Ngân hàng Trung Quốc bơm thêm 250 tỉ đô la để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhỏ

Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBoC) hôm qua đã công bố một loạt các biện pháp hỗ trợ dành cho cá nhân và doanh nghiệp nhỏ khi nền kinh tế đang đối mặt với những khó khăn từ các đợt phong tỏa rộng khắp Trung Quốc. Một trong các biện pháp cấp bách là tái cấp vốn 157 tỉ đô la cho các ngân hàng thương mại nhằm cho vay ưu tiên với các doanh nghiệp nhỏ.

Khu phố trung tâm bị phong tỏa ở Thượng Hải. Sức mua đã giảm hẳn trong quí 1-2022, khiến kinh tế chỉ tăng trưởng 4,8%. Tuy nhiên, một số nhà phân tích đã ngờ vực con số này bởi các tác động của chiến tranh, lạm phát, dịch bệnh và xuất khẩu giảm sút. Ảnh: Reuters

Trước đó, PBoC cũng giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại, bơm thêm lượng tiền 94,23 tỉ đô la. Như vậy, chỉ trong ba ngày, Trung Quốc đã bổ sung thêm dòng vốn hơn 250 tỉ đô la cho nền kinh tế.

PBoC kêu gọi các ngân hàng mở rộng cho vay đối với những người có “việc làm linh hoạt” như tài xế taxi, chủ cửa hàng trực tuyến và tài xế xe tải, đồng thời cung cấp các khoản vay dài hạn và lãi suất nhẹ hơn cho các doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng bởi các đợt bùng dịch – PBoc nói trong một tuyên bố chung với cơ quan quản lý ngoại hối hôm 18-4.

Sử dụng công cụ chính sách

Theo Bloomberg, trong một kế hoạch gồm 23 biện pháp, ngân hàng trung ương tuyên bố sẽ đẩy mạnh việc sử dụng các công cụ mục tiêu bao gồm chương trình tái cấp vốn cho các ngân hàng để cho vay đối với các khu vực bao gồm ở các ngành bị ảnh hưởng bởi dịch. Kế hoạch tái cấp vốn mở rộng dự kiến sẽ được cấp bổ sung 1.000 tỉ nhân dân tệ (157 tỉ đô la).

Các biện pháp này được đưa ra sau khi Trung Quốc có mức giảm chi tiêu tiêu dùng lớn nhất và tỷ lệ thất nghiệp tồi tệ nhất kề từ những tháng đầu khi dịch bùng phát. Các đợt phong tỏa để phòng dịch càng làm gia tăng rủi ro với nền kinh tế và làm gián đoạn hoạt động sản xuất.

PBoC kêu gọi chính quyền địa phương đặt ra các yêu cầu thanh toán tối thiểu và tỷ lệ thế chấp phù hợp dựa trên điều kiện của từng thành phố. Ngân hàng trung ương đồng thời kêu gọi các ngân hàng thương mại hỗ trợ nhu cầu tài chính hợp lý của các nhà phát triển bất động sản và các công ty xây dựng, theo tài liệu.

PBoC nói các ngân hàng chính sách sẽ cần tăng cường tài trợ cho các dự án đầu tư lớn, trong khi các ngân hàng nên chủ động hơn trong việc cho vay các dự án cơ sở hạ tầng và mua trái phiếu chính quyền địa phương để hỗ trợ các công trình trọng điểm. Các ngân hàng cũng nên đảm bảo nhu cầu tài chính hợp lý của các chương trình tài trợ của chính quyền địa phương, tránh đình chỉ hoặc rút các khoản vay từ các địa phương một cách máy móc – PBoC nhấn mạnh.

Ngân hàng trung ương cũng yêu cầu các ngân hàng tăng tỷ trọng các công ty tư nhân trong nhóm đối tượng được vay mới.

Ngoài ra, Ủy ban quản lý bảo hiểm và ngân hàng Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ tăng nguồn lực tài chính cho các ngành hậu cần, vận tải và chuyển phát nhanh, đồng thời sử dụng tốt các quỹ liên quan để giảm chi phí tài chính. Cơ quan này cho biết sẽ hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đang gặp khó khăn do Covid.

Dòng vốn mới có thể gây bất ổn

PBoC đã chuyển 600 tỉ nhân dân tệ (94,23 tỉ đô la) lợi nhuận cho chính phủ trung ương vào giữa tháng 4. Số tiền này chủ yếu dùng để hoàn thuế và thanh toán các khoản cho chính quyền địa phương. Việc chuyển giao lợi nhuận đã làm tăng cung lượng tiền cơ bản, tương đương với mức cắt giảm 25 điểm cơ bản trong tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR). Chính sách này sẽ có hiệu lực từ ngày 25-4. Ngân hàng trung ương cho biết họ sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ thêm 25 điểm cơ bản đối với một số ngân hàng thương mại nhỏ hơn ở nông thôn và thành thị.

Việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, theo sau một đợt giảm trên diện rộng vào tháng 12, đánh dấu bước đi mới nhất của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc nhằm vực dậy nền kinh tế đang trên đà giảm tốc.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát thị trường cho biết khả năng cắt giảm chính sách của Bắc Kinh là có hạn.

Với việc các ngân hàng trung ương lớn khác như Quỹ Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hoặc đã tăng lãi suất hoặc dự định sẽ tăng trong tương lai, các chính sách mới của Trung Quốc có thể gây bất ổn cho nền kinh tế khi các nhà đầu tư chuyển dòng vốn sang các tài sản khả năng sinh lợi cao hơn.

Trung Quốc đã giữ nguyên chi phí đi vay đối với các khoản vay chính sách trung hạn trong tháng thứ ba liên tiếp, đúng như dự kiến của các nhà phân tích.

Ricky Hồ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ngan-hang-trung-quoc-bom-them-250-ti-do-la-de-ho-tro-nguoi-dan-doanh-nghiep-nho/