Ngân hàng Việt và giấc mơ vươn tầm khu vực
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Một trong những mục tiêu đến năm 2025 là có ít nhất 2 - 3 ngân hàng thương mại nằm trong Top 100 ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á xét về tổng tài sản.
Một số ứng viên sáng giá
Theo công bố của The Asian Banker đầu năm 2019, có 14 ngân hàng thương mại của Việt Nam lọt vào danh sách 500 ngân hàng mạnh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương 2018.
Tiêu chí đánh giá của The Asian Banker dựa trên quy mô tài sản và một số tiêu chí khác để cho ra danh sách 500 ngân hàng hàng đầu (AB500 Rank) và xếp loại 500 ngân hàng mạnh nhất (Strength Rank) khu vực trên cơ sở niềm tin về khả năng sinh lời lâu dài từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của các ngân hàng.
Theo đó, Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) được xếp hạng 147 trong bảng AB500, tăng 10 bậc so với công bố năm 2017. Ðây là ngân hàng đứng đầu về tài sản tại Việt Nam nhưng có khả năng sinh lời xếp sau Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank).
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) xếp hạng 156 về quy mô tài sản trong bảng AB500, đứng thứ hai về tài sản tại Việt Nam sau BIDV, nhưng khả năng sinh lời xếp sau Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Techcombank, Ngân hàng Á Châu (ACB), VietinBank, Ngân hàng Quân đội (MB).
VietinBank được xếp hạng 162 trong AB500 và ở vị trí thứ 3 trong số các ngân hàng Việt, nhưng xếp hạng 164 và ở vị trí thứ 5 trong số các ngân hàng Việt trong bảng xếp hạng Strength Rank.
Tại bảng xếp hạng năm trước đó, VietinBank xếp thứ 3 trong số các ngân hàng Việt mạnh nhất khu vực châu Á, trên cả Vietcombank. Còn Vietcombank xếp hạng 169 về quy mô tài sản trong bảng AB500, nhưng được đánh giá cao nhất trong số các ngân hàng Việt về khả năng sinh lời lâu dài khi xếp thứ 29 trong danh sách về Strength Rank.
Techcombank xếp thứ 406 trong bảng AB500 và sau 5 ngân hàng Việt, nhưng là ngân hàng Việt thứ hai trong hạng mục Strength Rank, sau Vietcombank và cao hơn VietinBank, BIDV.
Bảng xếp hạng của The Asian Banker cũng ghi nhận bước nhảy vọt của ACB, đứng ở vị trí thứ 4 trong Strength Rank, tăng 3 bậc so với năm trước. Một số ngân hàng khác có sự bứt phá về thứ hạng trong bảng xếp hạng 500 ngân hàng mạnh nhất lần này như Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tăng 77 bậc, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) tăng 45 bậc...
Cũng trong đầu năm 2019, Brand Finance công bố Top 500 thương hiệu ngân hàng mạnh nhất và có giá trị nhất trên thế giới (Brand Finance Banking 500), Việt Nam có sự góp mặt của 4 ngân hàng và lần đầu tiên VPBank trở thành ngân hàng tư nhân đầu tiên của Việt Nam lọt vào danh sách này.
Giá trị thương hiệu của VPBank được Brand Finance định giá 354 triệu USD, tăng 6,3 lần so với mức 56 triệu USD năm 2016. Nhờ sự tăng trưởng nhanh chóng về giá trị thương hiệu, VPBank nhảy vọt lên vị trí 361 trong tổng số 500 ngân hàng có giá trị thương hiệu cao nhất toàn cầu.
Bên cạnh đó, chỉ số xếp hạng thương hiệu (Brand Rating) của Ngân hàng được xếp loại A trong thang xếp hạng từ D tới AAA+ và chỉ số sức mạnh thương hiệu (Brand Strength Index) được Brand Finance chấm 58,76 điểm, trong thang điểm từ 0 - 100.
Theo Brand Finance, 3 ngân hàng có sở hữu nhà nước chi phối là Vietcombank, VietinBank, BIDV đã có những thay đổi mạnh mẽ, với thứ hạng của giá trị thương hiệu VietinBank tăng từ 310 lên 242, BIDV tăng từ 351 lên 307 và Vietcombank tăng từ 368 lên 325.
