Ngàn năm tháp cổ

Tháp Chót Mạt và tháp Bình Thạnh ra đời vào khoảng thế kỷ thứ VIII-IX. Đây là một trong số các kiến trúc tháp thuộc nền văn hóa Óc-eo còn sót lại trên vùng đất Tây Ninh.

Tháp Bình Thạnh.

Tháp Bình Thạnh.

Tháp cổ Bình Thạnh

Tháp cổ Bình Thạnh tọa lạc tại ấp Bình Hòa, xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng. Tháp được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ VIII, trên một gò đất cao, rộng khoảng 400m2, giữa đồng ruộng, ở phía Tây sông Vàm Cỏ Đông. Hiện nay, nơi đây chỉ còn 1 tháp tương đối nguyên vẹn, những ngôi tháp khác đã bị hư hỏng hoàn toàn. Có tháp chỉ còn lại đống gạch ngổn ngang trên mặt đất.

Ngôi tháp tương đối nguyên vẹn có hình vuông, mỗi cạnh 5m, chiều cao 10m. 4 mặt tháp quay ra 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Cửa chính tháp nhô ra, về hướng Đông. Đế cửa được cấu tạo bằng 4 tấm đá phiến lớn đã được đục đẽo, mài nhẵn các cạnh. Một tấm được đặt ngang phía dưới, 2 bên khoét 2 lỗ tròn để gắn “con quay” cánh cửa.

Hai bên cửa là 2 tấm đá lớn dựng đứng. Tấm đá thứ 4 gác ngang phía trên tạo thành một khung cửa vững chãi rộng 1m, cao 2m. Cả bốn mặt tháp đều gắn một tấm phù điêu bằng đá phiến hình chữ nhật chạm nổi hoa cúc cách điệu. Phía trên ba cửa phụ đều có chạm khắc, đắp nổi các họa tiết trang trí rất tinh xảo.

Tháp cổ Bình Thạnh được xây dựng bằng 2 loại vật liệu chính là gạch thẻ và đá phiến. Chân tháp rộng, các bức tường xung quanh thẳng, đỉnh tháp nhọn, tường rất dày. Dưới thời Pháp thuộc, các nhà khảo cổ học người Pháp phát hiện ra cụm tháp cổ này và đã trùng tu một lần. Đến năm 1998, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đầu tư trùng tu lại lần thứ 2.

Ông Nguyễn Văn Đước (sinh năm 1933) trông coi tháp cổ hàng chục năm qua, kể, từ khi còn là cậu bé ông đã nhìn thấy ngôi tháp này. “Lúc đó, xung quanh tháp tre gai mọc um tùm. Trên tháp, cây mắm, lồng mứt mọc đầy”, ông Đước nhớ lại. Sau ngày miền Nam giải phóng, năm 1990, ông được chính quyền địa phương giao nhiệm vụ trông coi, bảo vệ ngôi tháp. Ông bắt tay vào dọn dẹp vệ sinh và trồng nhiều cây dầu xen kẽ với những cây dầu cao lớn có sẵn trong khuôn viên.

Chỉ tay về ngôi tháp, lão nông này nói: “Năm 1998, Bộ Văn hóa Thông tin đã đầu tư trùng tu lại ngôi tháp, tôi là người đi lo vật tư, vật liệu để phục dựng công trình”. Theo lời ông Đước, để có vật liệu xây dựng là nhựa cây ô dước, ông cất công tìm đến nhiều cơ sở sản xuất nhang trong tỉnh hỏi mua nhưng không có, phải sang tận Campuchia đặt hàng, người dân nước bạn vào rừng vạt vỏ loại cây này đem về bán cho ông.

Sau đó, ông thái vỏ cây ô dước thành từng miếng nhỏ, phơi khô rồi xay nhuyễn. Dùng bột này pha với nước làm thành loại vật liệu kết dính những viên gạch xây lên ngôi tháp, không phải dùng xi măng trộn với cát đá xây công trình như hiện nay. Công trình trùng tu được thi công từ tháng 10.1998 đến tháng 10.1999 hoàn thành.

Theo ông Đước miêu tả, trong quá trình trùng tu, các nhà khảo cổ đã đào trong lòng tháp, thu giữ được 1 pho tượng phật to bằng bắp vế người lớn và một số vật dụng bằng sành. Trong quá trình đào đất đắp đường giao thông trước tháp, ông cũng thấy 1 biểu tượng to bằng đầu gối, láng mịn như đá bùn.

