Ngân hàng trung ương Trung Quốc có thể mua vàng trở lại sau khi giá đã giảm

Chuỗi hoạt động mua vàng của ngân hàng trung ương Trung Quốc là nguyên nhân chính thúc đẩy giá vàng lên mức cao kỷ lục gần đây. Tuy nhiên, có vẻ như vàng đã trở nên đắt đỏ đến mức ngay cả Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cũng phải tạm dừng mua mới.

Vào thứ Sáu (7/6), dữ liệu chính thức cho thấy lượng vàng nắm giữ của Trung Quốc trong tháng 5 không thay đổi so với tháng trước - có nghĩa là ngân hàng trung ương Trung Quốc đã không mua thêm vàng. Điều này dẫn đến giá vàng giảm mạnh và đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/6 giảm hơn 3%, rơi xuống dưới mốc 2.300 USD.

Ewa Manthey, chiến lược gia hàng hóa tại Ngân hàng ING cho biết, việc PBOC tạm dừng mua đã khiến vàng “dễ bị tổn thương trước áp lực giảm giá nhiều hơn”.

Giá vàng đã tăng vọt 11% từ đầu năm đến nay do căng thẳng địa chính trị toàn cầu. Tại Trung Quốc, người dân cũng đẩy mạnh mua vàng như một phương tiện lưu trữ giá trị trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm chạp và đồng nhân dân tệ suy yếu.

Tuy nhiên, “sự phục hồi kỷ lục của vàng có thể làm giảm nhu cầu hiện nay”, chiến lược gia Ewa Manthey cho biết.

Hoạt động mua vàng của ngân hàng trung ương Trung Quốc thực sự đã bắt đầu chậm lại vào tháng 4, khi PBOC chỉ mua 60.000 ounce, giảm từ mức 160.000 ounce trong tháng 3 và 390.000 ounce trong tháng 2.

Ole Hansen, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Saxo cho biết: “Suy nghĩ ban đầu của tôi là Trung Quốc, động lực chính thúc đẩy đà tăng giá vàng trong năm qua, vẫn chưa hoàn tất việc mua vàng… Việc tạm dừng cho thấy họ đang chùn bước trước viễn cảnh phải trả mức giá cao kỷ lục”.

Trước khi tạm dừng mua vàng vào tháng 5, PBOC đã mua vàng trong 18 tháng liên tiếp và trở thành tổ chức mua vàng lớn nhất thế giới. Theo Hội đồng vàng thế giới (WGC), ngân hàng trung ương Trung Quốc đã mua 225 tấn vàng vào năm 2023. Đứng thứ hai là ngân hàng trung ương Ba Lan mua 130 tấn vàng.

Vàng đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục trên 2.450 USD/ounce vào tháng 5, khi được hỗ trợ bởi lực mua mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương. Nhu cầu vàng thỏi của PBOC xuất hiện khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tìm cách đa dạng hóa dự trữ và đề phòng đồng tiền mất giá.

Theo (WGC), lượng mua vàng trong quý đầu năm nay của các tổ chức công trên thế giới đã ở mức kỷ lục, trong đó Trung Quốc là nước mua lớn nhất. PBOC sở hữu lượng vàng nắm giữ ở mức 72,8 triệu ounce trong tháng 5, tăng từ mức 62,64 triệu ounce trước thời gian mua kéo dài.

Trung Quốc có thể mua vàng trở lại

Một cuộc khảo sát do Diễn đàn Các định chế tài chính và tiền tệ chính thức (OMFIF) thực hiện cho thấy, các ngân hàng trung ương có kế hoạch tiếp tục tăng cường mua vàng trong giai đoạn 12-24 tháng tới.

David Tait, Giám đốc điều hành WGC cho biết: “Dữ liệu của Trung Quốc cho thấy sự tạm dừng… Nhưng họ chỉ đang chờ đợi và theo dõi. Nếu giá điều chỉnh về mức 2.200 USD/ounce, họ sẽ tiếp tục mua vàng trở lại”.

Vàng trong lịch sử được xem là hàng rào chống lại rủi ro địa chính trị và kinh tế, đồng thời là lựa chọn đầu tư ưa thích ở Trung Quốc trong bối cảnh lo ngại kinh tế dai dẳng và đồng nhân dân tệ yếu hơn.

KL Yap, Chủ tịch Hiệp hội Thị trường Vàng thỏi Singapore cho biết: “Các ngân hàng trung ương đang mua vàng và Trung Quốc là khách hàng chính. Tâm lý về vàng đang tăng do căng thẳng địa chính trị và bầu cử. Trung Quốc dự kiến sẽ mua nhiều hơn”.

Vào tháng 4, Sàn giao dịch vàng Thượng Hải đã nâng yêu cầu ký quỹ đối với một số hợp đồng tương lai vàng từ 8% lên 9% sau khi giá vàng tăng lên mức đỉnh mới.

Cơn sốt vàng bao trùm châu Á

Các nhà phân tích cho biết, niềm tin thấp hơn vào các lựa chọn đầu tư khác, chẳng hạn như bất động sản và cổ phiếu, cũng là một yếu tố đằng sau nhu cầu vàng tăng cao.

Ruth Crowell, Giám đốc điều hành của Hiệp hội thị trường vàng thỏi London cho biết: “Khi bối cảnh kinh tế vĩ mô trở lại bình thường, bất động sản và chứng khoán trở nên thú vị hơn, tôi nghĩ rằng sự nhạy cảm về giá sẽ quay trở lại”.

Theo Bruce Ikemizu, Giám đốc Hiệp hội Thị trường Vàng thỏi Nhật Bản, có nhiều người mua vàng hơn người bán mặc dù giá vàng cao kỷ lục.

Các chuyên gia cho biết, các nhà đầu tư Trung Quốc đang đối mặt với sự mất giá của tiền tệ, suy thoái bất động sản kéo dài và căng thẳng thương mại cũng đang tìm thấy giá trị của vàng.

Ở những nơi khác ở châu Á, các nhà đầu tư cá nhân đã đổ tiền vào tài sản trú ẩn an toàn, và vàng ngày càng được người mua trẻ chấp nhận nhiều hơn.

Nuttapong Hirunyasiri, Giám đốc điều hành của MTS Gold Group cho biết, tại Thái Lan, người dân đã xếp hàng dài bên ngoài các cửa hàng vàng ngay khi có tin giá vàng tăng cao.

Việt Nam đang chứng kiến các nhà đầu tư đổ xô vào dự trữ, bất chấp giá trong nước giao dịch ở mức cao hơn giá toàn cầu.

Mặt khác, Ấn Độ và Australia vẫn nhạy cảm với giá vàng ở mức cao.

Giá vàng Ấn Độ đã giao dịch ở mức thấp hơn giá quốc tế trong 5 tuần liên tiếp, phản ánh nhu cầu ảm đạm ở quốc gia tiêu thụ vàng thỏi lớn thứ hai. Nhập khẩu vàng của Ấn Độ vào năm 2024 dự kiến sẽ giảm gần 20% do giá cao kỷ lục đã thúc đẩy người tiêu dùng cá nhân đổi đồ trang sức cũ lấy trang sức mới thay vì mua mới.

Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/ngan-hang-trung-uong-trung-quoc-co-the-mua-vang-tro-lai-sau-khi-gia-da-giam-post347126.html