Ngăn học sinh vi phạm pháp luật

Thời gian qua, trên địa bàn Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung, xuất hiện tình trạng một số học sinh có hành vi vi phạm pháp luật. Trong đó, nổi lên một số vụ việc phức tạp với tính chất, mức độ vi phạm nghiêm trọng liên quan đến nhiều hành vi như: giết người, cố ý gây thương tích, trộm cắp tài sản, cho vay lãi nặng…

Công an huyện Trảng Bom tổ chức tuyên truyền pháp luật cho học sinh tại các trường học trên địa bàn huyện Trảng Bom. Ảnh: T.Tâm

Công an huyện Trảng Bom tổ chức tuyên truyền pháp luật cho học sinh tại các trường học trên địa bàn huyện Trảng Bom. Ảnh: T.Tâm

Đồng Nai là một trong những địa phương có tình hình kinh tế phát triển sôi động, đồng thời cũng là tỉnh có số lượng học sinh đông nên công tác quản lý học sinh là một mặt quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo. Đồng thời, công tác này cũng góp phần đảm bảo an ninh trật tự địa bàn.

Sớm phát hiện học sinh vi phạm pháp luật

Thực tế thời gian qua vẫn còn một số học sinh có biểu hiện cá biệt, ngỗ ngược ngay từ khi còn nhỏ tuổi, là điều rất đáng lo ngại. Mới đây, một trường học trên địa bàn thành phố Biên Hòa đã kịp thời phát hiện một vài em học sinh lớp 5 sử dụng lưỡi lam tạo thành các loại dao tự chế để hù dọa các bạn học. Rất may là sự việc đã được cô giáo và nhà trường kịp thời phát hiện, ngăn chặn nên không để xảy ra hệ lụy đáng tiếc nào.

Trong khi đó, cũng có những em đã bị xử lý vi phạm hành chính khi đang ngồi trên ghế nhà trường vì vi phạm pháp luật. Đơn cử như Công an xã Phú Lập (huyện Tân Phú) vừa lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính đối với một học sinh thực hiện hành vi cho vay lãi nặng trên địa bàn.

Trước đó, vào ngày 13-1, từ nguồn tin người dân cung cấp, Công an xã Phú Lập tiến hành điều tra và xác định em P.T.H. (sinh năm 2007) đã cho 2 học sinh H.Đ.H. (sinh năm 2006) và P.V.H.P. (sinh năm 2006), cùng ngụ xã Tà Lài, vay tổng cộng 17 triệu đồng với mức lãi suất cao hơn quy định hiện hành 12-28 lần. Em P.T.H. đã thu lợi bất chính số tiền hơn 10 triệu đồng. Mở rộng điều tra, công an phát hiện em P.T.H. vay tiền từ em Đ.T.A.K. (sinh năm 2008, ngụ xã Phú Lập) 7 triệu đồng, rồi cho bạn học vay lại với mức lãi suất cao hơn để kiếm lời.

Cũng trong dịp Tết Nguyên đán 2025, một số em học sinh đã lên mạng xã hội học cách chế tạo, sử dụng pháo và sớm bị lực lượng chức năng phát hiện. Điển hình như tối 22-1, trong quá trình tuần tra kiểm soát, Công an xã Phú Thanh (huyện Tân Phú) đã phát hiện 3 học sinh lớp 6 đang chuẩn bị đốt pháo trái phép tại khu vực ấp Bàu Mây (xã Phú Thanh). Cả 3 học sinh khai tự chế tạo pháo rồi đem đi đốt. Qua xác minh, cơ quan chức năng phát hiện có thêm 13 học sinh khác đã tham gia chế tạo pháo tại nhà. Các em học sinh đã giao nộp 54 cuộn pháo tự chế các loại có khối lượng 2,8kg; 2,1kg chất bột nguyên liệu làm pháo; 82 cuộn ống bằng giấy, 24 cuốn ống nhựa đang chuẩn bị để chế pháo, 1 khẩu súng cồn tự chế và nhiều công cụ liên quan. Công an xã Phú Thanh đã lập biên bản vụ việc, yêu cầu 16 học sinh viết bản cam kết không tự chế pháo trái phép.

Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về các loại tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (28 điều) như: tội giết người; cố ý gây thương tích; hiếp dâm, cưỡng dâm; trộm cắp tài sản; tội phạm về ma túy; tội liên quan đến đua xe trái phép; các tội liên quan đến mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử; tội khủng bố; tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; tội về vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự…

Xây dựng môi trường học tập an toàn, lành mạnh

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, tình trạng tội phạm đang ngày càng trẻ hóa, manh động và có xu hướng tăng về cấp độ nguy hiểm. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do thiếu sự quan tâm, giáo dục từ gia đình; thiếu kỹ năng sống và nhất là chịu sự tác động rất lớn của mạng xã hội khiến cho trẻ dễ có hành động bộc phát, thiếu suy nghĩ.

Giám đốc Công ty Đào tạo và phát triển giáo dục V.LIFE (thành phố Biên Hòa), thạc sĩ Hà Văn Phúc cho biết, thời gian qua, đã xuất hiện tình trạng các em học sinh trên địa bàn tỉnh vi phạm pháp luật là điều đáng lo ngại. Nguyên nhân dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật một phần do sự thay đổi về tâm sinh lý ở lứa tuổi học sinh, nhất là trẻ đang tuổi dậy thì thường có nhiều hành động bộc phát. Tuy nhiên, cốt lõi vẫn là do nhiều phụ huynh còn lơ là, chưa thực sự gần gũi, quan tâm đúng mức đối với con cái trong từng độ tuổi phát triển. Một số học sinh còn thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu kỹ năng sống, hiếu thắng và nhất là thường xuyên tiếp xúc với mặt trái của mạng xã hội nên dễ bị kích động, lôi kéo.

Trước thực trạng trên, các ngành chức năng đã phối hợp với ngành giáo dục đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật với nội dung, hình thức phong phú. Qua công tác tuyên truyền, các tuyên truyền viên đã thông tin về nhiều thủ đoạn của tội phạm, trong đó chú trọng đến thực trạng bạo lực học đường, kỹ năng ứng xử trước những mâu thuẫn phát sinh trong học sinh. Từ đó, hướng tới xây dựng tình bạn đẹp và góp phần xây dựng môi trường học tập lành mạnh.

Theo Hội thẩm nhân dân Tòa án nhân dân tỉnh Nguyễn Thị Chi, thời gian tới, nhằm ngăn chặn tình trạng học sinh vi phạm pháp luật đòi hỏi sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội và chính quyền địa phương trong việc quản lý học sinh; tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật đúng đối tượng, phù hợp nội dung. Đặc biệt, mở các lớp tập huấn về kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn để giúp học sinh sử dụng mạng xã hội vừa đạt được mục đích học tập, vừa giải trí lành mạnh. Đồng thời, cần tăng cường quản lý, xử phạt để răn đe, tạo hiệu ứng trong môi trường học đường.

Đặc biệt, đối với gia đình, cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc giáo dục nhân cách cho học sinh; thường xuyên kiểm tra đồ dùng học tập của học sinh để sớm phát hiện hung khí nguy hiểm nhằm kịp thời thu giữ, phòng ngừa.

Tố Tâm

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202502/ngan-hoc-sinh-vi-pham-phap-luat-0136e41/