Ngân hàng tuyên bố giảm lãi suất cho vay, tăng trưởng tín dụng vẫn âm
Các ngân hàng đua nhau hạ mặt bằng lãi suất cho vay từ suốt năm ngoái cho đến đầu năm 2024 vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, cũng như hỗ trợ cho các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, ít nhất trong nửa đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì các mức lãi suất điều hành như hiện nay.
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN cho biết: Tính đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,71% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên bước sang tháng 01/2024, tín dụng toàn hệ thống giảm 0,6% so với cuối năm 2023.
Lãi suất cho vay nối đuôi nhau giảm
Ông Phạm Toàn Vượng - Tổng Giám đốc Agribank cho biết: “Đặc thù của Agribank là tỉ trọng dư nợ cho vay khách hàng cá nhân lên tới 70%, nên cuối năm tốc độ tăng trưởng tín dụng tăng nhanh nhưng đầu năm lại giảm rất mạnh. Theo đó, tăng trưởng tín dụng trong nửa tháng đầu năm nay cũng giảm khoảng hơn 1%, nhưng kể từ ngày 15-1 đã có sự phục hồi nhẹ và đến thời điểm hiện tại, mức giảm còn gần 1%".
Hay như tại Vietcombank, đến hết tháng 1-2024, tín dụng cuối kỳ của ngân hàng này đạt gần 1,24 triệu tỉ đồng.
So với cuối năm 2023, hiện tín dụng của Vietcombank giảm 2,3%, tương ứng với 30.000 tỉ đồng. Trong đó, tín dụng bán buôn giảm 19.000 tỉ đồng, còn tín dụng bán lẻ giảm 11.000 tỉ đồng.
Trong tháng 1 đầu năm nay, tín dụng toàn nền kinh tế ghi nhận mức tăng trưởng âm. Để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, ngay từ đầu năm nay, các ngân hàng đã liên tục đưa ra các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân.
Đơn cử như tại Agribank đã dành gần 60.000 tỉ đồng để triển khai 5 chương trình tín dụng lãi suất thấp dành cho khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp. Trong đó, nhà băng này dành 10.000 tỉ đồng cho khách hàng cá nhân vay tiêu dùng nhằm mục đích mua nhà ở, đất ở, xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở, mua sắm đồ dùng sinh hoạt thiết yếu, ô tô, xe máy… với lãi suất thấp hơn tối đa 2,5%/năm so với sàn lãi suất cho vay của Agribank.
Đối với gói 20.000 tỉ đồng, Agribank cho vay ngắn hạn đối với khách hàng cá nhân phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh (ngoại trừ vay vốn kinh doanh chứng khoán) được hưởng mức lãi suất thấp hơn sàn lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa 2,0% /năm. Hai gói được triển khai này từ ngày 1-2 đến hết ngày 30-6...
Tương tự, Sacombank từ cuối năm ngoái đã đưa ra gói vay phục vụ sản xuất kinh doanh dành cho khách hàng cá nhân từ nguồn vốn ban đầu 25.000 tỉ đồng, sau đó bổ sung thêm 10.000 tỉ đồng, nâng hạn mức gói lên thành 35.000 tỉ đồng với lãi suất chỉ từ 6%/năm đối với các kỳ hạn dưới 12 tháng hoặc chỉ từ 7%/năm đối với các khoản vay trung dài hạn.
Gói vay mới phục vụ đời sống có hạn mức 10.000 tỷ đồng với lãi suất chỉ từ 6,5%/năm, cố định trong 6 tháng, 12 tháng hoặc 24 tháng. Cả hai gói vay triển khai đến hết ngày 31-3 tới đây.
Gần đây nhất, từ ngày 20/02 Nam A Bank áp dụng mức lãi suất cho vay tiêu dùng với khách hàng cá nhân, với mức lãi suất chỉ từ 7,5%/năm. Đối với khách hàng vay với mục đích phục vụ hoạt động kinh doanh, lãi suất cho vay chỉ từ 7,0%/năm.
