thùy Liên

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ngan-hang-thua-tien-chon-nganh-nao-bom-von-de-keo-100-trieu-dan-di-len-d198080.html