Ngân hàng trung ương Canada quyết định giữ nguyên lãi suất chủ chốt
Mặc dù không điều chỉnh, nhưng Ngân hàng Trung ương Canada vẫn để ngỏ khả năng lãi suất tiếp tục tăng nếu lạm phát ở nước này không giảm xuống.
Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) đã lần thứ ba liên tiếp quyết định giữ nguyên lãi suất chủ chốt ở mức 5% trong cuộc họp cuối cùng của năm 2023, diễn ra vào ngày 6/12 (giờ địa phương).
Mặc dù không điều chỉnh, nhưng BoC vẫn để ngỏ khả năng lãi suất tiếp tục tăng nếu lạm phát ở nước này không giảm xuống, ngay cả khi thị trường bắt đầu xuất hiện kỳ vọng lãi suất sẽ được cắt giảm vào năm 2024.
Quyết định của BoC không nằm ngoài dự đoán của giới truyền thông.
Trước đó, tờ "The Globe and Mail" đăng bài viết nhận định về khả năng BoC sẽ kết thúc một năm đầy biến động bằng việc giữ nguyên lãi suất cơ bản hiện nay.
Theo tờ báo, BoC đã duy trì lãi suất cơ bản ở mức 5% kể từ tháng 7/2023. Trước tình trạng tăng trưởng kinh tế sa sút trong những tháng gần đây, khả năng BoC thắt chặt thêm chính sách tiền tệ dường như đã giảm hẳn.
Thống đốc BoC Tiff Macklem gần đây nhận xét rằng nhu cầu dư thừa trong nền kinh tế đã không còn. Bình luận này thể hiện rõ quan điểm mới nhất về việc lãi suất của BoC đã đạt đỉnh.
Thông điệp của ông Makhlem còn được củng cố thêm bởi một chuỗi những số liệu cho thấy kinh tế Canada đang gặp khó khăn trong tăng trưởng dưới sức ép của chi phí đi vay cao và lạm phát cuối cùng đã trở lại đúng hướng sau khi tăng cao vào mùa Hè vừa qua.
Đầu năm 2023, giá nhà ở Canada đã bất ngờ tăng vọt khi BoC phát tín hiệu cho thấy họ đã hoàn tất việc thắt chặt chính sách tiền tệ.
Điều này đã khiên ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất hai lần liên tiếp vào tháng 6 và tháng 7/2023 do tăng trưởng kinh tế vào thời điểm đó mạnh hơn dự kiến và lạm phát vẫn cao.
Chiến lược gia về lãi suất Andrew Kelvin của Ngân hàng Toronto Dominion (TD) được tờ báo dẫn lời cho biết với tỷ lệ lạm phát trong tháng 10 giảm xuống 3,1%, cao hơn một chút so với phạm vi kiểm soát của BoC (từ 2% đến 3%), những suy đoán về khả năng thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ chuyển sang đề cập tới việc giảm lãi suất.
Mục tiêu lạm phát mà BoC đặt ra và đang hướng tới là 2%. Theo Refinitiv, công ty chuyên cung cấp số liệu tài chính toàn cầu, thị trường hoán đổi lãi suất, vốn dựa vào kỳ vọng của thị trường về chính sách tiền tệ, hiện đang ước tính khả năng BoC sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất từ tháng 3 năm tới là hơn 60%.
Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế lại nhận định việc cắt giảm lãi suất phải tới giữa năm 2024 mới có thể diễn ra.
Giám đốc chiến lược lãi suất Simon Deeley của Ngân hàng RBC nhận xét đã có một số dấu hiệu cho thấy lạm phát cơ bản đang giảm xuống một cách bền vững hơn, nhưng vẫn còn quá sớm để có được mức độ tin tưởng cao đến như vậy. Chuyên gia này dự báo đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên sẽ diễn ra vào quý 3/2024.
Mặc dù BoC vẫn có những lo ngại nhất định về khả năng lạm phát tăng trở lại, nhưng họ ngày càng tự tin vào chính sách thắt chặt tiền tệ đang phát huy tác dụng.
Tờ báo bình luận rằng lãi suất cao hơn khiến các hộ gia đình và doanh nghiệp phải đi vay tiền và trả các khoản nợ của họ cao hơn. Điều này sẽ làm giảm nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ, đồng thời giảm áp lực tăng giá tiêu dùng.
Dữ liệu gần đây cho thấy kế hoạch này đã phát huy tác dụng. Báo cáo của Cơ quan thống kê Canada thể hiện Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý 3/2023 đã giảm 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Số liệu về việc làm của Cơ quan thống kê cho thấy thị trường lao động đã được bổ sung thêm 25.000 việc làm trong tháng 11, nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn tăng lên mức 5,8%.
Tổng hợp các số liệu cho thấy bức tranh tổng thể về kinh tế Canada đang tăng trưởng với một tốc độ chậm chạp, thấp hơn nhiều so với tiềm năng nhưng có thể tránh được một cuộc suy thoái toàn diện.
Đây cũng có thể coi là "thành công" của BoC vì cơ quan này đã giải thích rằng họ luôn cố tránh một cuộc suy thoái kinh tế trong chiến dịch kiểm soát lạm phát của mình.
Thống đốc Macklem từng nhận xét nền kinh tế đang tiến gần đến sự cân bằng và lạm phát đã giảm từ mức 8,1% hồi tháng 6/2022 xuống còn 3,1% vào tháng trước. Dự báo nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng yếu trong vài quý tới và áp lực giảm lạm phát sẽ tăng lên.
Điều quan trọng là lạm phát đã giảm sau khi “mắc kẹt” trong phạm vi từ 3,5% đến 4% trong phần lớn thời gian của năm nay./.