Ngân hàng tích cực hút thêm vốn dài hạn
Các ngân hàng tích cực huy động vốn dài hạn, trong bối cảnh tiền gửi từ dân cư tăng chậm, nhằm mở rộng dư địa cấp tín dụng, cân bằng một số chỉ tiêu kiểm soát rủi ro.
Hai tuần đầu tháng 1/2025, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, TPB) và Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank, HDB) đã hút hàng nghìn tỷ đồng từ các khoản vay dài hạn và trái phiếu.
Trong đó, TPBank nhận khoản tín dụng 100 triệu USD từ DFC và 120 triệu USD từ JICA, nhằm thực hiện các chương trình tài chính cho nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, các khách hàng có thu nhập thấp và một phần cho các dự án do phụ nữ lãnh đạo hoặc có ảnh hưởng đến cộng đồng phụ nữ.
HDBank vừa phát hành thành công 3.000 tỷ đồng trái phiếu xanh trong tuần đầu năm 2025, với các kỳ hạn 2 năm, 3 năm và 5 năm. Đợt phát hành nhằm tạo nguồn vốn trung dài hạn cho các dự án hướng đến môi trường và phát triển kinh tế xanh.
Riêng tháng cuối cùng của năm 2024, nhiều ngân hàng cấp tập phát hành trái phiếu kỳ hạn dài với quy mô hàng nghìn tỷ đồng.
Đơn cử, ACB phát hành thành công lô trái phiếu thứ 16 trong năm 2024, thu về 250 tỷ đồng, với kỳ hạn 5 năm, lãi suất 6,1%/năm. MB là một trong những nhà băng có nhiều đợt huy động trái phiếu trong tháng cuối năm 2024 khi phát hành 6 đợt, huy động 2.200 tỷ đồng. VIB công bố phát hành thành công ba lô trái phiếu kỳ hạn 3 năm, quy mô 6.000 tỷ đồng.
Trong năm 2024, ngành ngân hàng cũng giữ ngôi vương về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, chiếm áp đảo gần 70% tổng giá trị phát hành, với mức tăng khoảng 130% so với cùng kỳ, theo thống kê của FiinRatings. Số liệu từ Công ty Chứng khoán MB (MBS) cũng cho thấy, ngân hàng là nhóm ngành có giá trị phát hành cao nhất, với một số ngân hàng có giá trị phát hành trái phiếu cao như ACB (36.100 tỷ đồng), HDBank (30.900 tỷ đồng), Techcombank (26.900 tỷ đồng)...
Cân bằng áp lực thanh khoản
Theo giới phân tích, việc huy động nguồn vốn dài hạn qua kênh trái phiếu và các khoản vay từ các tổ chức quốc tế mang lại hai lợi ích, giúp các nhà băng thu hẹp phần nào chênh lệch tăng trưởng huy động - tín dụng từ thị trường và cân bằng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.
Năm 2024, tín dụng toàn hệ thống ngân hàng tăng hơn 15%. Tín dụng trước đó chỉ đạt 4,9% vào thời điểm cuối quý III/2024 so với cuối năm 2023, tăng lên 7,36% vào ngày 7/12. Nhưng bất ngờ tăng tốc trong hai tuần cuối năm. Trong khi quy mô tín dụng tăng cao, huy động vốn từ dân cư có mức tăng thấp hơn.
Như trường hợp Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) - một trong những nhà băng đầu tiên công bố báo cáo tài chính năm 2024. Theo đó, dư nợ tín dụng của ngân hàng này (theo báo cáo riêng lẻ) tăng gần 20,7% trong năm 2024, nhưng huy động vốn chỉ tăng hơn 17%.
Theo Công ty Chứng khoán An Bình (ABS), nguyên nhân tăng trưởng huy động thấp là do lãi suất thấp trong khi các thị trường tài sản khác tăng giá, nên dòng tiền một phần chuyển hướng sang các kênh khác như vàng, bất động sản và các kênh đầu tư có hiệu suất sinh lời cao hơn. Đặc biệt, thị trường tiền điện tử cũng sôi động trở lại khi Việt Nam đứng thứ hai thế giới về tỷ lệ sở hữu tiền số (theo thống kê của cổng thanh toán tiền điện tử Tripple-A công bố vào hồi tháng 5/2024).
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng đã gia tăng cho vay ở kỳ hạn dài khiến tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tăng cao, đồng thời tỷ lệ LDR của nhiều ngân hàng tăng lên so với đầu năm.
Những diễn biến này khiến áp lực huy động vốn trung dài hạn của "giới buôn tiền" thêm căng thẳng. Nhóm phân tích từ MBS cho rằng, các ngân hàng có thể tiếp tục đẩy mạnh phát hành trái phiếu nhằm bổ sung vốn trong năm 2025, để đáp ứng nhu cầu cho vay.
Áp lực thanh khoản có thể giảm bớt
Theo Công ty Chứng khoán Á Châu (ACB), áp lực thanh khoản được dự báo giảm dần trong thời gian tới khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhiều khả năng sẽ cắt giảm lãi suất xuống 4,5% đến cuối năm 2024 và tiếp tục hạ xuống 3,5%-4,25% đến cuối năm 2025. Chính sách áp thuế nhập khẩu của Tổng thống Donald Trump có thể khiến tiến trình kéo giảm lạm phát về mục tiêu 2% chậm hơn và Fed buộc phải neo lãi suất đồng USD ở mức cao lâu hơn dự kiến.
Tuy nhiên, với việc dòng vốn từ xuất siêu, FDI, kiều hối,… ngày càng tăng của Việt Nam, cộng với chênh lệch lãi suất VNĐ-USD hiện không còn đáng kể và lãi suất USD sẽ tiếp tục giảm, nhóm phân tích từ ACBS cho rằng lãi suất huy động tiền đồng sẽ không chịu nhiều áp lực tăng trong năm 2025 và dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 1 năm có thể duy trì ổn định quanh mức 5% trong năm 2025.