Ngân nga tiếng chuông hòa bình

Khác với âm thanh gieo rắc sự kinh hoàng, có một quả bom mà thanh âm của nó mỗi khi vang lên là gửi đi thông điệp bình an cho chúng sinh.

Trong chiến tranh, hàng triệu tấn bom đã đổ xuống mảnh đất hình chữ S mang tên Việt Nam. Hầu hết những quả bom đều để hủy diệt nhưng cũng có những quả bom không nổ và được mang một sứ mệnh mới.

Từ chiếc đại hồng chung làm bằng vỏ bom

50 năm sau chiến tranh, thật khó nhận ra những hố bom sâu hoắm trên vùng đất ba xã Hàm Liêm, Hàm Chính và Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. Vết thương đã lành. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đây là khu tam giác sắt, điểm nóng của chiến trường. Chùa Bửu Lâm được Hội Thanh niên xung phong khai sơn vào thập niên 1960, trở thành địa điểm liên lạc của cách mạng và thực hiện việc chôn cất tử sĩ của cả hai bên.

 Chiếc đại hồng chung bom. Ảnh: NGUYỆT NHI

Chiếc đại hồng chung bom. Ảnh: NGUYỆT NHI

Trong chiến tranh ác liệt, một ngôi chùa đơn sơ dựng lên bằng tranh tre như Bửu Lâm thì lấy đâu ra đại hồng chung, thế là chiếc “đại hồng chung bom” ra đời. Sau trận mưa bom, người dân trong vùng đã lấy một quả bom không nổ, nặng khoảng 227 kg, cưa bỏ phần đuôi để làm chuông. Nhà chùa khai thị lên đó bốn chữ Hán: Xuân, Hạ, Thu, Đông tượng trưng cho bốn mùa, cũng là vòng luân hồi theo quan điểm nhà Phật. Mỗi khi được đánh lên, tiếng chuông từ quả bom không nổ ngân vang như truyền đi thông điệp cầu mong quê hương, đất nước sớm được thanh bình.

 Du khách đến tham quan quả chuông Hòa Bình trong Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tại TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI

Du khách đến tham quan quả chuông Hòa Bình trong Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tại TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI

Đến quả chuông của hòa bình

Sau năm 1975, Hòa thượng Thích Thông Giám tiếp tục quy tập hài cốt nạn nhân xấu số trong các trận mưa bom về chùa làm lễ cầu siêu. Thanh âm “đại hồng chung bom” lại được vang lên. May mắn, thời điểm này non sông đã liền một dải, cánh chim hòa bình đã tung bay tự do trên cả nước.

Năm 1994, Phật tử gần xa quyên góp để xây dựng chánh điện chùa Bửu Lâm và đúc đại hồng chung bằng đồng thay cho chiếc “đại hồng chung bom” đã hoàn thành sứ mệnh. Năm 2012, trụ trì chùa - Thượng tọa Thích Nguyên Hộ đã tặng “đại hồng chung bom” cho nhà sưu tập Nguyễn Ngọc Ẩn, Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Mũi Né, Bình Thuận.

 Ảnh: NGUYỆT NHI

Ảnh: NGUYỆT NHI

 Ảnh: NGUYỆT NHI

Ảnh: NGUYỆT NHI

Hiểu được ý nghĩa lớn lao của vật phẩm này, ông Ẩn đã quyết định hiến tặng lại cho Bảo tàng Chứng tích chiến tranh để thông điệp về giá trị hòa bình được vang xa khắp năm châu bốn bể…

Ông Ẩn nhớ lại: “Thượng tọa Thích Nguyên Hộ nói với tôi rằng hãy đem quả chuông này về vì nó là một nhân chứng thiêng liêng trên vùng tam giác sắt. Tôi xem đây là một bảo vật và mong muốn các thế hệ sau, từ em nhỏ học sinh đến sinh viên, người dân, du khách trong và ngoài nước khi ngắm nhìn quả chuông có một không hai này hiểu được truyền thống yêu nước thương nòi của dân tộc ta, trân quý hơn nền hòa bình của hiện tại”.

Lòng yêu mến hòa bình, tự do của dân tộc Việt Nam được thể hiện xuyên suốt lịch sử theo cách rất riêng, ngay cả một quả bom cũng có thể mang ý nghĩa khác dưới cách nhìn của người Việt. Quả chuông Hòa Bình - tên gọi mới của chiếc “đại hồng chung bom” được Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP.HCM đặt trang trọng trước sân lớn. Từ đó đến nay, khách đến thăm bảo tàng đều không quên gióng lên những hồi chuông nguyện cầu bình an cho bản thân, gia đình, hòa bình cho nhân loại.

 Du khách nước ngoài cũng rất quan tâm đến chiếc chuông đại hồng chung này. Ảnh: NGUYỆT NHI

Du khách nước ngoài cũng rất quan tâm đến chiếc chuông đại hồng chung này. Ảnh: NGUYỆT NHI

 Các em nhỏ đánh thử chiếc chuông. Ảnh: NGUYỆT NHI

Các em nhỏ đánh thử chiếc chuông. Ảnh: NGUYỆT NHI

Trong giai đoạn đại dịch COVID-19, nhiều y, bác sĩ và người dân TP đã đến nguyện cầu bên quả chuông... Các đoàn chính khách của nhiều quốc gia, du khách nước ngoài nghe câu chuyện kể đã đến tận nơi để ngắm nhìn quả chuông đặc biệt này. Trên thế giới có nhiều quả chuông nổi tiếng được đúc từ kim loại quý với khối lượng khổng lồ và tạo hình cầu kỳ, riêng chỉ có Việt Nam, suốt hơn nửa thế kỷ qua gìn giữ quả chuông giản dị làm từ vỏ bom như một nhân chứng lịch sử, một biểu tượng hòa bình được sinh ra trong khói lửa.

Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (War Remnants Museum) là một bảo tàng vì hòa bình, tọa lạc tại 28 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM. Đây là bảo tàng chuyên đề nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản và trưng bày những tư liệu, hình ảnh, hiện vật về các cuộc chiến tranh giữ nước của Việt Nam. Bảo tàng lưu giữ hơn 20.000 tài liệu, hiện vật và phim ảnh.

TRẦN THANH HƯNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/ngan-nga-tieng-chuong-hoa-binh-post829420.html