Ngân hàng trước bài toán khó tăng vốn
Kể từ ngày 1/1/2020, các ngân hàng phải tuân thủ tiêu chuẩn Basel II theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng vẫn đang gặp khó trong tăng vốn để đáp ứng tiêu chuẩn này.
Tính đến nay, số lượng nhà băng hoàn tất Basel II mới dừng lại ở con số 10, đó là Vietcombank, VIB, MBBank, ACB, VPBank, Techcombank, MSB và 3 ngân hàng khác nằm ngoài danh sách thí điểm là OCB, TPBank, HDBank.
Hệ số an toàn vốn (CAR) của một số nhà băng tính đến cuối tháng 6/2019 như Vietcombank (9,81%), VIB (9,2%), MBBank (10%), ACB (11,7%; VPBank (11,2%), Techcombank (15,6%), MSB (9%)… đều cao hơn so với tiêu chuẩn của Basel II là 8%.
Trước thời hạn trên, nhiều ngân hàng đang chạy đua với thời gian để đáp ứng chuẩn Basel II. Trong quý II/2019, VietBank đã nộp hồ sơ lên Ngân hàng Nhà nước xin áp dụng chuẩn Basel II. Các ngân hàng ABBank, Kienlongbank, BacA Bank, NCB, Viet Capital Bank, Nam A Bank kỳ vọng sớm hoàn tất Basel II trong năm nay…
Tuy nhiên, có một thực tế là, kế hoạch tăng vốn trong năm nay mới chỉ được các ngân hàng này nhúc nhắc triển khai, chủ yếu bằng hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu. Dẫu vậy, tỷ lệ cổ tức của nhà băng quy mô nhỏ không cao, chỉ từ 5-7%.
Ðơn cử, Nam A Bank dự kiến tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng trong năm 2019, trong đó có kế hoạch thu hút thêm vốn nước ngoài và huy động vốn qua sàn khi niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE.
Mức vốn điều lệ của Kienlongbank, Viet Capital Bank, Nam A Bank, VietBank, Saigonbank... hiện chỉ nhỉnh hơn mức vốn pháp định 3.000 tỷ đồng.
Không chỉ các nhà băng quy mô nhỏ hay vừa, mà các “ông lớn” như VietinBank, BIDV... cũng đang gặp khó trong quá trình tăng vốn.
Tại VietinBank, do tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài là 30% đã được lấp đầy, nên Ngân hàng xin chia cổ tức bằng cổ phiếu giai đoạn 2017-2020 để tăng vốn.
Hiện CAR của VietinBank đã giảm về mức tối thiểu theo quy định, trong khi các biện pháp tăng vốn tự có (gồm cả vốn cấp 1 và vốn cấp 2) đã được Ngân hàng khai thác tối đa.
Với BIDV, Ngân hàng kỳ vọng vào thương vụ bán vốn cho cổ đông nước ngoài để tăng năng lực tài chính, tiến tới đáp ứng tiêu chuẩn Basel II. BIDV đã chốt thương vụ bán vốn gần 900 triệu USD cho KEB Hana Bank.
Khi hoàn tất, BIDV sẽ nâng vốn điều lệ từ hơn 34.000 tỷ đồng lên 40.000 tỷ đồng. KEB Hana Bank sẽ nắm 15% vốn của BIDV và tỷ lệ sở hữu của Nhà nước sẽ giảm từ 95% xuống 80,99%.
Việc bán vốn cho đối tác ngoại được cho là sẽ giúp BIDV cải thiện “bộ đệm” vốn, qua đó có thể áp dụng được Basel II. Tuy nhiên, với Vietinbank, giới phân tích cho rằng, ngân hàng khó có thể tăng vốn đáp ứng Basel II.
Trong khi đó, mục tiêu Chính phủ đề ra cho các ngân hàng cổ phần đến cuối năm 2020 cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực quy định của Basel II, trong đó tối thiểu 12-15 ngân hàng áp dụng thành công Basel II phương pháp tiêu chuẩn trở lên.
Và tới cuối năm 2025, tất cả các ngân hàng áp dụng Basel II tiêu chuẩn, thí điểm áp dụng Basel II nâng cao tại các ngân hàng có vốn Nhà nước và ngân hàng cổ phần có chất lượng quản trị tốt.
Theo tiêu chuẩn Basel II, tỷ lệ CAR cần đạt mức tối thiểu 8%, giảm 1% về mặt số học so với chuẩn Basel I, nhưng việc tính toán lại phức tạp hơn.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ CAR của toàn hệ thống đang ở mức khoảng 12% (quy định tối thiểu là 9%).
Trong đó, CAR của khối ngân hàng vốn Nhà nước là 9,4%, còn của khối ngân hàng thương mại cổ phần là 11,3%. Tới năm 2020, khi Basel II được triển khai rộng rãi, CAR của nhiều ngân hàng sẽ giảm hơn nữa dựa theo công thức mới.
Có thể thấy, lợi ích mà Basel II mang lại cho các ngân hàng Việt Nam là tăng cường sức cạnh tranh và minh bạch của hệ thống, tăng cường sức đề kháng của ngân hàng trước những bất ổn và biến động của thị trường...
Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, các nhà băng nhỏ sẽ khó có thể tăng được vốn trong một sớm một chiều để đáp ứng tiêu chuẩn Basel II.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/tien-te/ngan-hang-truoc-bai-toan-kho-tang-von-279103.html