“Lúc đó tôi không biết biểu tượng này là gì nên báo cho các kỹ sư đang thi công công trình. Họ đào lên, sau này mới biết đó là biểu tượng linga. Sau đó, biểu tượng này bàn giao cho bảo tàng tỉnh và hiện được trưng bày trong Bảo tàng”- ông Đước tâm sự.

Ông Đước thắp hương cúng vái trong tháp Bình Thạnh.

Ông Đước thắp hương cúng vái trong tháp Bình Thạnh.

Tháp Chót Mạt

Ngược về phía Bắc tỉnh Tây Ninh có một cụm tháp tương tự nhưng đổ nát, hoang tàn hơn, đó là tháp Chót Mạt (thuộc ấp Xóm Tháp, xã Tân Phong, huyện Tân Biên).

Tháp Chót Mạt được xác định xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ VIII sau công nguyên, được phát hiện đầu thế kỷ XX. Qua tài liệu báo cáo khảo cổ học Tây Ninh, tháp Chót Mạt được xây bằng gạch với chất kết dính ô dước. Tháp có bình diện vuông 5m x 5m, đỉnh tháp cao 10m.

Qua năm tháng, tháp đều bị hư hại gần 1/2 kiến trúc. Hai mặt tường phía Tây và Bắc của tháp này hầu như sụp đổ hoàn toàn, chỉ còn phần móng tường chân đế tháp. Các hoa văn trang trí nứt nẻ, chỗ còn chỗ mất. Năm 2003, UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư trùng tu tôn tạo bảo tồn di tích tháp Chót Mạt. Hiện nay, di tích này có tường rào bảo vệ, có cây xanh trong khu đền tháp, đường vào tháp được nâng cấp. Tất cả đã tạo ra cảnh quan đẹp đẽ cho khu di tích, có sức hấp dẫn khách tham quan và phục vụ tốt công tác nghiên cứu khoa học nền văn minh Óc-eo trên đất Tây Ninh.

Tên Chót Mạt hay Chóp Mạt có lẽ bắt nguồn từ việc khi được phát hiện, ngôi tháp đã mất đi phần chóp. Dù trải qua ba lần trùng tu vào những năm 1930, 2003 và 2013, đến nay, tháp này vẫn chưa được phục chế phần chóp của tháp giống như tháp Bình Thạnh.

Các cuộc khai quật khảo cổ đã tìm thấy các yoni và bệ đỡ yoni, tượng thần Vishnu bằng sa thạch có niên đại khoảng thế kỷ thứ VIII. Căn cứ trên những hiện vật được khai quật, có nhà nghiên cứu cho rằng phần kiến trúc tháp đã sụp đổ là đền thần Vishnu, còn kiến trúc tháp khá nguyên vẹn còn lại là thờ thần Shiva.

Một ngôi tháp bên cạnh tháp Bình Thạnh đã sụp đổ.

Một ngôi tháp bên cạnh tháp Bình Thạnh đã sụp đổ.

Năm 1993, tháp cổ tháp Bình Thạnh và Chót Mạt được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử - văn hóa (Quyết định số 937/QĐ-BT ngày 23.7.1993). Tháp cổ Chót Mạt góp phần chứng minh nơi đây từng là địa bàn phát triển và nối tiếp các nền văn hóa. Từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VIII, Vương quốc Phù Nam được biết như một đế quốc hàng hải có giao thương với các đế chế hùng mạnh thời bấy giờ như La Mã, Ấn Độ, Trung Hoa, Ba Tư…

Đến thế kỷ thứ VIII, đế chế Phù Nam suy tàn do những nguyên nhân chưa ai rõ và bị vương quốc Chân Lạp xâm chiếm. Ngày nay, với những di chỉ, di tích tiêu biểu như hai ngôi tháp cổ Bình Thạnh và Chót Mạt, vương quốc Phù Nam và nền văn hóa rực rỡ của họ vẫn là những điều huyền bí mà nhiều người muốn khám phá, tìm hiểu.

Tháp Chót Mạt

Tháp Chót Mạt

Cùng với tháp Bình Thạnh, tháp Chót Mạt là một trong hai ngôi tháp cổ trên đất Tây Ninh còn lại tương đối nguyên vẹn. Đây là di tích kiến trúc cổ quý giá, công trình kiến trúc mỹ thuật đánh dấu một nền văn minh của loài người cách nay hơn 1.000 năm.

Đại Dương

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/ngan-nam-thap-co-a148584.html