Ngân hàng thương mại khó cho vay nhà ở xã hội ở 5 tỉnh vùng Đông Nam Bộ
Ngân hàng Nhà nước khu vực 12 ghi nhận nguồn cung nhà ở xã hội tại 5 tỉnh vùng Đông Nam Bộ còn hạn chế.
Chiều 1/4, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội nghị đẩy mạnh tín dụng ngân hàng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực 12.
Tại hội nghị, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố Quyết định thành lập và ra mắt Ngân hàng Nhà nước khu vực 12 trên cơ sở hợp nhất Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh.
Theo đó, trụ sở Ngân hàng Nhà nước khu vực 12 đóng tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai; ông Tạ Thành Long (nguyên Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Nai) làm Giám đốc.

Ngân hàng Nhà nước khu vực 12 hợp nhất từ chi nhánh 5 tỉnh Đông Nam Bộ (Ảnh: Duy Phương)
Phát biểu tại hội nghị, ông Tạ Thành Long cho biết, qua triển khai gói tín dụng 145.000 tỷ (cho vay phát triển nhà ở xã hội triển khai từ năm 2023), Ngân hàng Nhà nước khu vực 12 ghi nhận nguồn cung loại hình này trên địa bàn còn hạn chế.
Bên cạnh đó, đối tượng mua nhà ở xã hội tiềm năng là lực lượng công nhân thường là người nhập cư từ tỉnh khác, ít có nhu cầu mua nhà mà thường lựa chọn thuê nhà ở.
Về giải pháp, ông Long đề xuất Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, kêu gọi các ngân hàng thương mại có giải pháp, phấn đấu hạ lãi suất cho vay hoặc tăng thời gian ưu đãi lãi suất để tăng khả năng tiếp cận đến khách hàng, tăng khả năng giải ngân của các ngân hàng.

Ông Tạ Thành Long - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước khu vực 12 (Ảnh: Duy Phương)
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị Bộ Xây dựng tiếp tục có giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực bất động sản, nhà ở, để thị trường này phát triển lành mạnh, bền vững, tạo điều kiện cho nhà ở xã hội có dư địa phát triển.
Về phía ngân hàng, bà Phùng Thị Bình – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết: Phía Agribank tham gia chương trình tín dụng cho nhà ở xã hội với mức 30.000 tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 3/2025, Agribank có dư nợ tín dụng lĩnh vực này là 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, khu vực Đông Nam Bộ chưa cho vay được dự án nhà ở xã hội nào.

Bà Phùng Thị Bình – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Agribank (Ảnh: Duy Phương)
Theo bà Bình, các địa phương đã đề xuất Chính phủ được lựa chọn nhà đầu tư mà không phải đấu thầu. Ngoài ra, bà Bình đề nghị các địa phương quan tâm về lợi nhuận của nhà đầu tư.
"Hiện nay lợi nhuận của nhà đầu tư chỉ được 10% và tất cả nhà đầu tư nhà ở xã hội đã kiến nghị tăng lên mức 15%. Về cơ bản, Chính phủ cũng chấp thuận đề nghị này. Khi tháo gỡ được điều kiện pháp lý này thì tôi tin chắc các dự án nhà ở xã hội sẽ được triển khai có hiệu quả hơn", bà Bình chia sẻ.