Với mục tiêu có 2 - 3 ngân hàng thương mại nằm trong Top 100 ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á xét về tổng tài sản, các ứng viên sáng giá hiện là BIDV, Agribank, VietinBank, Vietcombank. Tuy nhiên, về sức mạnh của các ngân hàng thương mại thì ngôi vị của các ngân hàng có vốn nhà nước đang bị “lung lay” với sự hiện diện của các ngân hàng thương mại cổ phần như Techcombank, VPBank…
Thách thức tăng vốn điều lệ
Mặc dù Vietcombank đã phát hành xong 3% cổ phần cho đối tác nước ngoài (GIC và Mizuho) trong những ngày cuối năm 2018 và là ngân hàng thương mại có vốn nhà nước đầu tiên áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN, tức áp dụng chuẩn mực Basel II về an toàn vốn, song lãnh đạo ngân hàng này cho biết, nhu cầu tăng vốn vẫn rất bức thiết.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank đề nghị Chính phủ cho phép được giữ lại lợi nhuận để tăng vốn, giữ lại thặng dư, đồng thời nới tỷ lệ sở hữu tối đa (room) của nhà đầu tư nước ngoài để hỗ trợ cho hoạt động tăng vốn.
Với VietinBank, do gặp khó khăn trong việc tăng vốn nên ngân hàng này được nhận định khó có thể đáp ứng Thông tư 41 kịp thời hạn. Dự báo, với tỷ lệ an toàn vốn dưới tiêu chuẩn Basel II và thanh khoản chưa cao, tăng trưởng cho vay của VietinBank sẽ chậm lại và chỉ đạt 7% cho cả năm 2019.
Ông Lê Ðức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank chia sẻ, nhiệm vụ tăng vốn đến nay “đặc biệt cấp bách”, đồng thời nhấn mạnh, nguồn lực về vốn từ cổ phần hóa và các cổ đông chiến lược nước ngoài đã được sử dụng hiệu quả 10 năm qua, Nhà nước chưa phải đầu tư thêm khoản vốn nào cho VietinBank.
Ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank cho biết, dự phòng khả năng vi phạm tỷ lệ an toàn vốn khi giải ngân cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân 2019, Agribank đã phải huy động 4.000 tỷ đồng trái phiếu dài hạn để tự tăng vốn cấp hai, trong đó đóng góp của chính người lao động Agribank là đáng kể.
“Một kiến nghị tuy cũ nhưng Agribank vẫn muốn nhắc lại, đó là vấn đề tăng vốn điều lệ”, ông Khánh nói.
Luật sư Trương Thanh Ðức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO nhận xét, các ngân hàng trên đã xây dựng phương án cụ thể, tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả kinh doanh, thực hiện các biện pháp nâng cao năng lực tài chính.
Cụ thể: kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo định hướng chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước; tái cơ cấu danh mục tài sản có rủi ro theo hướng giảm tỷ trọng các tài sản có hệ số rủi ro cao; phát hành trái phiếu thứ cấp tăng vốn cấp 2 nhằm cải thiện tỷ lệ an toàn vốn…
Tuy đã áp dụng đồng bộ và tối đa các biện pháp, nhưng các ngân hàng này vẫn khó đáp ứng mức vốn tối thiểu theo chuẩn mực của Basel II.
Theo luật sư Ðức, nếu không tăng được vốn điều lệ, các ngân hàng sẽ phải giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng, ảnh hưởng đến khả năng cung ứng vốn phục vụ nền kinh tế.
Từ đó, có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, giảm thu ngân sách từ thuế; đồng thời có nguy cơ vi phạm tỷ lệ an toàn vốn, ảnh hưởng đến an toàn hoạt động, mức xếp hạng tín nhiệm quốc tế, uy tín trên thị trường; hạn chế vai trò chủ lực của các ngân hàng này trong toàn hệ thống.
“Nếu có sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước để 4 ngân hàng gồm BIDV, Agribank, VietinBank, Vietcombank tăng vốn điều lệ thì Nhà nước bảo đảm được vai trò chi phối đối với các ngân hàng này, từ đó phát huy hơn nữa vai trò của các ngân hàng là công cụ đắc lực để thực hiện các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước. Theo đó, cần nhanh chóng tháo gỡ các khó khăn, nút thắt, để tăng sức cạnh tranh cho hệ thống ngân hàng, từ đó tăng đóng góp cho nền kinh tế”.