Lãnh đạo Nam Á Bank cho biết, việc đưa ra mức lãi suất hấp dẫn như vậy là để sát cánh cùng khách hàng đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong năm mới…
Tín dụng sẽ "bật" tăng trở lại từ quý 2 năm nay?
Liên quan đến lãi suất cho vay, ông Phạm Toàn Vượng - Tổng Giám đốc Agribank cho biết: Trong năm 2023, chúng tôi đã có 6 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, đầu năm nay lại tiếp tục giảm 1 lần nữa với lãi suất cho vay giảm từ 0,5 – 1%/năm.
Ngay từ đầu năm đã ban hành gói tín dụng 60.000 tỉ đồng đối với cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, tập trung đẩy mạnh cho vay với lĩnh vực tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu với lãi suất cho vay giảm so với lãi suất thông thường của Agribank là từ 1,5-2%/năm.
"Với những khách hàng có dòng tiền đầy đủ và những dự án hoạt động kinh doanh mới khả quan thì các khách hàng cạnh tranh nhau khốc liệt để cho vay.
Giờ đây, với những khách hàng tốt, ngân hàng không chỉ cạnh tranh về lãi suất mà còn cạnh tranh cả về chính sách cho vay. Có thể nói rằng, chưa bao giờ khách hàng đi vay có điều kiện thuận lợi như bây giờ.
Dự kiến phải đến hết quý II, Agribank có thể đạt tăng trưởng tín dụng 5 - 6% và đến quý III và quý IV mới có sự phục hồi rõ rệt”, ông Vượng cho biết thêm.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Tùng – Tổng Giám đốc Vietcombank cho rằng: Không riêng tại Vietcombank mà tại nhiều ngân hàng khác, hiện mặt bằng lãi suất cho vay đang rất thấp, thấp hơn cả trước dịch COVID.
Vậy nên lãi suất cho vay giờ đây không phải là vấn đề tác động đến nhu cầu vay nợ của người dân và doanh nghiệp nữa.
Lý giải về nguyên nhân khiến tín dụng tháng đầu năm giảm mạnh, ông Tùng nói: Với mảng tín dụng bán lẻ, nguyên nhân cho vay giảm trong tháng 1 do xu hướng vay bất động sản tiêu dùng tiếp tục suy giảm kể từ năm 2023.
Đối với tín dụng bán buôn, khó khăn chủ yếu tập trung liên quan đến vướng mắc pháp lý, đặc biệt là pháp lý đất đai. Chính những nguyên nhân này làm chậm tiến độ triển khai các dự án đầu tư mới, dự án mở rộng sản xuất kinh doanh.
Một yếu tố đặc thù của tín dụng Vietcombank là tỉ trọng dư nợ ngắn hạn bán buôn thường chiếm tỉ trọng lớn trong tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng, lên tới 70%. Và nhóm khách hàng này có xu hướng vay nhiều vào tháng trước Tết để nhập khẩu hàng hóa.
Sau khi bán hàng, thu tiền thì trả nợ vào kỳ đầu của năm nay. Tiếp đến tín dụng của nhóm doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp FDI cũng có xu hướng là trả nợ các khoản vay ngắn hạn vào cuối năm để phục vụ nhu cầu quyết toán.
Do vậy, dư nợ tín dụng bán buôn ngắn hạn của Vietcombank có xu hướng giảm vào tháng 1, tháng 2 hàng năm là yếu tố mang tính thời vụ. Và các khách hàng này sẽ vay trở lại trong các tháng tới, do đó việc tín dụng tăng trưởng âm không có gì là bất thường.
Bên cạnh đó, tâm lý chung của cả doanh nghiệp lẫn khách hàng cá nhân là ngại vay nợ trong tháng đầu tiên của năm.
“Vào khoảng cuối quý I và đầu quý II-2024, tín dụng của khách hàng doanh nghiệp, cá nhân sẽ tăng trở lại”, ông Tùng nhận định.