Ngàn năm sóng biển
Tôi có người bạn ở Vĩnh Phúc rất thích đến Nha Trang. Lần nào cũng vậy, cả gia đình bạn khi đến Nha Trang đều dành nhiều thời gian để đi biển hoặc theo tàu ra các đảo. Anh bạn bảo: “Tôi thích ngắm nhìn sóng biển”. Với anh, sóng biển là một vẻ đẹp hoàn hảo.
Trong một chuyến đi Nhật, tôi được giới thiệu loạt tranh 36 cảnh núi Phú Sĩ của Hokusai (1760 - 1849). Trong đó, bức tranh "Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa" được biết đến nhiều nhất trong bộ tác phẩm của ông được hướng dẫn viên trên chuyến hành trình lên núi Phú Sĩ giới thiệu với chúng tôi. Bức ảnh vẽ núi Phú Sĩ, nhưng không gian chính là ngọn sóng. Khung cảnh mô tả ba ngọn sóng chồm lên cao tung bọt biển, núi Phú Sĩ trong bức tranh phủ tuyết trắng xóa mọc lên sừng sững ở hậu cảnh, như vẫn bình yên dẫu biển đang giận dữ.

Tại sao tôi nhắc đến bức tranh về sóng biển và núi Phú Sĩ kia? Bởi dường như sóng biển không phải là những con nước tràn vào bờ, mà đó còn là một sự cám dỗ cho bất cứ ai đứng trước biển, dẫu là biển ở nơi nào. Sóng biển như sắc thái và tâm trạng của con người, khi dịu dàng khẽ vỗ về bờ cát, lúc chồm lên gào thét như muốn cuốn phăng tất cả.
Nha Trang là thành phố biển, biển cứ trải dài theo con đường Trần Phú, Phạm Văn Đồng. Muốn nhìn sóng biển ở thành phố, chỉ cần phóng xe ra biển, để xe ở một chỗ nào đó trên bờ, rồi bước chân xuống thềm cát, sóng biển cứ mơn man đôi bàn chân bạn. Đó là những ngày hè nắng đẹp, sóng biển ngoan hiền mang đến cho người đứng trước biển cảm giác yên ắng. Những ngày biển động, ra biển xem sóng uốn cong thành một vòm nước. Khi theo thuyền ra các hòn đảo, lại gặp sóng biển mải mê vỗ về các ghềnh đá. Ở con đường từ Nha Trang đi Lương Sơn, vòng qua núi là những vòng cua đầy cảm xúc. Dừng lại ở bất cứ đoạn cua nào, nhìn xuống phía dưới là thấy sóng biển vỗ về những bãi sỏi, những mỏm đá giống như những hẹn hò.
Tôi đến nhiều nơi, và dẫu thành phố của mình có biển thì tôi vẫn thích ngắm những con sóng biển đổi dời ở nơi mình đặt chân đến. Phú Quốc được bao bọc bởi biển, cho nên bạn có thể ngắm mặt trời mọc và mặt trời lặn trên biển. Nơi Miếu Cậu, những tảng đá tạo hình nhiều dáng vẻ như là nơi để sóng biển vuốt ve. Ở đó, sóng biển len vào rồi rơi tự do như một trò chơi của con trẻ. Lên cáp treo đi qua Hòn Thơm, nhìn xuống thấy sóng biển cứ lăng xăng đuổi theo những con tàu.
Sóng biển còn là những chuyến hải trình trên những con tàu đến một nơi nào đó. Là con tàu cao tốc từ bến Bạch Đằng đi Vũng Tàu, là con tàu đi từ Phú Quốc đến Hà Tiên hay tàu từ cảng Sa Kỳ ra đảo Lý Sơn. Leo lên boong tàu ngắm nhìn sóng biển chạy theo. Những con sóng như quyến rũ những chú chim hải âu bay theo không mệt mỏi, những con sóng trắng xóa cứ trôi đi, trôi đi…
Biển đã có từ lâu, rất lâu. Những con sóng biển chính là một phần của khát khao, và có thể là của những giấc mơ. Ngay cả khi nơi chốn của bạn có biển, bạn vẫn thích nhảy xuống vùng biển mình vừa đến, để được biển vỗ về. Để một ngày nào đó, lòng không an bình, ra biển nhìn những con sóng biển giãi bày.
Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202504/ngan-nam-song-bien-1b321e6/